Hiểu đúng về chuyện “khai ấn”

10/02/2011 11:09 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Lại sắp đến ngày rằm tháng Giêng, Cung nhà Trần xưa ở phủ Thiên Trường (nay là thành phố Nam Định), bây giờ đang náo nức chuẩn bị đón người về xin ấn. Năm nay, kế hoạch tổ chức lễ hội sẽ có nhiều đổi mới, để giảm bớt sự quá tải, cũng như những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Tuy nhiên, tâm lý của đa phần người đi dự lễ vẫn là muốn cầu thăng tiến cho cả năm. Chính điều này đã để lại cho nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bảo, Chủ tịch Chi hội Di sản văn hóa Phúc Chí (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) nhiều suy ngẫm. TT&VH xin giới thiệu bài viết của ông.

1. Cùng với việc mở cửa tự do tín ngưỡng cho nhân dân theo chủ trương của Nhà nước, lễ hội đền Trần mấy năm nay trở lên tấp nập, người về dự đông đến mức lạ thường, nhất là từ khi có các vị lãnh đạo Nhà nước về đóng ấn (dấu).

Như những năm trước mà tôi chứng kiến, thì từ ngày 14, bắt đầu lúc 17 -18h, dòng người từ khắp các tỉnh thành đổ về đây để dự lễ. Tất cả các tuyến đường xuyên qua nội ngoại vi thành phố Nam Định đều ùn tắc, 21h trở đi thì cả khu vực sân bãi kéo từ cửa đền ra tận quốc lộ 10, hướng đi Thái Bình, hướng đi Ninh Bình, hướng đi Hà Nội, cả ba phía đều đông nghẹt như như nêm những người và xe cộ. Hàng vạn xe ô tô các loại nối đuôi nhau xếp dọc dài hàng chục km, hai bãi đỗ ô tô rộng gần 6ha mà vẫn không đủ sức chứa, nhiều xe phải chui vào các nhà dân, các trụ sở cơ quan ở bốn phía xung quanh đền. Còn xe máy thì không biết bao nhiêu mà kể. Nhiều xe không còn chỗ có chủ trông giữ, các chủ xe đành khóa cửa an toàn rồi bỏ mặc bên vệ đường mà đi vào hội. Được biết tỉnh Nam Định, có năm, huy động tới gần 2.000 chiến sĩ và quân đội, cùng với hàng trăm bảo vệ là người của phường sở tại tham gia bảo vệ an ninh trật tự xã hội.

Lễ Khai ấn đền Trần bản chất là một lễ hội rất giàu ý nghĩa. Ảnh: Internet
Có năm, tất cả các phía vào cổng đền đều được dựng nên hàng rào bằng sắt để ngăn dòng người không thể vào được sân chính, bởi vì ở đó là nơi đón khách Nhà nước cấp trung ương về làm lễ và đóng ấn. Khách vào đền được chia làm hai loại, loại thẻ xanh thì chỉ được vào qua hàng rào sắt thứ nhất, đứng đợi ở hai bên tả hữu (Cổ Trạch phía Đông, Trùng Hoa phía Tây). Chỉ có loại thẻ đỏ mới vào được sân khai ấn. Số thẻ đỏ chỉ vào khoảng trên dưới 1.500 người tức là bằng một phần ngàn số người tham gia lễ hội và có mong muốn lấy được tờ ấn. Bởi thế mới có chuyện xô đẩy nhau, bẻ gãy, đạp đổ hàng rào sắt là chuyện dễ xảy ra (sức người mà).

Chuyện mật độ người đông như thế nên trộm cắp cũng phải xảy ra, thôi thì điện thoại di động, ví tiền, đồng hồ và những đồ kim loại quý đeo trên người... kẻ xấu cứ thích cánh lấy đi. Chuyện may cả năm chưa thấy nhưng chuyện rủi đầu năm đã xảy ra trướ c khi giờ khai ấn điểm linh. Thế mới biết kẻ gian rất xem thường cả chốn cửa thần linh. Bảo không linh thì sao dại gì mà vượt chặng đường dài cả trăm, cả ngàn km về được đến đây, còn chuyện kẻ gian làm chuyện xấu ở những nơi này chả biết thế nào về hậu vận.

2. Trở lại lịch sử khai ấn của nhà Trần, vào năm 1239 tại phủ Thiên Trường, vua Trần làm lễ tế tổ tiên và mở tiệc chiêu đãi phong chức cho những quan quân có công, đến khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông thì lễ khai ấn bị gián đoạn, phải đến năm 1262 Thượng hoàng Trần Thánh Tông mới cho mở lại.

Việc mở lại lần này tiếp đến bao giờ thì dứt cũng không thấy sử sách nào ghi và bản thân chiếc ấn cũ mang dòng chữ “Trần triều chi bảo” cũng không còn.

Mãi đến năm 1822 vua Minh Mạng qua đây mới cho khắc lại ấn mới và mang dòng chữ “Trần triều điển cố” và thêm chữ “Tích đức vô cương”. Từ đó hàng năm cứ đến ngày rằm tháng Giêng, từ 23h ngày 14 đến 1h sáng ngày 15 là diễn ra lễ khai ấn, đây là một tập tục văn hóa rất có ý nghĩa nhân văn, vừa tri ân tiên tổ vừa nhắc nhở nhau chấm dứt các hoạt động vui chơi để chuẩn bị bắt tay vào công việc mới với những luồng sinh khí mới.

Ngày nay, việc đồn thổi giá trị thiêng liêng từ tờ ấn ở đền Trần đã đi đến chỗ thái quá thành dị đoan. Kẻ bất tài, tham nhũng, lười biếng nhưng lại những mong thăng tiến thì xã hội đương thời cũng chẳng thèm chấp nhận, huống hồ anh linh các vị vua Trần dưới thời Đại Việt quốc gia, ba lần đánh tan giặc ngoại xâm càng không bao giờ ủng hộ cho cái lối “ nằm ngửa chờ sung rụng” như thế.

3. Tôi cũng có đôi lần đi lễ hội đền Trần nhưng là cốt để thắp nén nhang tri ân và ngưỡng mộ đức tài thao lược của các vua Trần và xem khai ấn, tuyệt nhiện không có ý cầu may bởi ngẫm mình là kẻ học chưa hết chữ, chỉ số IQ ở vào hạng xóa mù, vốn cơ bản là cuốn sổ hưu, hơn 40 năm trời lội suối trèo đèo, cả đạn bom ngoài tuyến lửa... nên có cầu thì cung cũng chẳng có nữa.

Đi nhận ấn bây giờ nói như một nhà báo bạn tôi: “Mỗi lần nhận ấn là một lần tự hứa với mình, với tổ tiên sông núi về trách nhiệm trước công việc mình đang làm chứ không phải hy vọng vào may rủi. Và may trong lĩnh vực nào chứ tài hèn đức mỏng lại gặp may trong đường hoạn lộ thì quả là tai họa cho người liên quan đến trách nhiệm của mình”.

Chuyện lễ hội và nghi thức đóng ấn ở đền Trần đang có nhiều ý kiến nêu lên là bỏ. Bỏ thì mất một kỳ lễ hội rất nhiều ý nghĩa truyền thống văn hóa, có nên chăng chỉ là bỏ phần đóng ấn. Lãnh đạo Nhà nước từ nay nên bỏ hẳn việc đóng ấn như đã làm. Bởi làm như thế vô tình đã đổ dầu thêm vào đốm lửa dị đoan, làm cho ngọn lửa thêm bùng cháy. Mà thay vào đó là việc vinh danh, trao phẩn thưởng cho những công dân Việt Nam lập công xuất sắc hàng năm thì hay biết mấy. Nếu được như thế thì những mục đích cầu may, thăng tiến vô vọng ấy sẽ giảm đi rất nhiều, người đến lễ hội cũng giảm đi làm cho trật tự trị an trở lại bình thường. Chỉ có thế thì lễ hội đền Trần mới thực sự là một dịp tri ân báo đức, báo công với các thế hệ vua Trần.

Nguyễn Văn Bảo (Hội Di sản văn hóa Việt Nam)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm