Khai ấn đền Trần cũng cần... thử nghiệm?

12/05/2011 11:06 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sau khi tổ chức nhiều cuộc khảo sát và đối thoại ở nhiều cấp, mô hình tổ chức lễ khai ấn tại đền Trần (Nam Định) sẽ được Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam xây dựng và hoàn thiện vào giữa tháng 6/2011. Và nếu được thông qua, nhiều khả năng, kể từ năm 2012, lễ hội gây nhiều tranh cãi này sẽ được tổ chức theo mô hình thử nghiệm, nghĩa là vừa làm vừa điều chỉnh theo thực tế...

1. Thông tin trên đã được Tiến sĩ Lương Hồng Quang (Phó Viện trưởng Viện VHNT VN) báo cáo tại hội thảo sơ kết về công tác tổ chức, quản lý lễ hội Xuân Tân Mão 2011 (Bộ VH,TT&DL tổ chức, diễn ra tại Hà Nội vào sáng qua 11/5). Trước đó, Viện VHNT chính là đơn vị chuyên môn được giao nhiệm vụ nghiên cứu để tư vấn “tháo gỡ” hàng loạt bất cập quanh lễ khai ấn tại thành Nam.

Theo ông Quang, trong thời gian qua Viện đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát về hiện tượng Lễ hội Khai ấn đền Trần. Đối tượng khảo sát được chia thành 3 nhóm chính: giới khoa học và cơ quan quản lý các cấp; những người dân sống tại 6 điểm quanh đền Trần; dư luận và hơn 1.000 bài báo của giới của truyền thông về Lễ hội Khai ấn (nói đúng hơn là về nghi thức phát các dải ấn - “hạt nhân” gây tranh cãi của Lễ hội này). Ngoài ra, một số khảo sát tìm hiểu về việc quản lý, phân chia và sử dụng nguồn tiền công đức cũng được tiến hành.

Hàng ngàn người chờ đợi được phát ấn. Ảnh Đất Việt

“Tư liệu và các phiếu khảo sát phải tới ngày 20/5/2011 mới thu về hết, nên hiện tôi chưa thể công bố kết quả” - ông Quang nói - “Nhưng chắc chắn, khảo sát chỉ là bước đầu. Sang tháng 6, nhiều cuộc thảo luận sẽ được tổ chức để Viện tiếp thu ý kiến từ các nhóm đối tượng. Dựa trên tất cả tư liệu và ý kiến, kịch bản và mô hình để tổ chức Lễ Khai ấn đền Trần sẽ được trình lên Bộ VH,TT&DL trước 15/6/2011”.

2. Nói về quá trình xây dựng và “chuẩn hóa” mô hình tổ chức lễ hội gây nhiều luồng ý kiến này, ông Quang thừa nhận rằng tinh thần của Viện là... thận trọng. “Hội Khai ấn nằm trong xu thế tái tạo lễ hội truyền thống - vốn khá phổ biến ở những nước phát triển. Bản thân, mô hình này rất sẵn những mâu thuẫn tiềm tàng về tính chất và cách vận hành. Đó là chưa kể tới một thực tế nhạy cảm của chúng ta: nhu cầu tâm linh cao, nhưng sự hiểu biết phổ thông về tâm linh lại thấp...”.

Sau khi so sánh với việc lễ hội Edinburgh của Scotland phải mất 15 năm để định hình kể từ 1947, ông Quang nói: “Điều kiện kinh tế, xã hội, dân trí của chúng ta chưa thật hoàn hảo, trong khi việc tái tạo lễ hội truyền thống Việt Nam hiện nay vẫn đang trong tình trạng... vừa dò dẫm vừa làm. Những yếu tố về truyền thông, tài trợ, sân khấu hóa, giữ an ninh... là điều mà các lễ hội bây giờ phải đối mặt, trong khi hoàn toàn không được chuẩn bị kinh nghiệm cho điều đó. Rõ ràng, quá nhiều nghịch lý đang tồn tại trong Lễ hội Khai ấn những năm qua, dẫn tới sự lúng túng trên mọi phương diện”.

Từ chối trả lời về dự kiến có hoặc không duy trì nghi thức phát dải ấn, ông cho biết thêm: Nguyên tắc xây dựng mô hình lễ hội này vẫn là việc cân bằng các lợi ích về kinh tế - văn hóa, đảm bảo giữ nguyên các giá trị truyền thống và tôn trọng lợi ích của các đơn vị tổ chức.

3. Trước và sau báo cáo của ông Quang, một số ý kiến tại hội thảo vẫn tỏ ra không mấy hào hứng với việc duy trì nghi thức phát ấn đền Trần.

Nói như ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ VH,TT&DL tại Đà Nẵng thì: “Vì an toàn, đến việc đốt pháo dịp Tết Nguyên đán chúng ta còn phải cấm và cấm được; nữa là chuyện phát ấn”. Bởi thế, theo lời ông Quang, mô hình chuẩn cho Lễ hội Khai ấn nếu được các cấp có thẩm quyền thông qua thì cũng vẫn nặng về tính thử nghiệm, vừa triển khai vừa điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Phân biệt giữa “văn hóa tâm linh” và “mê tín” bằng cách nào?

Tại hội thảo, bên cạnh 2 yêu cầu về tiếp tục nghiên cứu phương án tổ chức Lễ hội Khai ấn đền Trần và ý tưởng cấm/ không cấm sản xuất vàng mã, thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đã giao Viện VHNT VN tiến hành nghiên cứu và có văn bản để phân biệt rõ 2 khái niệm “văn hóa tâm linh” và “ mê tín dị đoan”. Theo lời Thứ trưởng, rất nhiều cơ quan văn hóa địa phương đã thắc mắc và đặt ra nhu cầu được phân biệt rạch ròi 2 khái niệm này trong công tác quản lý.

Ngoài ra, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng yêu cầu Cục Di sản văn hóa nghiên cứu về truyền thống, nghi thức, vị trí đặt tiền “giọt dầu” tại các đền, chùa Việt Nam để sớm hoàn thiện các hướng dẫn về vấn đề này. Đồng thời, Cục Di sản văn hóa cũng có nhiệm vụ phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở để lên kế hoạch khảo sát, tổng kiểm kê và quy hoạch các lễ hội trên toàn quốc.

Chiêu Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm