Lê Hoàng: Dân Hà Nội trọng nghĩa khinh tiền?

17/07/2012 13:13 GMT+7

"Trên mảnh đất thần thánh này, tiền chả là cái gì hết,  điều đáng quan tâm là thái độ kiên nhẫn, khả năng chịu đựng, ít giục giã, sẵn sàng nói to và sẵn sàng nghe người khác nói to"- đạo diễn Lê Hoàng.

Tiền là nguyên nhân của nhiều tệ nạn đến nỗi cơ quan vũ trụ Mỹ - Nasa đã từng tiết lộ: khi phi hành gia lần đầu tiên trên trái đất đặt chân lên mặt trăng, nhìn cảnh vật ông ấy đã thốt lên “ Ôi, yên bình quá, ở đây không có tiền”.
 
Do vậy, tỏ ra khinh tiền hay nói cách khác khinh những kẻ có tiền luôn luôn là một nhiệm vụ cao quý, cấp bách đặt ra một cách hối thúc cho toàn thể loài người ở mọi tầng lớp, mọi địa phương, mọi quốc gia, và Hà Nội, tuyệt vời thay Hà Nội chính là một trong số nơi ít ỏi dẫn đầu công việc đó.

Nếu bạn đến Hà Nội với một trái tim nhiệt tình, cháy bỏng, một nụ cười trong sáng và một cử chỉ tao nhã bạn chắc chắn sẽ được đón tiếp nồng hậu. Hà Nội sẽ nắm tay bạn, bay bổng cùng bạn hoặc ôm bạn vào lòng, vừa ôm vừa siết. Nhưng nếu bạn liều mạng bước vào mảnh đất Ngàn năm văn vật ấy với một túi tiền, cam đoan bạn sẽ bị nghi ngờ, bị lạnh nhạt, thậm chí bị cau có và ghét bỏ.

Cứ thử xách tiền vào một quán ăn thủ đô mà xem, dù cổ bạn có đeo dây chuyền vàng to như sợi xích hoặc tay bạn có đeo nhẫn kim cương lớn như quả bưởi thì bạn cứ xếp hàng, cứ ngồi chờ. Đôi lúc chờ tới “ toạc cả mồm” mà vẫn phải im lặng, đừng có đòi hỏi thứ này thứ khác lôi thôi.


Lê Hoàng tám về chuyện tiền

Có thể nói không ngoa, sự "trọng nghĩa khinh tiền" của Hà Nội thấm vào trong từng tấc đất, nhưng đặc biệt nổi bật và sâu sắc ở những nơi mang tính dịch vụ. Vào các nơi đấy mà bạn cậy quen biết ? Được! Cậy đẹp trai hay đẹp gái? Cũng được! Cậy học thức? Nhiều khả năng được luôn! Nhưng cậy tiền là hỏng bét.
 
Truyền thuyết kể rằng, có một gã nhà giàu suốt đời nuôi gà, nuôi vịt dưới quê; sau đó bán được một bọc tiền to vác lên Hà Nội khệ nệ. Bước xuống bến xe, ngay lập tức lão được dân xe ôm hất hàm hỏi (vừa hất hàm vừa ngồi trên yên): "Ê, đi không anh già?"
 
Chả hiểu nhiễm đâu ra thói tự ái tiểu tư sản, lão nhà giàu không đi. Lê bước vào một hàng cơm nhỏ vừa ngồi xuống thì bị bà chủ hàng the thé: "Ăn gì? Nói nhanh, không ăn thì biến."

Đói quá nên gã phải ăn. Ngồi xuống chiếc ghế chung quanh la liệt những mẩu giấy chùi mồm như một đàn bươm bướm xanh đỏ dưới đất, nhai được ba miếng thì nước mắm hết, gã mon men hỏi xin thêm, tức thì bà chủ quán gào lên “sang kia mà lấy, vẽ chuyện”.
 
Nhân đây khi bước vô Hà Nội, mặc dù bạn chưa từng bao giờ là họa sĩ, cả một đời chưa cầm tới bút lông, bạn cũng có thể trở thành kẻ “vẽ chuyện”.  Đó là danh từ bạn được phong tặng khi bạn đòi hỏi người khác, và hi vọng người khác phải phục vụ mình sau khi nộp tiền.
 
Không ai sinh ra để làm nô lệ cho ai, đặc biệt là những công việc nô lệ vặt vãnh như mang nước, như bưng bê, như xếp dọn… Một số dân Hà Nội hôm nay hiểu rõ điều này. Đừng nhân danh cái gì bắt họ làm những chuyện ấy, nhất là đừng nhân danh tiền bạc khi sử dụng dịch vụ. Người Hà Nội ưu tiên cho những nhân viên khoáng đạt, hào sảng, khỏe khắn, phong trần. Những nhân viên kiểu đó nói to, cười lớn, thân mật vỗ vai khách, phát vào lưng khách hoặc nắm tay khách lôi đi một cách tự nhiên, đột ngột đầy ngẫu hứng và táo bạo.
 
Hà Nội không xếp người theo địa vị, mọi lao động đều cao quý và hơn nữa cao quý như nhau. Vào cơ quan phải lễ phép với bảo vệ, đi ô tô phải năn nỉ tài xế là những cử chỉ được dân Hà Nội khuyên dùng.
 
Những đứa có tiền và tin tưởng một cách mơ hồ tiền sẽ mang lại hạnh phúc, chỉ ở Hà Nội vài bữa là được cải tạo toàn diện. Có tiền cũng cứ ngồi vỉa hè mà ăn, cứ cốc mẻ mà uống, lôi thôi thì "biến”. Tất nhiên những kẻ như thế, phần lớn chả phải Tôn Ngộ Không, chẳng biết biến đi đâu và biến vào đâu nên cứ phải cắn răng đứng đấy.
 
Một số cá nhân ngu ngốc từng phát biểu “Tiền là Tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ…”. Chỉ nói vài câu đã biết ngay những kẻ đó chưa tới Hà Nội. Trên mảnh đất thần thánh này, tiền chả là cái gì hết,  điều đáng quan tâm là thái độ kiên nhẫn, khả năng chịu đựng, ít giục giã, sẵn sàng nói to và sẵn sàng nghe người khác nói to. Những đức tính như thế bảo đảm cho bạn sống yên ổn và phấn khởi. Đừng dại dột hay ảo tưởng đặt mình vào địa vị của thượng đế bởi Hà Nội là đất học hành, ai cũng biết thượng đế không tồn tại.
 
Những kỉ niệm sâu sắc mỗi lần ra Hà Nội ùa về khi đất trời trở lạnh, khi mùa thu đến cứ khiến lòng ta chợt trào dâng một nỗi buồn man mác, nghẹn ngào rất khó tả. Như một câu hát đã ngân lên: "Ở nơi ấy có một người mà tôi mến yêu." Ở nơi ấy có một quán hàng mà tôi sợ hãi và ở nơi ấy có một bà chủ khiến tôi run run. Tiền bạc là nhất thời, tình yêu là mãi mãi.
 
Theo Giaoduc.net.vn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm