Làm thơ, nuôi chó như cuộc đời vốn có

20/04/2012 13:14 GMT+7 | Đọc - Xem


(TT&VH) - Nhắc đến Bảo Sinh là không thể không nói đến tình bạn với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Thường ngày, Sinh hay ngồi cafe Hàng Hành với Thiệp, nhân những buổi chiều nhàn tản, sau đó lại dạo một vòng Bờ Hồ. Lịch sinh hoạt này chiếm khoảng 360 ngày một năm, trong gần 10 năm qua.

Nếu hỏi những người không quan tâm đến thơ và chó mèo cảnh, chưa chắc họ đã biết Nguyễn Bảo Sinh là ai, nhưng những câu lục bát như “Cuối cùng tất cả chúng ta/ Đều lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân” chắc ai cũng từng nghe qua.

Mà cũng có thể họ chưa nghe cả câu, nhưng cụm từ “gà khỏa thân” thì có thể đã nghe hoặc dùng đến. Hay một câu lục bát trứ danh khác là “Bánh mỳ phải kẹp pa tê/ Đàn ông phải có máu dê trong người”, nghe rất đầu đường xó chợ, cũng không phải của một cư dân mạng trẻ trung nào đó, mà chính là của Bảo Sinh, ông già hơn 70 tuổi có nghề chính là chủ khách sạn - nghĩa trang chó mèo cảnh ở Hà Nội, một người gần như đã trải qua mọi sự đời. Nhiều nhà văn nhà thơ tóc hoa râm hoặc bạc phơ, da chủ yếu đồi mồi, khi nhắc đến Bảo Sinh đều gật gù một câu: “Ông lão lõi đời”.

Bảo Sinh trong sân ngôi nhà kiêm khách sạn và nghĩa trang, phòng khám chó mèo của ông

Nếu coi đây là một bài làm văn tả chân dung thì Bảo Sinh, nhà thơ dân gian (chữ dùng của Nguyễn Huy Thiệp) - như những người quen biết ông thường gọi, là một đề bài khó. Đơn giản vì ông đa diện quá, mà cái bộ mặt thơ ca dù được nhiều người biết đến, cũng chỉ là một nét phác họa làm nên dung mạo ông.

Thơ Bảo Sinh được trích dẫn tràn lan trên mạng, chẳng hạn Khi mê bùn chỉ là bùn/Ngộ ra mới biết trong bùn có sen, và cũng với cấu trúc này, thay “bùn - sen” bằng “tiền - tâm” hoặc “tình - dâm” (tất cả đều là thơ Bảo Sinh, trong đó “bùn - sen” là cặp “phạm trù” chủ đạo). Có trích dẫn ghi kèm tên tác giả, có trích dẫn không thấy ghi gì, coi như là thơ dân gian khuyết danh. Ngoài đời mọi người còn trích nhiều hơn, tùm lum hơn. Vấn đề tác quyền nhìn chung không đảm bảo. Nhưng Bảo Sinh chẳng mảy may quan tâm nếu có bị người khác vi phạm bản quyền. Ai đọc thơ ông rồi nhận là của họ cũng chẳng hề gì.

Cách thức lưu hành chủ yếu của thơ Bảo Sinh cũng rất dân gian. Ông không bao giờ ra ngoài mà không mang theo một xập quyển thơ tự in tự photo, bìa vàng, nhỏ, mỏng, khổ khoảng 6x8cm, thông thường 12 trang cả bìa, để tặng cho bất cứ ai ông gặp trong ngày, tất nhiên sau khi đã đọc vài câu thơ cho người đó nghe. Từ những độc giả vô danh tiểu tốt không quen biết đến các văn nghệ sĩ nổi danh, những người đã gặp ông một lần là kiểu gì cũng có một hoặc vài quyển thơ vàng vàng cầm tay mang về. Sau một sự kiện văn hóa, thấy ngoài bãi để xe, thấy Bảo Sinh đứng xúm xít với vợ chồng dịch giả Thúy Toàn và nhiều bạn bè khác, hóa ra cũng đang tặng/phát thơ cho họ.

Thơ Bảo Sinh có tác dụng nhãn tiền là mua vui (“mua vui” không hề có ý khinh miệt bởi vui là thứ đáng mua nhất trên đời), nhờ ở cái tính “humour”. Người đọc trước tiên sẽ có những tràng cười sảng khoái. Ông từng nhận được điện thoại của một người quen, kể rằng đang trên đường đi chơi cùng nhóm bạn, do đọc thơ ông cười nhiều quá nên phải đỗ xe vào ven đường, chờ cười dứt mới đi tiếp được. Chẳng hạn, Muốn cho trộm chẳng đến nhà/ Đề vào trước cửa: Đây là nhà thơ/ Muốn đuổi khách ra khỏi nhà/ Đọc thơ được giải họ ra tức thì.

Bảo Sinh (trái) tặng thơ cho người quen trong buổi nói chuyện về Bùi Giáng
ở Trung tâm Đông Tây hồi tháng 2.Ảnh: Pham Mi Ly

Đấy là còn chưa trích thơ “phồn thực”, mảng thơ này của Bảo Sinh được công chúng ngoài đời yêu thích nhất nhưng lên mặt báo e không qua được “ải” biên tập, vì ông đã viết những câu có tính phồn thực là không câu nệ từ ngữ, huỵch toẹt ra hết.

Trong thơ ông, ba đặc điểm hài hước, phồn thực và thiền luôn gắn liền với nhau. Chỉ tiếc là những câu mang thể hiện rõ nhất cả ba điểm trên thì lại không phù hợp đăng báo hoặc xuất bản nên tôi không thể lấy ví dụ được. Bảo Sinh nghiên cứu sâu về thiền và có viết nhiều tài liệu (dự định xuất bản nghiêm chỉnh) chứ không phải nghiệp dư. Ông tự hào: “Việc kết hợp thiền và sexy như tôi làm là độc đáo”.

Cùng chung một chuyến đò ngang/ Kẻ thì sang bến người đang trở về/ Lái đò lái mãi thành mê/ Sang về chẳng biết mình về hay sang. Thơ Bảo Sinh cũng có những câu rất lãng mạn và rất thiền. Thơ ông cũng có lúc rất buồn, Vì yêu tha thiết con người/ Cho nên mới lánh về nơi không người/ Quạnh hiu ngay giữa đất trời/ Còn hơn hiu quạnh giữa người thân thương.

Với phương châm “Sống như cuộc đời vốn có” thì Bảo Sinh không thể không đa diện. Ông quan niệm, “Viết văn làm thơ mà lúc nào cũng buồn thì không được, lúc nào cũng hài hước cũng không được, lúc nào cũng xoay quanh chuyện trai gái thì cũng hỏng. Cuộc đời có bao nhiêu màu sắc thì ta sống như thế. Cũng nên làm thật nhiều nghề để không bị bệnh nghề nghiệp”.

Trong đời, quả thực ông đã làm rất nhiều nghề, vẽ truyền thần, chọi gà, bốc thuốc, đấm bốc, nuôi chó mèo cảnh (về sau có thêm chôn cất, khám bệnh) thì đã thành cái nghiệp. Làm thơ thì không phải nghiệp, nhưng từ bé đến giờ chưa bao giờ ông dứt thơ. Boxing, nuôi chó, chọi gà/ Mấy ai biết được lão là nhà thơ”, ông viết về mình. “Làm thơ anh chỉ nghiệp dư/ Hội thơ chuyên nghiệp họ chưa cho vào.

Nhắc đến Bảo Sinh là không thể không nói đến tình bạn với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Thường ngày, Sinh hay ngồi cafe Hàng Hành với Thiệp, nhân những buổi chiều nhàn tản, sau đó lại dạo một vòng Bờ Hồ. Lịch sinh hoạt này chiếm khoảng 360 ngày một năm, trong gần 10 năm qua. Tụ tập như một lẽ đương nhiên, không cần hẹn tới hẹn lui, cứ chiều chiều là người này ới người kia “Ông đã đến chưa?”. Câu chuyện hai ông đàm đạo thường xoay quanh văn và… gái. Nếu viết về cuộc sống thường ngày của Nguyễn Huy Thiệp, có thể chép lại đoạn trên, thay vị trí tên hai ông là được.

Hai người cách nhau 10 năm tuổi đời, nhưng luôn xưng hô ông tôi. Bảo Sinh nói: “Ông Thiệp ông ấy thích nhất là chơi với Đồng Đức Bốn, nay vì Đồng Đức Bốn đi rồi nên hai ông đành phải “yêu” nhau thôi”. Bảo Sinh bao giờ cũng nói với giọng đùa cợt, nhưng về nội dung câu này, tôi cho rằng ông hoàn toàn nghiêm túc. Nói như thế về một tình bạn mấy chục năm thì cũng hiếm hoi thật.

“Ông ấy nổi tiếng, tôi chẳng có danh gì. Nói về nhiều lĩnh vực khác lại càng thấy khác nhau, nhiều khi nói chuyện như nói ngoại ngữ với nhau. Ấy thế mà vẫn chơi được, chính là do chấp nhận nhau, không đòi hỏi người kia điều gì”. Bình thường Bảo Sinh nói ra rả. Nói là sở thích của ông, mỗi ngày phải đến chục nghìn chữ. Trong các cuộc gặp gỡ với bạn bè riêng của Thiệp, Sinh ít nói hẳn. Mọi người rôm rả, ông lắng nghe, đến nội dung muốn góp giọng thì liền cất tiếng: “Tôi xin đọc câu thơ…”.

Pham Mi Ly

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm