Lấy lửa “lộc” của thánh thần

26/02/2010 11:46 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Nhắc đến lấy “đỏ” đầu năm, một người phàm nghĩ sẽ nhớ ngay đến... món tiết canh vì họ quan niệm đầu năm ăn “tiết canh” sẽ được lộc đỏ, cả năm làm ăn sẽ gặp may mắn. Vào ngày 24/2, (tức 11 Tết Canh Dần) tại làng An Định, Hà Đông (HN) cũng có tục “lấy đỏ” đầu năm nhưng không phải ăn tiết canh mà là lấy lửa khi hóa vàng mã tại đình làng trong dịp Tết.

Châm lửa “lộc” của thánh thần mang về nhà

Làng An Định (Nghĩa Lộ, Yên Nghĩa, Hà Đông cũ) nay gồm hai phường 5, 6 và phường Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) nằm bên dòng sông Đáy, cách trung tâm HN hơn 20km. Gọi là làng cho có “chất quê” chứ thực ra cũng không thua kém dân nội đô. Nhưng từ lâu người dân nơi đây vẫn giữ được những tục lệ cổ có từ mấy trăm năm, trong đó có tục “lấy lửa” vào ngày rã đám Hội Xuân.


  Sau 7 phần lễ, vàng mã trong đình sẽ được mang ra sân và hóa bằng lửa lộc
được lấy từ bàn thờ gian giữa của đình

Lễ Hội Xuân của làng được tổ chức hàng năm, bắt đầu từ ngày mùng 7 Tết đến ngày 11. Ngày mùng 7, là ngày khai hội với lễ Đóng Đám, phong áo nhà thánh. Ngày 8, 9, 10 (Âm lịch) được coi là chính hội, ngoài việc Tế Hội đồng với các thôn quan anh kết nghĩa, dân làng còn tổ chức rất nhiều trò chơi dân gian như chọi gà, hát quan họ trên thuyền rồng bên quán thờ nhà ngài... Vào những ngày này, toàn bộ con gái của làng đi lấy chồng nơi khác đều tề tựu về đình làng để lễ nhà thánh, cầu mong mọi sự tốt lành trong năm.

Theo quan niệm của người dân nơi đây, đầu năm mang đỏ về nhà là may mắn. Lộc đỏ lấy từ đình làng qua những nén hương được mang về nhà cắm lên bàn thờ Tổ tiên sẽ mang tới một năm thuận lợi, nhiều tài nhiều lộc.


Những cách thức “lấy đỏ” tránh “lộc cháy”, “lộc bỏng”
Cụ thể, vào lúc 19h, đường làng, sân đình đông nghẹt người. Theo lệ, đúng 20h, các cụ bô lão, chức sắc trong làng bắt đầu hành lễ tại đình làng. Trình tự làm lễ gồm 7 phần kết hợp với múa xênh tiền, múa quạt trên nền nhạc lễ rộn ràng. Trong khi tại gian giữa đình, các phần lễ được diễn ra trọng thể, thì phía ngoài sân đình, người dân đang háo hức chuẩn bị sẵn hương và cả “dụng cụ hỗ trợ” châm hương chờ hóa vàng mã để lấy đỏ.

Sau 7 phần lễ, vàng mã trong đình sẽ được mang ra sân và “hóa” bằng lửa lộc được lấy từ bàn thờ gian giữa của đình. Chỉ chờ ngọn lửa hóa bốc lên, người lớn, trẻ con, thanh niên, người già lao vào châm hương. Ai cũng muốn lấy được nhiều nhất sự may mắn về cho gia đình bằng cách châm lửa lộc của thánh thần. Người đi lấy đỏ về cho gia đình phải làm sao lấy thật nhanh. Khi nén hương mang về nhà còn cháy càng nhiều, lộc càng lớn. Chính vì vậy, những người được cử đi “lấy đỏ” về nhà chủ yếu là những thanh niên nhanh nhẹn, khỏe mạnh.

Vì muốn lấy lộc cho nhanh, nhiều khi xảy ra chen lấn, có người còn bị cháy áo, bỏng da nhưng ai nấy đều vui mừng, coi đó là lộc! Dẫu vậy, để tránh những lộc cháy, lộc bỏng, nhiều người đã sáng tạo nhiều cách lấy đỏ như buộc hương vào gậy dài, lấy thùng xốp che lửa...


Lộc đỏ lấy từ đình làng sẽ được nhanh chóng mang về nhà
và thắp lên bàn thờ tổ tiên. Ảnh: Cao Mạnh Tuấn

Đình làng cháy sinh ra tục “lấy đỏ”?

Có thể nói, tục lấy lửa (lộc) là một hội lễ không thể thiếu với người dân An Định và những ngày đầu năm mới. Tuy nhiên, về nguồn gốc ra đời của tục lấy lửa đến nay vẫn còn là một bí ẩn.

Theo lời kể của các cụ trong làng, tục lệ “lấy đỏ” của làng không biết có từ thời nào và cũng chưa có sử sách nào ghi lại cụ thể mà chỉ biết đình làng thờ một vị tướng thời Lê. Đình làng từng là nơi sản xuất vũ khí thời kháng chiến chống Pháp. Sau đó, dưới sự càn quét của thực dân Pháp, đình làng từng bị đốt và cháy trong 7 ngày 7 đêm mới trụi. Năm 2000 dưới sự nỗ lực của chính quyền, nhân dân địa phương, đình làng đã được phục dựng lại...

Nhiều giả định cho rằng chi tiết đình cháy trong 7 ngày 7 đêm mới trụi là thể hiện sự “nổi giận của đấng thần linh” trước hành vi “xâm hại” của con người (ở đây là thực dân Pháp) đến nơi ngự thiền của họ nhưng đối với đời sống tâm linh của con người lại là lộc nên từ đó hình thành tục lấy lửa để cầu may.

Tuy vậy giả định này bị bác bỏ bởi cũng theo một số bô lão trong làng thì tục lấy lửa “lộc” đã có trước khi đình cháy từ rất lâu. Do diễn biến lịch sử làm cho tục lệ này của làng bị ngắt quãng, trong khi sử sách không ghi và các cụ cao niên am hiểu về lịch sử làng đều đã là người thiên cổ. Việc dân làng tổ chức hội lễ là dựa trên quan niệm, tín ngưỡng dân gian, dựa trên lòng biết ơn và ngưỡng mộ của các thế hệ sau đối với tiền thần (tôn sùng các anh hùng dân tộc, anh hùng địa phương, người có công lớn với dân với nước được thờ ở đình làng)?!

Đó, nói như một người dân địa phương “là con đường chung để tín ngưỡng thẩm thấu vào văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của người dân làng An Định”.

Yên Khương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm