22/12/2022 19:00 GMT+7 | Văn hoá
Trào lưu phục dựng cổ phục thu hút được đông đảo sự quan tâm, nhất là từ các bạn trẻ, trong những năm trở lại đây. Nhưng, việc để đưa tà áo xưa cũ này "sống lại" trong xã hội đương đại hẳn còn gặp nhiều khó khăn.
Đó là những tâm tư được gửi gắm trong buổi tọa đàm Bách Hoa đối thoại bàn về nghiên cứu, thực hành cũng như tính ứng dụng của cổ phục trong xu hướng phát triển và vấn đề bảo tồn văn hóa truyền thống; diễn ra tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) vào 18/12 vừa qua. Những tâm tư ấy đã được các các diễn giả: TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở VH,TT tỉnh Thừa Thiên-Huế, TS Trần Đoàn Lâm - nguyên Giám đốc, Tổng biên tập NXB Thế giới và nhà nghiên cứu TS Đoàn Thành Lộc cùng nhau giải đáp.
Từ câu chuyện của áo ngũ thân
Cổ phục, Việt phục hay cổ phục Việt đều là những khái niệm được nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ hiện nay dùng để gọi các loại trang phục từng tồn tại trong dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam. Chúng gắn với trào lưu "trưng diện" những trang phục xưa cũ của cha ông tiêu biểu như áo ngũ thân, áo giao lĩnh (cổ đan chéo), áo viên lĩnh (cổ tròn).
Rõ ràng, đây là một tín hiệu đáng mừng, khi người trẻ không lãng quên, mà đang truy nguyên về nguồn cội, về bản sắc xưa cũ thông qua việc nghiên cứu và phục dựng những tà áo dường như đã bị thất truyền.
Nhưng nếu đã hiểu cổ phục là những trang phục từng tồn tại trong quá khứ, không chỉ những y phục trang trọng mà cả khố của nam giới hay áo yếm, váy đụp của nữ giới -lối xiêm áo mà dưới thời chúa Nguyễn trị vì ở Đàng Trong từng coi là trang phục "nhơ nhớp", "lõa lồ"- cũng là cổ phục. Liệu rằng, trong phong trào đang thịnh hành, có cần thiết phải phục dựng lại những bộ trang phục ấy? Đồng thời, có nên phục chế lại những loại áo mũ của vua quan mặc trong các buổi thiết triều, các dịp tế lễ long trọng - khi nhiều người cho rằng điều này"mạo phạm" đến các bậc tiền nhân, đồng thời chúng hoàn toàn không dễ dàng sử dụng trong xã hội hiện nay?
Với quan điểm của mình, TS Trần Đoàn Lâm cho rằng, cần xác định rõ phục dựng nhằm phục vụ mục đích gì và sử dụng trong hoàn cảnh nào. Chẳng hạn, có thể để trưng bày trong bảo tàng, các buổi triển lãm nhằm giáo dục mỹ thuật - lịch sử cho khách tham quan, phục vụ các nghi thức thực hành tín ngưỡng, hay trong biểu diễn các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương…Những điều này đều rất đáng hoan nghênh.
Hiện nay loại cổ phục được phục chế lại gần với nguyên mẫu nhất và sử dụng phổ biến hơn cả là áo ngũ thân -"tiền thân" của tà áo dài được nhiều phụ nữ ưa chuộng. Điều này gắn với nhiều lý do, có thể do tính gọn gàng,thoải mái khi vận động so với những loại cổ phục khác, đồng thời vẫn bảo lưu được những nét truyền thống. Thực tế, các cán bộ của Sở VH,TT tỉnh Thừa Thiên - Huế từng mặc tà áo truyền thống đến nơi công sở thực hiện nghi thức chào cờ vào đầu tuần, hay một số đại sứ cũng chọn áo ngũ thân làm lễ phục trong các sự kiện ngoại giao trọng đại. Ngoài ra, các bạn học sinh, sinh viên hiện nay cũng chọn mặc áo ngũ thân chụp ảnh kỷ yếu.
Theo nhận định của TS Trần Đoàn Lâm, có những người thuộc độ tuổi trung niên và cao niên do hoàn cảnh lịch sử tác động, mà nảy sinh định kiến rằng áo ngũ thân gắn với tầng lớp áp bức bóc lột trong xã hội phong kiến. Ngược lại, giới trẻ ít khi bị chi phối vì định kiến này. Thêm vào đó, khi nhìn ra thế giới, họ dễ dàng có tâm lý học hỏi, tiếp thu khi thấy nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… có những phong trào mặc trang phục truyền thống.
Rõ ràng, việc tái nhận thức về di sản văn hóa, bản sắc dân tộcnhư vậy là rất quan trọng để thay đổi những quan niệm tiêu cực từng có về áo dài ngũ thân. Và khi tà áo này được nhìn nhận như kết tinh từ sự sáng tạo của nhiều thế hệ nghệ nhân, như "dấu chỉ" xác định bản sắc văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế, cần nghĩ tới việc coi hình ảnh áo ngũ thân truyền thống là "mặt hàng" nằm trong ngành công nghiệp văn hóa hiện nay.
Hy vọng thì nhiều…
Thực tế, khoảng hơn 6 năm trước, việc mặc cổ phục vẫn còn "manh nha", chưa được tổ chức thành những sự kiện, hoạt động quy củ như bây giờ. Thời điểm ấy, CLB Đình làng Việt là một trong những nhóm tiên phong trong việc phục dựng và quảng bá hình ảnh áo ngũ thân truyền thống thông qua những cuộc bộ hành quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và các di tích ở Hà Nội.
Sau mấy năm hoạt động, từ lượng thành viên ít ỏi ban đầu, CLB này đã có những bước phát triển mạnh mẽ và ngày càng thu hút sự thích thú của nhiều người yêu văn hóa truyền thống hơn.
Theo chia sẻ của nhà văn Lê Xuân Khoa - thành viên Đình làng Việt - để các phong trào như thế này tiếp tục được đẩy mạnh, cần lưu tâm tới việc phổ biến kiến thức để mọi người có thể nhận diện được áo ngũ thân truyền thống và hiểu hơn về giá trị văn hóa, lịch sử đằng sau mỗi tà áo.
Như lời anh, hiện cũng có không ít người nổi tiếng mặc tà "áo dài" giống với trang phục truyền thống của đàn ông tại Ấn Độ, Pakistan, Bangladeshđể xuất hiện trên báo chí, truyền hình và dần khiến nhiều người hiểu sai rằng đây là áo dài nam truyền thống của Việt Nam. Do vậy, việc dẫn dắt, định hướng chuẩn xác của các phương tiện truyền thông và những cá nhân có uy tín trong thời đại 4.0 hiện nay là điều cần được chú ý.
Ở một góc độ khác, việc đưa ra những biện pháp khuyến khích mọi người cùng mặc áo ngũ thân sao cho có hiệu quả nhất cũng cần được xem xét, như câu chuyện tại Seoul (Hàn Quốc). Từ tháng 10/2013, nhằm quảng bá và thu hút sự quan tâm tới trang phục truyền thống của đất nước này, du khách ở Seoul mặc đồ hanbok truyền thống được miễn vé vào cổng ở 4 cố cung, tông miếu và lăng mộ các vua thời Joseon.
Cũng phải nhắc tới giá thành - một trong những thách thức lớn nhất trong việc đưa áo ngũ thân trở lại đời sống hiện đại. Thực tế, thế hệ trẻ là thế hệ có số lượng đông đảo người quan tâm đến cổ phục nhiều nhất, thế nhưng không phải bạn trẻ nào cũng có điều kiện để sắm sửa cho mình một bộ áo. Theo anh Khoa, nhiều bạn học sinh, sinh viên chia sẻ rằng họ thường mua một chiếc áo dài "cách tân" có giá khoảng mấy trăm ngàn đồng, mặc lên người cũng đơn giản hơn, vả lại có thể kết hợp được với nhiều trang phục hiện đại khác như giày sneaker, giày thể thao hay quần bò… Trong khi đó, một tà áo ngũ thân rất tốn kém, giá thấp nhất cũng dao động khoảng 1 triệu đồng, lại không có nhiều dịp để mặc.
Do vậy, nếu phong trào mặc áo ngũ thân được quảng bá rộng, các nhà may sẽ ứng dụng thêm những loại vải phù hợp với điều kiện của nhiều khách hàng hơn, và đưa công nghệ tiên tiến vào quy trình may áo ngũ thân để giảm giá thành sản phẩm. Khi ấy, với thị trường đa dạng và chất lượng sản phẩm được nâng cao hơn, học sinh, sinh viên hay người có thu nhập thấp cũng có thể được đáp ứng nhu cầu.
Nên mặc cổ phục "đúng nơi, đúng chỗ"
Dù mong muốn áo dài ngũ thân có thể quay lại đời sống đương đại, nhà văn Lê Xuân Khoa vẫn cho rằng việc mặc trang phục này nên được bố trí vào những dịp phù hợp, ở những địa điểm phù hợp. Khi đó, áo ngũ thân sẽ phát huy được tối đa giá trị của nó, thể hiện được bản sắc văn hóa của người Việt trong không gian văn hóa mà nó thuộc về. Ngược lại, nếu mặc thường xuyên trong cuộc sống ngày thường và ở nhiều địa điểm, trang phục này có thể bị lấm bẩn, trở nên luộm thuộm và vô tình tạo ra sự tiêu cực cho một nét văn hóa. Ngoài ra, cũng phải tính tới việc mặc sao cho phù hợp với môi trường và thời tiết.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất