Lật lại những 'cuộc chiến' trong khoang lái

17/03/2014 07:03 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Các quan chức tình báo Mỹ đang nghiêng về hướng giả thuyết những người trong khoang lái, tức các phi công, của chuyến bay MH370 phải chịu trách nhiệm trong vụ mất tích bí ẩn. Tuy nhiên họ không loại trừ kịch bản buồng lái bị kẻ khác chiếm quyền kiểm soát.

CNN đưa ra nhận định trên hôm 16/3, dẫn nguồn tin tình báo Mỹ thân cận với hoạt động điều tra về vụ mất tích, sau khi có tin nhà chức trách Malaysia đã khám nhà của cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, và cơ phó Farq Ab Hamid, 27 tuổi.

Các phi công rơi vào tầm ngắm

Theo quan chức tình báo Mỹ đã cấp tin cho CNN, trong mấy ngày qua chính quyền Malaysia đã tìm kiếm một cái cớ để lục soát nhà riêng của 2 phi công. Nhưng chỉ từ 24-36 giờ qua, khi dữ liệu rađa và vệ tinh liên quan tới chuyến bay được công bố, người ta mới có đủ bằng cứ để làm việc này.

Dấu hiệu bất thường đầu tiên cho thấy các phi công có liên quan là khi máy bay quay đầu đổi hướng tại địa điểm nó thực hiện liên lạc lần cuối với cơ quan kiểm soát không lưu Kuala Lumpur và ngay trước khi phải bắt liên lạc với phía Việt Nam. Đây được xem là thời điểm lý tưởng để máy bay mất tích mà không gây nhiều chú ý.

Theo Thủ tướng Malaysia Najib Razak, có ai đó đã ngắt hệ thống liên lạc và báo cáo máy bay ACARS, ngay trước khi máy bay tới bờ Đông bán đảo Malaysia. "Không lâu sau đó, khi ở gần biên giới kiểm soát không lưu Malaysia và Việt Nam, thiết bị truyền phát tín hiệu của máy bay cũng đã bị ngắt" - ông Najib nói.

Cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah (trái) và cơ phó Farq Ab Hamid cùng các hành khách trên chuyến bay đã bị điều tra liên quan tới vụ mất tích máy bay

Cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah (trái) và cơ phó Farq Ab Hamid cùng các hành khách trên chuyến bay đã bị điều tra liên quan tới vụ mất tích máy bay

ACARS là hệ thống thường xuyên phát thông tin của máy bay như tình trạng nhiễu loạn khí quyển, lượng nhiên liệu còn lại về cho hãng hàng không. Trong khi đó hệ thống truyền phát tín hiệu, có thể được điều khiển từ khoang lái, sẽ phát đi các dữ liệu về máy bay thông qua tín hiệu sóng vô tuyến tới đài kiểm soát không lưu. Nó gồm thông tin nhận dạng máy bay, tốc độ, vị trí và cao độ.

Những lời cuối phát ra từ khoang lái là: "Được rồi, chúc ngủ ngon". Ông Najib nói rằng những lời này được phát ra tại biên giới kiểm soát không lưu, cùng thời điểm thiết bị truyền phát tín hiệu bị ngắt. Việc này cho thấy hoạt động cố tình đảo hướng máy bay đã diễn ra sớm hơn người ta tưởng. Nó cũng có nghĩa nhân vật nói câu trên bằng một giọng điềm tĩnh có thể là phi công hoặc có thể là kẻ tiến hành không tặc.

Rađa quân sự cho thấy máy bay đã vòng trở lại hướng Tây, bay qua bán đảo Malaysia. Tiếp đó nó hoặc đã đi về phía Tây Bắc sang Vịnh Bengal hoặc Tây Nam về phía Ấn Độ Dương. Khả năng máy bay đi về phía Tây Nam được nhiều chuyên gia ủng hộ, do bay ra biển sẽ khiến máy bay không bị các rađa quân sự có độ nhạy cao phát hiện. Tuy nhiên nó cũng có nghĩa máy bay sẽ dễ rơi xuống biển vì hết xăng.

Những kẻ muốn kiểm soát máy bay

Giới quan sát cho rằng luôn có khả năng phi công tự sát trong những vụ tai nạn như thế này. Đã từng có tiền lệ cho chuyện này, như trong vụ việc xảy ra với chuyến bay số 990 của Hãng hàng không Egypt Air (Ai Cập), vốn đã đâm xuống Đại Tây dương không lâu sau khi rời khỏi Sân bay quốc tế JFK trong ngày 31/10/1999. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Mỹ nói rằng cơ phó chuyến bay đã cố tình đâm máy bay, dù nhà chức trách Ai Cập tỏ ý nghi ngờ điều này.

Nhưng nếu chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines là tự sát, vì sao nó lại bay trong nhiều giờ và người lái máy bay còn bận tậm tới việc tắt thiết bị truyền phát tín hiệu? Điều này làm mở ra khả năng có ai đó mang những động cơ điên rồ hoặc phi chính trị đã chiếm quyền điều khiển máy bay. Hướng giả thuyết này càng có sức nặng dựa trên thực tế máy bay mất tích hơn 8 ngày và chưa có tổ chức khủng bố nào đứng ra nhận trách nhiệm, qua đó giảm thiểu khả năng máy bay bị khủng bố đánh cướp.

Người nhà các hành khách mang quốc tịch Trung Quốc đi trên chuyến bay sốt ruột chờ tin ở Bắc Kinh

Người nhà các hành khách mang quốc tịch Trung Quốc đi trên chuyến bay sốt ruột chờ tin ở Bắc Kinh

Trong kỷ nguyên trước vụ khủng bố 11/9, trước khi các cánh cửa cường lực được lắp vào khoang lái, đã có nhiều vụ chiếm quyền kiểm soát như vậy. Air Safety Week, một tạp chí về ngành hàng không, đã có một bài viết hồi tháng 1/2001 nói rằng số vụ "không gian khoang lái bị xâm phạm và đe dọa đang tăng lên". Tờ báo cho biết trong 3 năm trước 2001, đã có 14 vụ người ta tìm cách vào khoang lái trái phép.

Air Safety Week chỉ ra 1 vụ xảy ra ngày 29/12/2000 khi một người đàn ông Kenya xông vào khoang lái chuyến bay của Hãng British Airways đang từ London tới Nairobi và làm loạn. Chiếc máy bay đã tụt độ cao hơn 3km trước khi cơ trưởng giành lại được quyền kiểm soát.

Air Safety Week cũng chỉ ra 2 vụ đáng ngại khác ở Mỹ. 1 vụ xảy ra vào ngày 11/8/2000, khi 1 hành khách 19 tuổi đi trên chuyến bay của Hãng Southwest Airlines đã cố vào khoang lái ngay trước khi máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống Salt Lake City. 6 hành khách đã phải xúm vào mới khống chế được nhân vật này.

Vụ thứ 2 xảy ra trên chuyến bay của Alaska Airlines trong ngày 16/3/2000, khi hành khách Peter Bradley bắt đầu cởi sạch quần áo và chạy dọc theo máy bay. Người đàn ông 31 tuổi này còn hét vào mặt các hành khách rằng: "Tôi sẽ giết các người. Tôi sẽ giết tất cả các người". Tiếp đó Bradley đạp cửa khoang lái và giành quyền kiểm soát máy bay. Cơ phó đã với lấy một chiếc rìu thường chỉ dùng cho tình uống khẩn cấp và định sống chết với Bradley. Tấn kịch chỉ kết thúc khi vài  hành khách nhảy vào khống chế gã.

Hướng giả thuyết nặng ký nhất

Kể từ sau vụ 11/9, việc giành quyền kiểm soát máy bay vẫn tiếp tục diễn ra dù người ta đã lắp cửa chống đạn hoặc cửa cường lực. Thường những kẻ thực hiện hành vi này là để xin được tị nạn.

Ngày 24/1/2007, một vụ đánh cướp máy bay đã xảy ra trên chuyến bay của Hãng Air West, Sudan, vốn cất cánh đi từ thủ đô Khartoum. Khoảng 1 giờ rưỡi sau khi máy bay cất cánh, kẻ đánh cướp máy bay Mohamed Abdu Altif đã vào khoang lái cùng một khẩu súng ngắn và gí vào đầu cơ trưởng. Gã đòi tới London, Anh, nhưng được thông báo là máy bay không đủ nhiên liệu nên đồng ý tới Chad. Chiếc máy bay sau đó hạ cánh xuống Chad, nơi Altif đầu hàng chính quyền.

Nếu chính phi công đánh cướp máy bay để phục vụ mục đích riêng, cửa chống đạn sẽ chẳng thể ngăn cản anh ta. Trường hợp này mới xảy ra vào ngày 17/2 năm nay, khi cơ phó của chiếc máy bay chở khách thuộc hãng Ethiopian Airlines bay từ Addis Ababa (Ethiopia) tới Rome (Italy), đã giành quyền kiểm soát máy bay khi cơ trưởng đi tắm. Cơ phó đã lái máy bay tới Geneva, Thụy Sỹ và xin tị nạn ở đây.
Đôi khi các vụ chiếm quyền kiểm soát máy bay xảy ra vì các lý do khá cá nhân. Ngày 4/10/2006, Hakan Ekinci chui vào khoang lái của một chuyến bay chở khách hoạt động trên tuyến Tirana (Albania) và  Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), sau khi một tiếp viên sơ ý để cửa mở.

Ekinci nói rằng gã có bom và sẽ cho nổ bom nếu máy bay không đảo hướng tới Italy để gã được nói chuyện với Giáo hoàng. 2 chiếc máy bay chiến đấu của Italy đã phải cất cánh để buộc máy bay đổi hướng và hạ cánh xuống Brindisi, Italy.

Ekinci thực tế là một kẻ đào ngũ khỏi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Gã từng viết thư cho Giáo hoàng Benedict XVI trong mùa Hè năm 2006, nhờ ông giúp tránh không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Gã đã bị bắt ngay khi máy bay hạ cánh ở Italy.

Nếu chuyến bay MH370 thực sự bị chiếm quyền kiểm soát, những người chịu trách nhiệm làm việc này hẳn phải có kiến thức để tắt thiết bị truyền phát tín hiệu. Về cơ bản kỹ thuật trên không mới bởi 3/4 chiếc máy bay bị đánh cướp trong vụ 11/9 cũng bị tắt các thiết bị truyền phát tín hiệu.

Hiện tại số phận MH370 vẫn là bí ẩn, nhưng dựa vào những gì chúng ta đã biết, khả năng máy bay bị chiếm quyền kiểm soát, dù bởi phi công hay ai đó, vẫn là hướng giải thích thuyết phục nhất.

Tường Linh (Theo CNN)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm