04/01/2023 14:33 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Mặc dù áp dụng các biện pháp kỹ thuật, triển khai thi công liên tục không ngừng nghỉ nhưng do điều kiện địa chất, đất sét dính chặt ở độ sâu của trụ bê tông mà bé trai 10 tuổi kẹt lại nên việc cứu hộ bé bị chậm, đến trưa 4/1 vẫn chưa thể đưa trụ lên trên mặt đất.
Clip: Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp lý giải nguyên nhân kéo dài thời gian cứu bé trai
Sáng 4/1, công tác cứu hộ vẫn đang được Ban chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Đồng Tháp thực hiện khẩn trương nhằm cứu nạn em bé lọt trong lòng ống bê tông.
Hiện kỹ thuật bơm xoáy bằng áp lực nước cao đang tạm dừng
Có mặt tại hiện trường vụ việc, ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp do điều kiện địa chất phức tạp nên công tác cứu nạn, cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên tất cả phương tiện, thiết bị, nhân lực đã được huy động tối đa cho công tác cứu nạn em bé.
"Đến sáng nay các đơn vị cứu hộ vẫn triển khai các biện pháp khoan guồng xoắn, có cọc khoan xuống độ sâu 34-35m. Kỹ thuật bơm xoáy bằng áp lực nước cao đang tạm dừng do kết quả hạn chế", ông Bửu cho biết.
Theo đó, trong tối 3/1, 2 phương pháp khoan guồng xoắn và phương pháp khoan xoáy nước được thực hiện song song tuy nhiên hiện phương pháp xoáy nước đang tạm dừng. Đơn vị thi công vẫn đang khoan guồng xoắn, dự kiến đến chiều nay (4/1) sẽ hoàn thành phần phá vỡ, làm tan rã phần đất còn lại trong lòng ống có đường kính 1.6m để tính đến phương án giảm tối đa ma sát rồi sẽ đưa từng đoạn ống cọc lên, sau đó cắt ra và thực hiện phương án cứu hộ trên mặt đất.
Đồng thời, lực lượng thi công và lực lượng phối hợp đã triển khai diễn tập sơ bộ phương án cưa cắt ống cọc bê tông vì ống cọc bê tông chuyên dụng cọc móng nên có độ dày…, cần phải diễn tập trước để rút ngắn thời gian.
Các trang thiết bị, máy móc vẫn đang miệt mài liên tục để cứu hộ bé trai
"Công việc cứu hộ từ qua đến nay vẫn tiếp diễn và liên tục, cuối ngày hôm nay hi vọng đưa cọc ống lên trên mặt đất để thực hiện các cứu hộ tiếp theo. Khi hoàn thành thiết bị khoan guồng xoắn, kết thúc công đoạn này thì mới dùng cáp chuyên dụng, dùng cẩu tải lớn để kết nối với cọc ống để đưa lên", ông Bửu nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ban đầu đơn vị thi công muốn làm song song 2 kỹ thuật nhưng kỹ thuật bơm bằng áp lực nước gặp phải tầng địa chất phức tạp, đất sét nén chặt, bám dính nên khi triển khai công suất chậm nên tạm dừng, giờ ưu tiên triển khai khoan guồng xoắn với những mũi khoan có đường kính nhỏ hơn. Công tác bơm oxy vào ống cho bé vẫn liên tục được duy trì, tuy nhiên chưa xác định được vị trí bé trong ống bê tông bởi ưu tiên lúc này vẫn là cứu hộ, đưa ống lên mặt đất trước.
Trả lời câu hỏi của PV về việc dự kiến thời gian cứu hộ nhiều lần nhưng vẫn chưa thực hiện hoàn thành được, ông Bửu cho biết dù tất cả mọi người vẫn đang nỗ lực nhưng gặp phải nhiều khó khăn. Cụ thể, ông Bửu nói.
"Đối với phương án cứu hộ ống cọc bê tông chúng ta phải xuyên thấu xuống độ sâu 35m trong tầng đất sét ở cuối cọc ống, xung quanh có những cọc đã đóng trước rồi nên độ nén đất rất là lớn. Nên khi mà chúng ta khoan cọc xuống ở độ sâu 30-40m thì gặp phải tầng đất rất phức tạp, nó chắc, bám dính, trong lòng ống chật hẹp rất khó khăn.
Thành thử các đơn vị đã có nhiều nỗ lực, có nhiều giải pháp kỹ thuật thay đổi và tham khảo ý kiến chuyên gia liên tục nhưng chúng ta phải chấp nhận là độ nén đất, khó khăn địa chất, do đó phương pháp kỹ thuật cũng phải chậm để đảm bảo chúng ta làm tới đâu thì an toàn tới đó. An toàn cho giải pháp cũng như an toàn cho lực lượng thi công nên chúng ta chưa thể xác định chắc chắn được thời gian chúng ta hoàn thành lúc nào, giải pháp kỹ thuật sử dụng nhiều trang thiết bị, nhiều đơn vị phối hợp.
Xuống dưới tầng sâu thì phức tạp, đất sét bám chặt, nén, các phương tiện thi công đưa lên đưa xuống nhiều lần để xử lý, có phần thủ công để cho nó rã ra nhưng chúng ta làm cách nào đó giữ an toàn, phụ thuộc vào điều kiện thi công chứ không thể nào theo cam kết dự tính ban đầu được".
Hi vọng đến chiều nay, công tác cứu hộ đưa trụ bê tông lên mặt đất sẽ hoàn thành
Nói về việc đảm bảo an toàn của công trình, ông Bửu cho biết đơn vị quản lý cũng có che chắn, rào, gắn cảnh báo, có người canh gác… nhưng đây là trường hợp hi hữu, đi vào thời điểm mà có những khe kẽ ở công trình.
Cũng trong sáng nay, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận cùng các chuyên gia, công an, quân đội đã đến để hỗ trợ thêm cho công tác cứu nạn bé trai bị kẹt trong ống cọc bê tông.
Hiện mọi người vẫn đang nỗ lực hết sức trong việc cứu hộ bé trai.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất