Dò tìm dấu vết lăng mộ vua Quang Trung

06/10/2016 16:37 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 6/10, tại Thừa Thiên - Huế đã diễn ra việc mở hố thám sát đầu tiên, dò tìm dấu vết lăng mộ vua Quang Trung. Khu vực thám sát dự tính sẽ diễn ra ở 5 hố, trên diện tích rộng 22m2, tại địa điểm gò Dương Xuân, phường Trường An, thành phố Huế. Cuộc thăm dò do Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế thực hiện.

Phó Giáo sư - Tiến sỹ Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Cuộc thám sát khảo cổ học thăm dò dấu vết lăng mộ vua Quang Trung được thực hiện theo quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong quá trình thăm dò, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản hiện vật thu thập được, tránh hư hỏng và thất lạc; báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án phát huy giá trị hiện vật và đặc biệt là không được công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận với cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.

Vị trí chùa Thuyền Lâm - nơi sẽ khai quật để tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung

Theo ông Nguyễn Đắc Xuân, nhà nghiên cứu văn hóa Huế, việc tiến hành thám sát khảo cổ học lần này sẽ bổ sung thêm những căn cứ xác đáng, khơi thông dòng chảy lịch sử vốn còn nhiều điều bí ẩn. Trước đó, từ năm 1985, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã cho rằng lăng mộ vua Quang Trung được an táng tại khu vực gò Dương Xuân (gần chùa Thuyền Lâm và chùa Vạn Phước). Đây là địa điểm mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã xác định là nơi tọa lạc Cung điện Đan Dương của vua Quang Trung và là nơi chôn cất thi hài của vua sau khi băng hà.

Ngoài ra, Huế - Phú Xuân xưa còn được biết đến khi ngày 25/11 năm Mậu Thân (1788), Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu Quang Trung và phát động cuộc xuất quân thần tốc ra Bắc đánh tan hơn 20 vạn quân Thanh xâm lược, giải phóng thành Thăng Long vào mùa Xuân Kỷ Dậu (1789).

Hiện các nhà nghiên cứu chưa tìm thấy nguồn sử liệu ghi chép rõ ràng việc an táng vua Quang Trung, thêm vào đó lăng mộ của Quang Trung từng được cho là đã bị nhà Nguyễn san bằng và phá hủy, vì vậy việc xác định lăng mộ của vị vua này rất phức tạp. Vì vậy, việc thám sát khảo cổ học thăm dò dấu vết lăng mộ vua Quang Trung lần này là rất cần thiết đối với việc nghiên cứu văn hóa, lịch sử trong nước...

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm