Lê Anh Hoài: Hãy cứ làm đi đã thay vì vò đầu bứt trán băn khoăn…

29/07/2008 23:55 GMT+7 | Đọc - Xem

1. Tác giả của tiểu thuyết có cách viết phá cách “Chuyện tình mùa tạp kỹ” vừa tham gia một dự án nghệ thuật cộng đồng do họa sĩ Ngô Lực khởi xướng với một tác phẩm trình diễn ngay trên đường phố mang tên “Tôi là cột điện”. Hình như anh thích thử nghiệm và làm cái gì anh cũng muốn tạo lập sự khác biệt? Trong khi cái mới xuất hiện gặp nhiều khó khăn hơn, chưa hẳn đã có độc giả hay khán giả, khó có sự đồng cảm…?


Tác phẩm của nhà văn Lê Anh Hoài
+ Lê Anh Hoài:
Tôi nghĩ những người có ý thức sáng tạo thì đều muốn thử nghiệm và đều muốn tạo ra những cái khác với những người đi trước. Có một câu chuyện vui trong đó kể một nhạc sĩ khi nghe một tác phẩm mới trình diễn thì liên tục ngả mũ, tác giả quá ngạc nhiên mới hỏi: Ông làm gì thế ạ? Đáp: Vì tôi liên tục gặp trong tác phẩm của ngài các nhạc sĩ tên tuổi đã khuất nên tôi phải kính cẩn chào!

Bản chất của sáng tạo là làm ra cái mới. Mà mới thì thoạt đầu bao giờ cũng khó coi, khó nghe, thậm chí... “khó ngửi”. Tôi không dám chê những người cứ bắt người khác phải chào những người tiền bối xuất hiện trong tác phẩm của mình, nhưng quả là tôi không thích.

Khi tôi viết cuốn tiểu thuyết “Chuyện tình mùa tạp kỹ” (tên ban đầu là Tìh êu – lưu ý: cố ý thiếu 1 số con chữ). Nhiều người cũng phản ứng: Sao lại viết toàn những chuyện lặt vặt và nhảm như thế? Sao lại kết cấu lộn xộn như thế (vì trong đó có cả chương hồi như truyện Tàu, có cả kịch phi lý, rồi trích bài báo tùm lum)? Sao lại đùa giỡn với những điều nghiêm túc như thế? Vv... và vv. Bản thảo đi qua mấy nhà xuất bản đều không trôi, chẳng phải vì nội dung tư tưởng hay sex xiếc gì mà vì người ta thấy nó lạ quá.

Thật ra tôi chỉ cố gắng thể hiện cuộc sống. Cuộc sống bình thường là phồn tạp, có những điều ngẫu nhiên chứ không sắp xếp thành chuyện rành mạch… Ngôn ngữ của cuộc đời vốn rất tự nhiên nên tôi đưa vào tác phẩm những câu nói rất ba láp, những câu thơ thuộc loại viết trên tường… bày ra một mớ nhìn có vẻ loạn xạ nhưng đây là sự hỗn độn có ý tứ.

Thế nhưng khi nó đã in ra (nhờ NXB Đà Nẵng với nhà văn Đà Linh làm Tổng biên tập) thì nó lại vẫn có công chúng của nó. Mà số công chúng này chưa chắc đã kém hơn hay ít hơn so với những cuốn “nghiêm trang”. Tiểu thuyết này được nhiều nhà phê bình đánh giá là có tính đương đại, và được viết với tinh thần hậu hiện đại.

Kinh nghiệm này giúp tôi vững tin hơn vào công việc của mình.

Còn việc làm “Cột điện”, cột điện thì ai chẳng biết, nhưng người trình diễn cột điện thì hình như là chưa hề có ai. Thông qua hình ảnh Tôi – Cột điện này, tôi muốn đánh thức một vài điều đang ngủ quên trong công chúng mà thôi.

Một số hình ảnh trong dự án "Ra đường"

2. Nghệ thuật nào cũng cần khán giả song với nghệ thuật cộng đồng các yếu tố tương tác giữa nghệ sĩ - tác phẩm và công chúng lại cần hơn cả. Với loại hình nghệ thuật này công chúng vẫn còn lạ lẫm, vẫn còn hiểu ít, biết ít và tương tác ít. Nghĩa là hiệu quả công việc không cao. Vậy khi bắt tay vào công việc, các anh trông chờ đợi gì ở công chúng?

+ Lê Anh Hoài: Nghệ thuật cộng đồng khơi mở tính nghệ sĩ trong công chúng và khuyến khích công chúng tham gia sáng tạo nên tác phẩm. Đó là cái khác cơ bản với những loại hình truyền thống trong đó công chúng chỉ hưởng thụ nghệ thuật mà không tham gia sáng tác.

Ở ta, việc này còn tương đối mới. Công chúng còn khá e dè. Ngay cả nghệ sĩ cũng thế, nhiều người chỉ quen làm việc một mình. Kiểu làm việc sáng tạo một mình không bao giờ mất đi, nhưng cũng phải thấy càng ngày xã hội hiện đại càng đòi hỏi liên kết trong mọi việc.

Chúng tôi biết thế nhưng vẫn làm với ý thức: Trước lạ sau quen.

3. Có nhiều ý kiến cho rằng các anh đang làm nghệ thuật đương đại vì theo mốt (ở VN, còn trên thế giới đã không còn mới). Hay thực sự xuất phát từ một nhu cầu cần hình thức mới để chuyển tải tốt hơn và cần một cái gì đó shock, tác động mạnh và gần gũi, trực tiếp với công chúng?

+ Lê Anh Hoài: Một nhà phê bình nghệ thuật (tạm gọi thế) gần đây có phát biểu, đại ý: Tất cả những cái gọi là nghệ thuật đương đại, những cuộc "ra đường" (tên dự án nghệ thuật của Ngô Lực là "Ra đường") đều là hình thức gây shock và bịp bợm!

Shock là vì ông ta không (và không chịu) quen mà thôi, còn bịp bợm ư? Bịp để làm gì? (cười to. Ha ha).

Những hình thái của nghệ thuật mới như installation art (nghệ thuật sắp đặt), body art (nghệ thuật trên thân thể), performance art (nghệ thuật trình diễn)... ra đời từ những năm 60 thế kỷ trước ở phương Tây. Tiếp theo còn là hàng loạt những nghệ thuật (art) mới và cuối cùng thì người ta chỉ còn phân biệt là nghệ thuật thị giác (visual art) mà thôi. Cuộc sống biến đổi (mà biến rất mạnh) thì nghệ thuật cũng biến đổi, trước hết từ ý thức, sau đến hình thái. Việt Nam cũng như rất nhiều nước trên thế giới nằm trong quy luật này. Điều này không khác gì sự xuất hiện của tân nhạc đầu thế kỷ 20 khi tuồng, chèo, chầu văn... vẫn còn thống trị. Những người khăng khăng phản đối tại sao không tự hỏi: Trước khi có trường Mỹ thuật Đông Dương ai vẽ sơn dầu? Chất liệu này cũng là "ngoại nhập" đấy. Hay máy ảnh là của "Tây" nó làm ra nên ta quyết không chụp ảnh? Trong đời sống cũng thế thôi: tại sao giờ đây các quý ‎ ông của chúng ta lại mặc complet mà sao không đóng khố cho nó truyền thống?! Cái áo dài ngày nay được tôn vinh như thế nhưng tiền thân của nó chính là cái áo tân thời bị các cụ nhà ta phỉ nhổ, cho là hạng đàng điếm mới mặc!

Nói như vậy để thấy chuyện tranh cãi mới - cũ là chuyện muôn đời. Và cái mới thì cứ xuất hiện còn cái cũ thì cứ... cũ đi và thối rữa, nếu nó không tự làm mới nó.

Trở lại với nghệ thuật đương đại, vấn đề là nó cung cấp những phương tiện biểu hiện mới cho những người sáng tạo. Nói nôm na: một "ông Tây" làm trình diễn hay sắp đặt... thì đó là tác phẩm của ông ta, và một nghệ sĩ Việt Nam làm trình diễn hay cả body art, video art với cảm thức của người Việt Nam... thì đó là một tác phẩm mới và độc lập. Làm sao mà lại cứ "úp sọt" như vậy với những hình thức nghệ thuật mới? Chẳng lẽ tất cả các bức tranh sơn dầu là giống nhau? Cứ ai vẽ sơn dầu là “học đòi”, theo mốt?

4. Những việc anh làm trong nghệ thuật được đánh giá là rất có tính đương đại. Với anh nghệ thuật đương đại là thế nào?

+ Lê Anh Hoài: Cũng phải nói ngay là tôi làm chưa được nhiều. Mọi cái còn ở phía trước. Tuy nhiên, về quan điểm trong sáng tác, tôi nghĩ có thể và nên chia sẻ.

Nghệ thuật đương đại không phải là một thể loại, nó là nghệ thuật được làm trên một tinh thần, thái độ cách tân và phản biện.Nó thu nạp rất nhiều phong cách nghệ thuật và chấp nhận mọi tư tưởng tiến bộ, rất dân chủ. Có rất nhiều định nghĩa và minh chứng rất cụ thể, ai quan tâm nên tìm sách đọc hoặc đơn giản là lên mạng tìm. Với tôi, nói một cách đơn giản, cái đương đại là cái sống, cái hiện hữu, hiện thời. Nghệ thuật đương đại là nghệ thuật của ngày hôm nay. Nó tác động đến con người hôm nay bằng ngôn ngữ nghệ thuật và vấn đề hôm nay. Nói như vậy không có nghĩa bài trừ mọi cái cũ. Như truyện Kiều chẳng hạn, khi nó sống với con người hôm nay, thì nó vẫn là nguyên liệu của cái đương đại.

5. Anh muốn khai phá những cái mới, rất mới, vậy anh có sợ các tác phẩm của mình sẽ không được độc giả, khán giả đón nhận?

+ Lê Anh Hoài:Tôi nghĩ đã làm nghệ thuật thì đều muốn có người đọc, người xem. Nhưng có lẽ không nên mong muốn tòan nhân loại biết đến mình. (cười) Điều này chỉ đến với một số quá ít người và lại chỉ đến sau khi người đó đã chết mục xương rồi.

Giờ đây công chúng tự phân hóa rất mạnh. Có nhiều cảm nhận, thái độ, quan điểm xung quanh một tác phẩm là đương nhiên. Tôi nghĩ về cơ bản có hai tâm thế sáng tác: 1. làm vì thấy cần và thích một cách tự thân. 2. làm vì được đặt hàng. Người nghệ sĩ luôn luôn dao động giữa (1) và (2), không thể thoát.

Nghệ sĩ nếu sáng tác theo (1) thì phải chấp nhận điều này: Tôi cứ làm còn công chúng có thể có, có thể không… Rất nhiều họa sĩ hay nhà văn đến nay được tôn vinh trên tòan thế giới nhưng lúc sinh thời thì sống khổ sống sở vì tác phẩm không bán được. Hay như Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều, tôi nghĩ ông cũng đâu có ý nghĩ: mình đang viết một "cái di sản văn hóa dân tộc" mà đơn giản chỉ là vì thích và viết thôi…

6. Dự án “Ra đường” có nhiều ý kiến ủng hộ và không ủng hộ. Dưới góc độ của anh, “Ra đường” đạt nhất ở điều gì?

+ Lê Anh Hoài: “Ra đường” chính là thực hiện tinh thần đương đại. Đường phố ở Việt Nam là nơi diễn ra các trạng huống của cuộc sống sôi động từng giờ từng phút. Nghệ sĩ nên thoát khỏi "tháp ngà" và nhập vào cuộc sống ấy.

Đây là một dự án nghệ thuật có tính mở. Trông bề ngoài có vẻ dễ dãi nhưng bên trong chứa đựng nhiều điều thú vị, nhất là về ý niệm nghệ thuật. Về phía phản đối, ngoài ý‎ kiến về sự "bịp bợm" nói trên, tôi biết còn có những người, trong giới hẳn hoi, chỉ buông ra một câu: ĐIÊN! Nhưng cũng rất nhiều nghệ sĩ và người xem bình thường thích thú và hưởng ứng. Và cảm nhận rõ nhất chính là các nghệ sĩ tham gia rất hào hứng. Tôi nghĩ đó là thành công. Vì một mục tiêu của dự án là đẩy mạnh tính tương tác, không phải khen mới là tương tác, người nhận xét chúng tôi “điên” đó là cũng là tương tác, mà tương tác mạnh ấy chứ.

7. Hình như cái sự băn khoăn “người khác nghĩ gì?” khi viết, khi sáng tác đã ngự trị trong nhiều tác giả. Thay vì làm những gì mình thích, mình cho là thú vị họ đã phải “lái”, làm những gì được coi là hợp lý và không trái với thông thường? Anh nghĩ sao?

+ Lê Anh Hoài:Đúng là có chuyện đó. Thật ra thì “người khác nghĩ gì?” là sức ép rất lớn với nghệ sĩ và không phải là dễ chống lại. Tuy nhiên, tôi thấy nguy là nhiều người sống đã không thực, lại giả ngay trong văn chương, nghệ thuật. Họ chỉ chăm chăm làm những gì “ngon xơi”, những gì biết chắc là bán được hoặc làm ra là được giải nọ giải kia, được khen tặng.... Cũng có những người đạt được một số thành công trong sáng tạo nhưng ngay sau đó lại dừng lại, thỏa mãn và chỉ tiếp tục tự copy bản thân.

Tôi nghĩ nếu muốn sáng tạo thì hãy cứ làm đi đã thay vì vò đầu bứt trán băn khoăn…

Theo Dạ Miên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm