22/03/2009 18:46 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - Có một tiểu thuyết được Trần Nhuận Minh hoàn thành từ trước thập kỷ 80, nhưng hoàn toàn bỏ bẵng đâu mất. Thế rồi năm 1999, khi có cuộc thi viết cho thiếu nhi, em trai ông là nhà thơ Trần Đăng Khoa mới nhắc anh: “Trước đây, anh có cái văn xuôi, mô tả thằng bé vừa ngủ dậy, còn mắt nhắm mắt mở, đã leo tót lên song cửa sổ, đái vo vo ra mặt sông, anh còn nhớ không, cái ấy cũng được đấy…”. Tác phẩm mà nhà thơ Trần Đăng Khoa nhắc đến, chính là tiểu thuyết Hòn đảo phía chân trời với đoạn trích Lập làng giữ biển của nhà thơ Trần Nhuận Minh được chọn in trong SGK lớp 5 (bộ mới).
![]() |
Đoạn trích Lập làng giữ biển thuộc phần khởi đầu của tác phẩm, nói về việc vận động những ngư dân đi giữ đảo xa. Cuộc vận động sẽ không đạt kết quả, nếu người lãnh đạo chủ chốt trong công việc này không thuyết phục được chính gia đình mình. Bởi thế ông của cậu bé Nhụ, nghe theo lời bố cậu xung phong ra đảo khi tuổi “không còn chịu được sóng”, mang theo cả cỗ hậu sự (cỗ quan tài sẽ chôn mình, vì ngư dân xưa, chết không có đất chôn và chôn cũng không có quan tài)! Thế là việc cơ bản đã xong rồi... Những ngư dân khác sẽ sẵn sàng đi theo...
Có một điều thú vị mà ít người biết, ấy là đoạn trích này nằm trong một tác phẩm đã bị quên lãng tới 20 năm trên gác xép.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh cho biết: Ông viết tác phẩm Hòn đảo phía chân trời cách đây 30 năm, viết về những người đánh cá bên bờ sông Bạch Đằng, đi bảo vệ một hòn đảo nằm trên biển Đông của hải phận Việt Nam. “Nội dung cuốn sách là do tôi tưởng tượng ra” - ông vui vẻ nói. Tất nhiên là ông cũng đã có thực tế hơn 2 năm đi sưu tầm văn nghệ dân gian, lần lượt ở nhiều làng đảo, theo nhiều thuyền đánh cá đủ các loại trên vịnh Bắc bộ, đêm cũng như ngày, lúc biển yên lành cũng như khi biển giận dữ, từng theo thuyền cắm đăng ở ven bờ và đánh cá mập ở tít khơi xa.
Ông nói: “Bạn đọc sẽ tìm thấy trong sách này của tôi những chi tiết rất lý thú về biển cả, sương mù, mưa, giông, luồng nước, các loại cá... và cuộc đời của rất nhiều người sống chết với sông nước và biển cả, cùng những phong tục tập quán, thói quen ăn ở của họ tại một số làng đảo mà tôi đã đi qua. Khác với quyển trước, quyển này viết xong tôi vứt lên gác xép và quên bẵng đi 20 năm...”.
Học văn mà “văn” lại không phải là trọng tâm
Theo ông, viết cho thiếu nhi là một nghề trong nghề viết, thạo nghề thì dễ, không thạo nghề thì khó. Viết cho thiếu nhi, điều phải rất chú ý là tính giáo dục, nhưng tính giáo dục phải chìm lặn vào bên trong. Nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi của chúng ta thất bại là ở chỗ này. Vì có sự áp đặt của các chủ đề giáo dục, cho nên đọc cứ trơ ra... thì làm sao thuyết phục được con trẻ?
Ông nói: “Nhà trường có nhiệm vụ đào tạo những công dân có ích cho đất nước. SGK được in ra chỉ nhằm một mục đích đó. Vì vậy, xử lý các vấn đề văn học của các thời kỳ, là điều không mấy dễ dàng. Tôi rất thông cảm với cái khó của các nhà soạn sách. Chọn các tác phẩm văn chương vào SGK trong nền giáo dục của chúng ta vài chục năm nay, chủ yếu là chọn theo chủ đề giáo dục tư tưởng. Vì thế học văn mà “văn” lại không phải là cái chính. Tôi đã có 7 năm dạy văn trong nhà trường, thực chất nghiêng về dạy tư tưởng mà thôi, các yếu tố văn chương chỉ có chức năng minh họa. Cấu tạo chương trình giảng dạy cũng lấy nội dung tư tưởng làm khung sẵn, rồi tìm những bài mà tư liệu có sẵn trong tay, tương ứng với yêu cầu của nội dung mà lắp ghép vào. Càng sửa SGK, chất lượng SGK càng kém đi. Đấy là một trong những lý do chính, khiến nhiều học sinh, sinh viên không tha thiết với môn văn, một môn quan trọng nhất trong chức năng đào tạo con người của cả nền giáo dục”.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất