Người hùng thầm lặng của M.U: Có một Rooney đa năng

17/04/2009 12:28 GMT+7 | Champions League

(TT&VH) - Chiến thắng lịch sử ở hang rồng Porto không chỉ được tạo nên bởi cú rocket khủng khiếp của Ronaldo. Còn đó khả năng kiểm soát khu vực trung tuyến ấn tượng và bất ngờ từ Anderson. Còn đó một hàng thủ vững chắc và kiên cố, nhờ sự trở lại của Rio Ferdinand. Và còn đó một Rooney biết chiến đấu, cống hiến và hy sinh vì chiến thắng của đội bóng.

Có 3 Rooney khác nhau trong vòng 1 tuần. Rooney của vị trí trung phong cắm, ở trận lượt đi với Porto tại Old Trafford, trận đấu mà anh đã thành công cụ thể hóa 1 sai lầm của trung vệ Bruno Alves và tung cú đánh gót điệu nghệ dẫn đến bàn nâng tỷ số lên 2-1. Kế đến là Rooney của tiền đạo lệch trái, và từ vị trí ấy, anh đã bấm bóng chính xác để Scholes đánh đầu ghi vào bàn lưới Sunderland. Và ở Dragao rạng sáng qua là một Rooney của vị trí... tiền vệ phải. Anh không trực tiếp ghi bàn, không kiến tạo. Nhưng chiến thắng của M.U đã in đậm dấu ấn Rooney.

Khi M.U tấn công, Rooney tích cực phối hợp với Berbatov, Ronaldo và O'Shea. Khi M.U phòng ngự, người ta thấy Rooney sẵn sàng lao vào cuộc thi thố về tốc độ và thể lực với Cissokho, hậu vệ trái của Porto. Cissokho vốn khỏe, có tốc độ, kỹ thuật, đã chơi cực hay ở lượt đi và những màn lao lên của anh đã tạo ra tính đột biến rất cao. Ở Dragao, khả năng tham gia tấn công tốt của Cissokho đã bị vô hiệu hóa. Hoặc Cissokho lo ngại Rooney sẽ khoét vào khoảng trống khi anh băng lên. Hoặc anh không thể giành chiến thắng trong những cuộc tranh chấp tay đôi với Rooney.
 
Chiến thắng của M.U đã in đậm dấu ấn Rooney.

Tỷ số 1-0 trông rất mong manh. Nhưng thực tế 90 phút trên sân đã cho thấy, M.U đã giành chiến thắng hoàn toàn về mặt chiến thuật. Và Rooney là một trong những mắt xích quan trọng, với nhiệm vụ thiên về phòng ngự hơn là tấn công. Đây không phải là lần đầu tiên Rooney đá trái với sở trường của mình. Một năm về trước, anh cũng từng chuyển sang đá tiền vệ phải khi M.U làm khách ở Nou Camp của Barca, với vai trò thiên hẳn về phòng ngự từ xa. M.U đã hoàn thành mục tiêu khi rời Nou Camp với kết quả hòa 0-0.

Không chỉ mỗi Rooney

Ở Nou Camp hôm ấy, Ronaldo cũng được đẩy lên đá tiền đạo cắm trong khi Tevez phải lùi về tuyến giữa, đã chạy không biết mệt mỏi và tranh chấp bóng như một tiền vệ trụ. Còn ở Dragao, tuyến trên của M.U gần như bị xáo trộn hoàn toàn. Hai hành lang được kiểm soát bởi Rooney và Giggs, vốn mùa này đá trung tâm nhiều hơn là cánh trái. Hỗ trợ cho Ronaldo đá cao nhất trong sơ đồ 4-4-1-1 là Berbatov, người được đưa về Old Trafford với giá 30,75 triệu bảng với ý đồ ban đầu là đá trung phong. Thực tế là bao sự xáo trộn ấy đã mang lại hiệu quả rõ rệt, đã giúp M.U thể hiện bộ mặt khác hẳn so với trận lượt đi.

Chuyện của Rooney đã nói lên cách dùng người của HLV Ferguson. Thứ nhất, cầu thủ M.U phải sở hữu thể lực cực tốt và chỉ có như vậy mới có thể đứng vững khi đối mặt với mật độ "3 ngày, 1 trận" suốt nhiều tháng liền (M.U đã đá 57 trận mùa này, nhiều nhất ở châu Âu). Thứ hai, các cầu thủ bắt buộc phải đa năng, chấp nhận hy sinh vị trí sở trường và thích ứng nhanh với những sơ đồ chiến thuật khác nhau và mới lạ. Rooney, Ronaldo và Tevez đã đá đủ mọi vị trí khác nhau trên hàng công. Ở hàng tiền vệ, Fletcher và Giggs chấp nhận đảo từ cánh sang trung tâm và ngược lại. O'Shea có thể đá mọi vị trí ở hàng thủ, thậm chí là mọi vị trí trên sân (anh từng trở thành thủ môn và tiền đạo bất đắc dĩ).

Tất nhiên cầu thủ chỉ có thể phát huy hết điểm mạnh của mình khi được đá ở vị trí sở trường. Vậy mới có chuyện giới truyền thông Anh từng phát động chiến dịch kêu gọi Capello cho Rooney đá trung phong hay Gerrard trở lại trung tâm. Nhưng ở một đội bóng có tham vọng lớn, hướng về hàng loạt mục tiêu khó khăn khác nhau, cầu thủ không thể không đa năng. Khi guồng máy hoạt động trơn tru thì không nói làm gì. Nhưng khi gặp vấn nạn chấn thương, treo giò, khi cần xoay vòng lực lượng hay khi cần đến tính bất ngờ của chiến thuật, sự đa năng của cầu thủ là thực sự cần thiết.
 
ĐỨC LỘC

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm