Làng Việt cổ Đường Lâm vẫn còn "Lễ nhập họ"!

15/02/2010 08:09 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Đã có rất nhiều bài viết, công trình nghiên cứu về làng Việt cổ Đường Lâm - ngôi làng đầu tiên trở thành di sản văn hóa quốc gia - thế nhưng chưa có ai nhắc đến Lễ nhập họ độc đáo nơi đây. Và chính chúng tôi - những người thực hiện phóng sự ảnh này - dù sinh ra và lớn lên tại mảnh đất hai Vua cũng lần đầu tiên được nghe thấy và chứng kiến việc cử hành nghi lễ đặc biệt đó.

1. Ngày 31/1/2009, là ngày diễn ra lễ tảo mộ của nhiều dòng họ thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội. Đó cũng là ngày mà dòng họ Tạ trong thôn “cử hành” lễ nhập họ hằng năm cho các cháu mới sinh. Dắt một đứa cháu nội đã hơn 3 tuổi, trên tay bà Tích lại ẵm một đứa cháu nội nữa vừa đầy tháng tuổi đến nhà thờ họ để ông trưởng họ làm lễ nhập họ cho đứa bé (ảnh 1). Con trai bà (tên là Bình) lấy vợ tên là Doan sinh được 2 thằng con trai. Thằng cu lớn đã làm lễ nhập họ từ 3 năm trước, hôm nay, đến lượt thằng cu bé. Bà chuẩn bị mâm lễ có đầy đủ trầu, cau, trà thuốc và thật nhiều bánh kẹo...

2. Buổi lễ diễn ra trang trọng, vị tộc trưởng khấn tổ tiên, tâu bày mọi sự trong khi bà Tích và cháu bé ngồi ghế bên, chú ý lắng nghe với tất cả sự thành kính của mình (ảnh 2).



Ảnh 1 (trái) và Ảnh 3

Ảnh 2
3. Phải là người am hiểu văn sách, lại nắm chắc chi trên nhánh dưới của dòng họ, mới được phép trịnh trọng mở các cuốn gia phả viết bằng chữ quốc ngữ, trên những “cuốn thư” dài như... cuộn dây thừng ra (ảnh 3).

4. Chỉ với chiếc mục kỉnh, bút bi và que đóm để kẻ vẽ, tên của cháu bé mới sinh được nối đúng vào các “điểm mấu” chuẩn xác trong cây gia phả (ảnh 4).  Bà con tin rằng việc làm này có sự chứng kiến của chư vị thần linh, của các bậc tổ phụ và của... cháu bé sơ sinh, cho nên, họ thực thi nghi lễ rất cẩn trọng, thành kính. Thủ tục không thể thiếu là người ghi tên cháu bé vào gia phả xong, người lớn tuổi phải cặn kẽ phân tích ngọn ngành, chi trên nhánh dưới, truyền thống gia đình cho các thành viên có mặt nghe. Đó là bài học giáo dục truyền thống thật sự. Và sau đó vị trí thức già trong họ cuốn gia phả lại (ảnh 5) cũng là lúc đàn ông trong họ đi tảo mộ từ ngoài cánh đồng trở về, họ đứng bên nhau, chụp một tấm ảnh.


Ảnh 4

Ảnh
Bà con trong họ cho biết: Tổ phụ họ đến đất Đường Lâm đã nhiều đời, với nhiều vị từng hiển đạt trong thời phong kiến. Trước tình trạng chữ Hán, chữ Nôm con cháu không còn đọc, viết và hiểu được nữa, họ rất lo thế hệ trẻ sẽ quên mất truyền thống, gốc gác, mối quan hệ chi trên nhánh dưới, anh trên em dưới trong họ. Thế nên họ tự sáng tạo ra cây gia phả hết sức giản dị, viết bằng chữ quốc ngữ. “Nhờ cây gia phả và buổi lễ trang trọng này mà nhiều gã say rượu từng tuyên bố không thèm nhập họ nữa, nay phải quay về. Nhiều người ly hương kiếm sống đã nửa thế kỷ, lại ở tít cao nguyên Trung phần, cũng đã tìm về xin nhập họ (nhập lại). Qua các buổi lễ, chúng tôi giáo dục truyền thống, dạy dỗ các cháu rất hiệu quả” - Ông Hải, trưởng họ Tạ trong buổi lễ kể trên, tâm sự.

“LỄ NHẬP HỌ” NHƯ Ở ĐƯỜNG LÂM THẬT ĐÁNG QUÝ!

Khi được thông tin về việc dòng họ Tạ ở Đường Lâm tổ chức lễ nhập họ cho các “thành viên” mới một cách trang trọng và ý nghĩa, GS-TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, xúc động bày tỏ: Hoạt động này giúp cho “cây gia phả” được chăm sóc tận tình, các thế hệ trong họ gắn bó hơn với nhau trong các hoạt động sống. Đặc biệt, đây chính là một biểu hiện quan trọng của tục thờ cúng tô tiên. Lễ nhập họ khi được thực hiện đúng và đủ các nghi lễ: cúng tổ tiên, rồi cả họ chứng kiến một cháu bé đươc mang đến, rồi ông trưởng họ kẻ vẽ trên giấy, ghi tên cháu bé vào “cây gia phả”... nó sẽ giúp con cháu thêm tự hào về truyền thống của cha anh mình. Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Truyền thống dòng họ, khi được hun đúc và tôn vinh, sẽ là động lực để các thành viên cùng nỗ lực giữ cho những vẻ vang cuả họ mình còn mãi và được tiếp nối. GS Thanh nói thêm: Bây giờ, trong vòng quay “tốc độ” của cuộc sống công nghiệp, đôi khi và ở đâu đó, đã có chuyên truyền thống thờ cúng tổ tiên và tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong họ bị lơi lỏng chút ít. Việc duy trì và chấn hưng ngọn lửa dòng họ thông qua “lễ nhập họ” như ở Đường Lâm thật đáng quý. Xưa, các cụ người Việt ghi “cây gia phả” bằng chữ Hán, chữ Nôm, giờ bà con chuyển sang chữ quốc ngữ, rất là hợp thời, mà ý nghĩa sâu xa của “nghi lễ” này vẫn không bị hao khuyết đi chút nào.

Lãng Quân (ghi)


Phóng sự của Đỗ Lãng  Quân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm