Làm sao biết được

03/10/2013 08:37 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Từ xưa đến nay, con người ta chẳng thể sống mà thiếu môn dự báo. Không cần là chiêm tinh hay ma thuật, mọi ngành khoa học trên đời, mọi sự học hành trang bị kiến thức, mọi nghiên cứu từ lòng đất lên mặt trăng, từ giọt nước đến đại dương, là để hiểu biết và từ đó, báo trước cho con người những gì sắp xảy ra. Chẳng có gì tồn tại trên đời mà không liên quan đến việc dự báo cả, thời tiết, kinh tế, sức khỏe, thị trường, lao động, hạnh phúc, hôn nhân, xu hướng xây dựng, đời sống văn học nghệ thuật...tất tần tật, phải được dự báo để chuẩn bị, để đề phòng và ứng phó.

Tuy nhiên, đấy chỉ là lý thuyết, hoặc là mong muốn, vì có vô vàn thứ trên đời không thể báo trước được, mà có được báo trước thì cũng... bó tay. Không chỉ là chuyện đùa kiểu như “Chết vì tình là cái chết bất thình lình! ”. Mà có những sự bất thình lình xảy ra không thể đùa được, bởi rất đau đớn và tổn hại, chẳng hạn tai nạn giao thông,  bị mất trộm,  bị cháy, bỗng dưng bệnh tật...Nếu con người không sống trong một xã hội có tổ chức, có sự chăm lo của chính quyền và cộng đồng, thì người ta phải tự đương đầu với tất cả. Chẳng hạn như mới đây, ngày 18/9, việc xả lũ đột ngột đã cuốn phăng một thị trấn ở Đăk Lăk. Dân và chính quyền nói khác nhau về việc thông báo. Nhưng dù chính quyền có cãi rằng đã thông báo trước rồi, thì cũng thấy ngay rằng việc thông báo ấy vô cùng chậm, mới khiến người dân không thể trở tay. Toàn dân nghèo, chẳng thể thản nhiên nhìn lũ cuốn đi nhà cửa, hoa màu và cả sinh mạng của mình  kinh khiếp đến mức như thế.

Nhân cái việc xả lũ đột ngột này, người ta nhìn lại, thấy một số năm gần đây, chỉ riêng miền Trung, đã có những đợt xả lũ đột ngột gây tổn thất rất lớn cho dân. Nhớ lại tháng 11/2011, mưa lớn cùng với việc hồ thủy điện miền Trung đồng loạt xả lũ khiến hàng trăm nghìn gia đình ở vùng hạ du ngập nặng, 22 người chết. Tại Thừa Thiên - Huế, hai nhà máy thủy điện Bình Điền và Hương Điền đã không thể tích nước cắt lũ mà liên tục mở cửa xả. Tại Quảng Nam, Ban quản lý công trình thủy điện sông Tranh 2 đã cho xả lũ từ một tháng trước đó. Tuy nhiên đến ngày 7/11, họ đồng loạt mở 6 cửa xả với lưu lượng từ 3.500 đến 5.000 m3/s. Văn bản thông báo được fax trước có 3-4 tiếng. Tại Phú Yên, vào thời điểm trên, chính quyền địa phương và người dân cũng bức xúc trước quy định về thời gian thông báo trước khi xả lũ của Ban quản lý thủy điện sông Ba Hạ. Tối 8/11, nhà máy này xả lũ với lưu lượng 1.400 m3/s, thuỷ điện Sông Hinh xả 200 m3/s. Có thể kể thêm vụ nhà máy thuỷ điện Ka Nát (Ban Thuỷ điện 7 làm chủ đầu tư) bất ngờ xả lũ lúc nửa đêm làm người dân huyện K’Bang (Gia Lai) mất trắng hơn 14 tỉ đồng. Trước đó, năm 2009, thủy điện A Vương  (Quảng Nam) cũng xả lũ gấp 10 lần cho phép, gây ra trận lũ chưa từng có, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hàng trăm hộ dân huyện Đại Lộc.

Sau vụ xả lũ ngày 18/9 mới đây, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng, những thiệt hại mà người dân phải gánh chịu là rất lớn. Có những thiệt hại không thể đền bù được bằng tiền. Vậy mà chưa thấy ai lên tiếng...

Ngồi vỉa hè chờ cơn bão nữa sắp sửa đến , nghĩ linh tinh về bão lũ khắp nơi, tự dưng thấy lo quá thể. Làm sao biết được có lúc nào đó, những hồ thủy điện to đùng phía bắc bất ngờ xả lũ. Biết là lo hão, mà lòng vẫn chẳng yên.

Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm