Làm giả kiệt tác nghệ thuật để trêu ngươi hoặc để... báo thù

08/06/2015 18:45 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sử gia người Anh Noah Charney vừa tung ra một cuốn sách đáng chú ‎ý, viết về thế giới thú vị của những kẻ làm giả tác phẩm nghệ thuật. Điều kinh ngạc là trong số các "bậc thầy" làm tranh, tượng giả có cả người khổng lồ của nghệ thuật Phục Hưng: Michelangelo.

Trong cuốn sách The Art Of Forgery (Nghệ thuật giả mạo), Charney đã tìm hiểu xem những kẻ làm giả tác phẩm nghệ thuật giỏi nhất thế giới làm cách nào để lừa được hàng loạt chuyên gia sành sỏi.

Quá trình viết sách khiến ông tìm ra nhiều bất ngờ thú vị, như Michelangelo đã từng là tay làm giả tác phẩm nghệ thuật cực kỳ xuất sắc.

"Bậc thầy" làm tượng giả trước khi là bậc thầy nghệ thuật

Trước khi có ai đó từng nghe về cái tên Michelangelo Buonarotti, những tác phẩm có giá cao nhất trên thị trường nghệ thuật Phục Hưng Italy là các tượng đá cẩm thạch La Mã. Dựa vào nhiều tài liệu viết về tiểu sử Michelangelo vẫn còn lại tới nay, người ta biết ông đã cố tình làm giả các tượng đá La Mã ấy.

Cuốn tiểu sử đầu tiên về Michelangelo, do sử gia nổi tiếng Paolo Giovio viết, nói rằng Michelangelo chạm khắc bức tượng Eros say ngủ trong năm 1496, khi mới 21 tuổi. Sau đó ông đã chỉnh sửa để các bức tượng trông cổ hơn, giống như chúng là tác phẩm điêu khắc từ thời La Mã.


Bản khắc đá đã khiến nhà Greenhalgh sa lưới

Bức tượng của Michelangelo được bán cho Hồng y Raffaele Riario, một nhà sưu tầm  tượng cổ thời La Mã. Dù là chuyên gia về loại tượng này, Riario chẳng thể phát hiện hàng giả.

Mãi về sau này, Riario mới nhận ra bức tượng giả. Ông đã trả lại nó cho người buôn tượng là Baldassarre Del Milanese. Vấn đề nằm ở chỗ trong khoảng thời gian từ khi Riario mua bức tượng giả, cho tới khi ông đòi trả lại, Michelangelo từ một kẻ vô danh đã thành nghệ sĩ đắt giá bậc nhất ở Rome.

Sự nổi tiếng của ông tới nhờ bức tượng Pietà, vẽ cảnh thi thể Chúa Jesus nằm trong lòng Đức mẹ Maria, đã kiêu hãnh đứng tại Nhà thờ Thánh Peter ở Rome. Vì thế, Del Milanese đã vui vẻ nhận lại bức tượng và không gặp khó khăn gì khi bán nó, dưới thương hiệu Michelangelo.

Không rõ bức tượng chỉ là một trò đùa, để cho giới chuyên gia thời xưa thấy tác phẩm của Michelangelo cũng tuyệt vời không kém gì các tiền nhân, hay mang mục đích thu lợi. Có điều rõ ràng là màn lừa dối này không khiến các chủ nhân ban đầu của Sleeping Eros tức giận. Hồng y Riario về sau trở thành người bảo trợ đầu tiên của Michelangelo tại Rome. Ông còn "đặt hàng" để nghệ sĩ sáng tác 2 tác phẩm nữa vào năm 1496 và 1497.

Đây là một trong những ví dụ kinh điển nhất cho thấy những người làm giả tác phẩm nghệ thuật không phải lúc nào cũng khiến giới chuyên gia nghệ thuật phẫn nộ. Thậm chí, việc này có thể mở đường để một “kẻ lừa đảo” trở thành người được các chuyên gia yêu mến, như trong trường  hợp của Michelangelo.

Eros say ngủ không phải tác phẩm giả mạo duy nhất của Michelangelo. Nhà viết tiểu sử Giorgio Vasari nổi tiếng từng viết: "Michelangelo còn chép tranh của các bậc thầy cũ, hoàn hảo tới mức tranh của ông khó có thể phân biệt được được với bản gốc, do ông đã hun khói và làm giấy ngả màu thời gian. Nhờ cách này, ông giữ được nhiều tranh gốc và đem trả các bức tranh giả cho chủ của chúng”.

Cuộc “báo thù” nhằm vào các chuyên gia nghệ thuật

Ngày 16/11/2007, nghệ sĩ đương đại Shaun Greenhalgh (người Anh, sinh năm 1961) đã bị buộc tội làm giả số lượng lớn các tác phẩm nghệ thuật. Cha mẹ Shaun, ông George và bà Olive, đã đứng ra bán tranh giả của con.

Cùng nhau, gia đình này đã sản xuất tổng cộng 120 tác phẩm giả mạo trong vòng 17 năm, bỏ túi gần 1,5 triệu USD. Họ lừa được cả các chuyên gia ở những tổ chức uy tín như nhà đấu giá Christie’s, Sotheby’s và Bảo tàng Anh.


Sau khi Michelangelo tạo ra Pietà (ảnh), các tác phẩm của ông, kể cả tác phẩm làm giả tượng La Mã cổ, đều được đánh giá lại

Cảnh sát Anh phỏng đoán rằng có tới hơn 100 tác phẩm giả mạo của gia đình này vẫn còn trôi nổi trên thị trường.

Phần lớn những kẻ làm giả chuyên nghiệp sẽ chỉ tạo ra một số tác phẩm nghệ thuật phỏng theo phong cách của một nghệ sĩ duy nhất hoặc một giai đoạn nghệ thuật duy nhất. Greenhalgh không như vậy. Ông ta tạo ra đủ thứ, từ tượng cổ Ai Cập rởm cho tới kính viễn vọng thế kỷ 18, tranh màu nước thế kỷ 19, tượng vịt của Barbara Hepworth trong thế kỷ 20. Nhà Greenhalghs chỉ bị tóm vì một sơ suất đơn giản: làm giả một bản khắc đá từ thời Assyria, và viết nhầm vài chữ trong quá trình thực hiện.

Trước khi sa vào con đường phạm pháp, Shaun Greenhalgh là nhân vật có tài năng nghệ thuật hơn người. Dù không được theo học bất kỳ trường nghệ thuật nào, cha Shaun vẫn khuyến khích con theo nghiệp họa sĩ. Tuy nhiên, sau khi nhiều phòng trưng bày từ chối tranh của Shaun, ông ta bắt đầu thù ghét thế giới nghệ thuật vì không công nhận tài năng của mình.

Nhằm giúp Shaun trả đũa giới chuyên gia nghệ thuật, nhà Greenhalgh đã lên kế hoạch lừa đảo. Họ bán các tác phẩm giả do Shaun tạo ra bằng cách tạo cho chúng những lý lịch giả. Gia đình thường tìm kiếm các catalogue từ những cuộc đấu giá đã diễn ra rất lâu, tìm một món hàng được mô tả sơ sài, như "một chiếc bình cổ, có thể là từ thời La Mã".

Tiếp đó, Shaun sẽ tạo ra một tác phẩm mới, “phù phép” để nó nhuốm màu thời gian, trông giống như món hàng xuất hiện trong catalogue đấu giá. Cuối cùng, họ mang tác phẩm giả cùng catalogue đi lừa các chuyên gia nghệ thuật. Việc tác phẩm có "lý lịch" rõ ràng khiến gia đình Greenhalgh dễ dàng lừa các chuyên gia.

Nhờ thủ đoạn này, gia đình Greenhalgh đã làm rất nhiều tác phẩm giả, như tượng mạo danh Constantin Brancusi, Gauguin và Man Ray; tượng bán thân của John Adams và Thomas Jefferson; tranh của Otto Dix, LS Lowry và Thomas Moran; tượng Ai Cập và bản khắc đá Assyria cổ. Chính bản khắc đá Assyria, với một số ký tự viết sai, đã khiến nhà Greenhalg sa lưới.

Câu chuyện của Shaun Greenhalgh và gia đình cho thấy một khía cạnh khác trong quan hệ giữa những kẻ làm giả tác phẩm nghệ thuật với giới chuyên gia: các vụ làm giả lúc này chỉ còn mang ý nghĩa trả thù việc tài năng của họ không được công nhận.

Làm tranh tượng giả không phải để kiếm tiền

Lợi nhuận không phải động cơ chính của gia đình Greenhalghs. Bất chấp việc kiếm được rất nhiều tiền từ tác phẩm nghệ thuật giả, gia đình vẫn sống trong cảnh tương đối nghèo và họ gần như không động tới khoản tiền kiếm được nhờ cách thức phi pháp.

Hương Giang (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm