Làn sóng mới của du lịch Nhật Bản

24/08/2024 16:58 GMT+7 | Tin tức 24h

Cùng với sự bùng nổ lượng khách du lịch quốc tế đến Nhật Bản trong năm nay, giá khách sạn truyền thống tăng mạnh khiến cho nhiều du khách nội địa cũng tìm đến với loại hình nhà trọ gia đình, vốn chủ yếu chỉ là sự lựa chọn của khách quốc tế với mục đích trải nghiệm thực tế và tiết kiệm chi phí.

Nhà trọ gia đình tại Nhật Bản là một loại hình kinh doanh lưu trú cho thuê toàn bộ căn hộ hoặc một phòng cho khách du lịch, được vận hành quản lý bởi một doanh nghiệp hoặc một cá nhân. Lợi thế của mô hình này so với khách sạn truyền thống là giá rẻ, có thể ở chung nhiều người, thậm chí có thể tự nấu ăn theo sở thích. 

Số liệu của Cơ quan du lịch Nhật Bản, tính đến tháng 7/2024, toàn quốc có 25.326 hộ được cấp phép kinh doanh mô hình nhà trọ gia đình theo Luật kinh doanh nhà nghỉ tư nhân mới, có hiệu lực từ năm 2018. Con số này đã vượt qua mức cao nhất được ghi nhận vào tháng 4/2020 trước khi dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng, với 21.385 hộ.

Làn sóng mới của du lịch Nhật Bản - Ảnh 1.

Đông đảo du khách tham dự Lễ hội hoa đỗ quyên tại đền Nezu (Tokyo). Ảnh: Xuân Giao - PV TTXVN tại Nhật Bản

Theo đại diện của STR, công ty con của CoStar Group, một doanh nghiệp chuyên phân tích dữ liệu bất động sản, giá thuê phòng khách sạn trung bình ở Tokyo trong tháng 6 vừa qua là 28.698 yen/đêm (khoảng 199 USD/đêm), tăng 57,6% so với thời điểm tháng 6/2019. Trong khi đó, giá nhà trọ gia đình cũng tăng nhưng đơn giá chỉ bằng khoảng 2/3 giá khách sạn và có sự linh hoạt về tính chất phục vụ. Một du khách Trung Quốc cho biết, đoàn du khách của họ đi du lịch ở thành phố Osaka có 8 người, nên nếu lựa chọn loại hình nhà trọ gia đình chỉ cần đặt 2 phòng với giá cả phải chăng, thay vì phải đặt ít nhất 4 phòng khách sạn.

Matsuri Technologies, một doanh nghiệp bất động sản được thành lập năm 2016 đang vận hành 2.400 nhà trọ gia đình được xem là điển hình về việc chuyển đổi mô hình kinh doanh. Tại thời điểm tháng 5/2020, khi doanh nghiệp này vẫn còn cho thuê căn hộ chung cư dài hạn cho các cá nhân và hộ gia đình, tỷ lệ lấp đầy chỉ khoảng 30%, nhưng sau khi chuyển đổi sang mô hình nhà trọ gia đình ngắn hạn phục vụ khách du lịch, tỷ lệ lấp đầy vào tháng 8 cùng năm đã tăng lên 70%. Matsuri Technologies cũng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc quản lý phòng trọ để giảm bớt các khâu dọn dẹp vệ sinh căn hộ. Theo đó, sau khi khách trả phòng, các hình ảnh chụp căn hộ được gửi đến trung tâm phân tích dữ liệu để đánh giá tình trạng căn phòng và các vấn đề phát sinh. Nhờ đó, doanh nghiệp này đã giảm được một khâu kiểm tra thực tế của người phụ trách, qua đó cắt giảm được một phần chi phí nhân công.

Làn sóng mới của du lịch Nhật Bản - Ảnh 2.

Người dân và du khách chụp ảnh cùng hoa anh đào. Ảnh: Phạm Tuân - PV TTXVN tại Nhật Bản

Tại Nhật Bản, loại hình nhà trọ gia đình đã xuất hiện từ khá sớm và bắt đầu nở rộ vào năm 2016. Tuy nhiên thời điểm đó, đa số là các hộ kinh doanh "hoạt động chui" và từng xảy ra nhiều bất cập khi du khách quốc tế thuê trọ như xử lý rác thải không đúng quy định, mất trật tự vào ban đêm… Sau khi Luật kinh doanh nhà nghỉ tư nhân có hiệu lực vào năm 2018, các khó khăn về thủ tục và quy định hành chính được tháo gỡ, nhiều hộ gia đình và các doanh nghiệp bất động sản đã đẩy mạnh phát triển mô hình này.

Nếu như trước đây, khách hàng chủ yếu của loại hình nhà trọ gia đình là du khách quốc tế muốn trải nghiệm thực tế khám phá Đất nước Mặt trời mọc thì hiện tại đã mở rộng đối tượng là du khách trong nước, chiếm tỷ lệ khoảng 40%. Nguyên nhân chủ yếu là do vật giá tăng cao khiến người tiêu dùng Nhật Bản phải thắt chặt chi tiêu và nhu cầu du lịch theo nhóm của giới trẻ Nhật Bản gia tăng. Theo Matsuri Technologies, tiềm năng phát triển của loại hình nhà trọ gia đình này còn rất lớn đối với thị trường nội địa, nhất là nhóm đối tượng trên 40 tuổi, vốn chưa thực sự sẵn sàng chấp nhận thay đổi và đề cao yếu tố riêng tư, yên tĩnh.

Phạm Tuân (P/v TTXVN tại Tokyo)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm