08/03/2014 09:05 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Sau Tết, ngồi trà thuốc với một người bạn làm nghề báo chí. Anh ấy bảo: đổi Tết về Dương lịch như người Nhật ấy mà hay. Để cái Tết Âm lịch này lê thê, trước Tết và sau Tết cánh phóng viên chỉ ham chơi nay hội, mai đền, phủ… cả tháng trời, chả làm ăn gì cả, mất bao nhiêu là việc.
Anh ấy là nhà quản lý, tiếc thời gian. Với anh ấy thời gian là tiền bạc. Lãng phí thời gian là lãng phí tiền bạc.
Trên mạng có ai đó đưa lên cái ý kiến trưng cầu bỏ Tết ta, theo Tết Dương lịch, thì thấy một Việt kiều bên Mỹ la lên: Người xa xứ chúng tôi, mỗi khi nhớ về quê hương là nhớ về cái Tết. Bỏ là bỏ thế nào!
Sau Tết là hội. Người châu thổ Bắc bộ có mấy câu thế này: “Tháng Giêng Đông, tháng Hai Đoài, tháng Ba duyên hải”. Đấy là nói về tuần tự các lễ hội lớn. Ngày xưa tổ chức lễ hội các vùng được cắt đặt theo thời gian để mọi người có thể đi hết các hội làng. Đông là vùng Kinh Bắc, Hải Dương, Đoài là vùng Sơn Tây, Hà Đông. Duyên hải là từ Thái Bình Quảng Ninh thì hội hè từ tháng 3, tháng 4…
Châu thổ Bắc bộ có hai vùng văn hóa là Đông và Đoài. Đông (phía Đông) nổi tiếng về chùa chiền, Đoài (phía Tây) nổi tiếng về đình.
Lễ hội là để giao lưu tìm hiểu thêm vẻ đẹp của các vùng miền đất nước và trao đổi làm giàu thêm văn hóa phi vật thể, chưa kể còn là những gặp gỡ thăm viếng học hỏi làm ăn, giàu thêm kiến thưc và kinh nghiệm sống. Xét cho cùng, lễ hội đâu phải chuyện ăn chơi như mọi người tưởng, mà nó hẳn là vấn đề tìm lại cội nguồn, hun đúc tình cảm với quê hương đất nước.
Không có cái gì trường tồn là vô nghĩa cả. Lễ hội chính là văn hóa đó.
Chỉ có điều lễ hội giờ biến tướng sang lợi dụng làm tiền và kích động sự mê muội là cần ngăn chặn. Cái gì mà lạm dụng thì đều hỏng cả.
Tôi đi miên man trong mùa Xuân đất nước. Ở mọi vùng thôn quê, lễ hội đầu năm bừng lên như mùa Xuân hoa nở. Hoa đến hẹn thì đơm bông. Mùa Xuân hoa nở, hội làng hàng năm hẹn nhau hoa mùa Xuân nở rộ, người tứ phương gặp nhau cùng ôn lại quá khứ tinh hoa. Đó là vườn hoa của đất nước, đẹp lắm. Lễ hội là cái cần thiết để bồi bổ tinh thần dân tộc chứ không đơn thuần là giải trí. Tôi luôn nghĩ như vậy và yêu quý lễ hội của mọi vùng miền.
Sao lại nghĩ lễ hội là lãng phí thì giờ nhỉ? Rõ ràng là công việc điều chỉnh cuộc sống đó chứ. Chỉ lên án những gì bóp méo lễ hội truyền thống.
Bài và minh họa: Đỗ Đức (họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất