17/06/2008 00:00 GMT+7 | Đọc - Xem
Trang Thanh cùng con gái |
- Dư Thị Hoàn: Sự xuất hiện của giải thưởng Lá Trầu của quỹ hỗ trợ Lời vàng Eva có thể ví như sự xuất hiện một màng lọc thanh sạch cho thơ trong tình trạng bị ô nhiễm trầm trọng hiện nay. Nếu như tiếp tục có nhiều giải thưởng với quy chế hoạt động bước đầu như Lá Trầu, độc giả không phải mất công lần giở từng cuốn trong mớ thơ hỗn tạp đang đuợc tiếp thị đủ chiêu thức từ thô thiển đến tinh vi và đến từ muôn ngả lọc lừa, phiền nhiễu như hiện nay. Thứ nữa là những tập thơ có giá trị (của tác giả nữ) được trình làng một cách đàng hoàng và tách biệt, không bị nô lệ vào túi tiền (giàu, nghèo) của tác giả.
Qua theo dõi một năm hoạt động của giải thưởng Lá Trầu, và năm nay lại xuất hiện thêm giải thưởng Bách Việt nữa, theo tôi, đó là những giải tư nhân dám xông pha, đồng thời dám đứng mũi chịu sào trong bối cảnh văn đàn bị xáo trộn. Tôi cảm thấy hân hạnh được mời vào ban thẩm định năm nay của giải Lá Trầu, được cộng sự với những con người không ngại ngần đãi cát tìm vàng cho văn chương hôm nay. Qua những ngày đầu làm việc, tôi càng nhận thấy thơ ca đích thực sẽ vượt qua giai đoạn “Nín sống” (chữ của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng), và hiển lộ chân diện mục sinh động và bất ngờ của nó.
- Lê Ngân Hằng: Dù là tư nhân song giải thưởng vẫn phải đảm bảo những yếu tố có giá trị nghệ thuật và đúng với giá trị thể loại, thậm chí phải khác biệt và tốt hơn. Giải thưởng Lá Trầu đã chọn thơ nữ để hỗ trợ xuất bản và thiết lập giải thưởng có giá trị bằng tiền cho nhà thơ, đồng thời đưa thơ đến công chúng với những cách thức tiếp cận riêng. Giải thưởng là để khẳng định các giá trị, ở đây là giá trị hiện diện của thơ ca trong đời sống ngày càng hỗn loạn, xô bồ.... Mà đã là giá trị thì nó phải có khả năng đem lại một vài lợi ích thiết thực nào đó - cho thơ, cho con người, nhà thơ, và cho phát triển không chỉ là sáng tạo suông.
Dưới góc độ học thuật, biết đâu giữa giải thơ “tư nhân” và giải thưởng thơ “nhà nước”, cách nhìn, cách cảm khác có thể khác nhau. Từ đó có thể sẽ mở ra những cách tiếp cận mới hơn cho thơ, đó là điều mà những người viết đang chờ đợi.
Đối với riêng tôi, giải Lá Trầu còn là một giá trị vật chất đáng kể! Ai cũng hiểu, đối với văn học nghệ thuật xưa nay, tiền không phải là mục đích đầu tiên cũng như cuối cùng, nhưng rõ ràng, giá trị giải thưởng cũng là một sự ghi nhận. Tôi nhớ, có lần nhà thơ Phạm Tiến Duật nói rằng, một cuộc thi thành công cần 2 yếu tố : tuyên truyền rộng và trao giải cao.
Ban thẩm định giải thưởng Lá Trầu |
* Giải thưởng tư nhân cho thơ như vậy là một dấu hiệu tốt của đời sống văn học. Nhưng để thơ có chỗ đứng và sống được trong thời hiện đại này, còn cần phải làm gì nữa?
- Lê Thanh Huy: Giải thơ Bách Việt chỉ trao 1 giải duy nhất hằng năm. Bên cạnh việc trao giải, mỗi năm công ty Sách Bách Việt sẽ chọn ra 5-10 tác phẩm lọt vào chung khảo để xuất bản. Với các tác phẩm được chọn in các tác giả sẽ được công ty Sách Bách Việt đầu tư toàn bộ chi phí, được trả nhuận bút theo chế độ nhuận bút xuất bản chung của công ty và thơ in ra được phát hành rộng rãi trên thị trường. Khi thơ được phát hành qua hệ thống phát hành chuyên nghiệp, độc giả phải trả tiền để ra mua thơ thay vì được tặng thì họ sẽ cảm thấy trân trọng thơ hơn, đó cũng là một cách tôn vinh thơ.
Tác giả Trang Thanh nhận giải thưởng |
- Dư Thị Hoàn: Qua công việc thẩm định, mới thấy thơ Việt vẫn được chăm sóc một cách âm thầm và bền bỉ, bởi những tác giả có nghiệp quả và độc giả có duyên nợ với thơ ca. Nếu như sự phục hồi đó được liên tục thể hiện qua những nghĩa cử của những Mạnh Thường Quân tự nguyện (tôi muốn nhấn mạnh hai chữ tự nguyện vì hầu hết các mạnh thường quân cho thơ trước đây, nếu không đòi hỏi điều kiện thì rơi vào diện bị vận động một cách bất đắc dĩ), thì nhiều cây bút sáng tạo, sáng giá, bấy lâu nay bị thua thiệt, bị khuất lấp sẽ dần dần được độc giả đền đáp.
- Trang Thanh: Bằng cảm quan của một độc giả tôi đọc thấy nhiều giọng thơ không lệ thuộc vào những hình thức thể hiện, họ chú ý nhiều đến những cái đang diễn ra, cái đời sống đương đại, với một tinh thần khá cởi mở.
- Lê Thanh Huy: Nhiều người nói rằng hiện nay “người người làm thơ, nhà nhà làm thơ nhưng thơ làm ra không ai đọc”. Tôi không nghĩ thế, nhưng với tư cách một người làm xuất bản tôi thấy đúng là cần phải có một sự thay đổi, nếu không nói là một cuộc cách mạng về cách thức sáng tác, thể hiện thơ để thu hút độc giả đến với thơ. Đã sang thế kỷ XXI được gần chục năm rồi mà nhiều tác giả vẫn còn sáng tác thơ theo phong cách giữa thế kỷ XX thì không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức thơ hiện nay của độc giả, nên độc giả quay lưng lại với thơ cũng là điều dễ hiểu. Đó cũng là lý do mà giải thơ Bách Việt đặt ra tiêu chí là "mới lạ". Mới không chỉ có nghĩa là chưa xuất bản, chưa công bố rộng rãi mà phải là đề tài mới, cách thức thể hiện mới, mang được hơi thở thời đại.
Tôi rất tin vào tương lai của thơ Việt. Khi đời sống đi lên, những lo toan miếng cơm manh áo hằng ngày bớt đi thì nhiều người sẽ có nhu cầu quay lại với văn hoá nghệ thuật, trong đó có thơ. Thơ nhất định sẽ có đất sống, nhưng muốn thơ đến được với độc giả thì nhà thơ cũng cần biết độc giả muốn đọc cái gì. Nhìn chung tôi lạc quan với tương lai của thơ Việt hiện đại.
Linh Lê
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất