20/12/2012 14:30 GMT+7 | Văn hoá
Màn trình diễn mới nhất Tổ hợp bám của Lại Thị Diệu Hà, nghệ sĩ đương đại có nhiều tác phẩm gây chú ý trong mấy năm nay, diễn ra vào 18h30 ngày 18/12 tại sân trong của Viện Goethe, Hà Nội. Sự kiện nằm trong dự án nghệ thuật Những chân trời có người bay do Nhà Sàn Studio và Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tổ chức.
“Điên”, “thần kinh”…
Để chuẩn bị cho màn trình diễn, khoảng 2/3 khoảnh sân được phủ kín bằng bột trắng ("có lẽ là bột mỳ", theo một người thân của nghệ sĩ), trên một diện tích hơn 20m2. Trong đó, nghệ sĩ đặt một tác phẩm sắp đặt bằng vải có hình tương tự cây thông Noel. Khán giả khoảng vài chục người, đứng kín một phần sân còn lại và rải rác trên ban công tầng hai.
"Điên. Thần kinh. Không xem nữa. Đi về", nhóm học sinh hoặc sinh viên buông một lời dứt khoát sau những dòng giới thiệu về tiết mục trình diễn. Họ vừa kết thúc buổi học ở Viện Goethe và tò mò xuống xem sự kiện nghệ thuật gì sắp diễn ra. Lúc nhóm bạn trẻ nói vậy và quay lưng bước đi, vẫn tiếp tục bàn tán, nghệ sĩ Lại Thị Diệu Hà đứng cách đó chỉ vài mét. Lúc đó là 18h, nửa tiếng trước khi buổi trình diễn bắt đầu.
Lại Thị Diệu Hà đang trình diễn Tổ hợp bám. Ảnh: Huyền Mi |
Lời giới thiệu ghi: "Thời gian: Một đêm đợi trời trắng. Chúng sinh ra, tự nhiên hội tụ. Chúng đan xen, chúng xoắn xuýt, chúng bám. Chúng tan rã, chúng phân hủy, chúng chảy, chúng tan biến. Chúng như sóng, hiện và mất. Với tính vô thường, chúng thản nhiên hiện - mất: Không sợ hãi, không luyến tiếc, bởi chúng nhận ra chúng là nước. Với tôi, tôi bị động, tôi lưu luyến, tôi say đắm, tôi thương xót, tôi níu kéo trước sự biến động này. Tôi vận vào tôi. Tôi lục vấn tôi. Tôi khác chúng? Tôi phù du?".
Một lời giới thiệu có khả năng gợi liên tưởng rất lớn và rất rộng. Rộng nhất có thể là liên tưởng đến sự sống. Trong thời điểm gần đến “ngày tận thế” theo lời đồn đại, lục vấn về ý nghĩa sự sống chẳng phải là đề tài quá thời sự sao?
Khoảng 18h20, nghệ sĩ xuất hiện sau khi thay đồ diễn. Trang phục toàn màu trắng, nước da của chị cũng trắng, chỉ có mái tóc màu đen và đôi môi đỏ. Chỉ hơn chục phút nữa, gương mặt chị sẽ dính đầy bột trắng.
Dịu dàng, điềm tĩnh, nhưng vẫn khó hiểu
Lại Thị Diệu Hà tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, từng tham gia rất nhiều các hoạt động nghệ thuật tự do ở Việt Nam, Na Uy và Nhật Bản. Mới đây là dự án “IN:ACT” ở Nhà Sàn Studio vào các năm 2010 và 2011. Nhờ màn trình diễn Bay lên (tháng 8/2010) gây kinh ngạc với việc khỏa thân và đính lông chim lên mình, Diệu Hà trở thành cái tên được chú ý. |
Trên mặt sân phủ đầy bột, cùng với cái tên Tổ hợp bám, không khó để đoán ra rằng nghệ sĩ sẽ lăn lê đủ kiểu trên mặt sân và tung bột lên không. Diệu Hà bắt đầu trình diễn bằng cách nằm xuống mặt sân thổi bột, lùa bột thành đống rồi tung lên. Chị tiếp tục đêm diễn cũng bằng các hành động đó. Cách chị kết thúc đêm diễn thì ít ai biết vì đến 20h40 thì không còn khán giả nào nữa ngoài vài người thân, bạn bè của nghệ sĩ.
Những màn tung bột thật cao và xa của Diệu Hà tạo hiệu ứng hình ảnh rất đẹp và cũng gây nhiều hứng thú nhất cho khán giả. Ban tổ chức của Viện Goethe đã hạn chế ánh đèn xung quanh để không gian trong sân thật tối, nhờ đó, những làn bụi bay trong không khí (bay lên cả tầng hai và còn cao hơn nữa) hiện lên rõ mồn một dưới ánh đèn và flash của máy ảnh.
Nhiều lúc, cảm giác người trình diễn như một cô bé nghịch tuyết, bởi màu trắng của khoảnh sân và "cây thông Noel" khiến người xem có cố gắng cũng không thể thoát khỏi liên tưởng về tuyết. Giấc mơ tuyết trắng, Việt Nam có cả một bài hát tên như thế. Một giấc mơ nghe thì quá quen nhưng với nhiều người Việt nó chưa bao giờ trở thành hiện thực.
Giữa lúc trình diễn, nghệ sĩ còn tung cả bột về phía khán giả khiến khán giả giật mình và lùi lại, nhưng không kịp nên nhiều người bị dính bột. Nhiều lúc, có cảm tưởng như Diệu Hà muốn phủ trắng cả khoảnh sân Viện Goethe. Không những thế, còn phủ trắng cả màn đêm. Phủ để làm gì thì… không rõ. Có lẽ nhiều người xem có cảm giác đó.
"Lần này trình diễn của Diệu Hà sẽ dịu dàng hơn những lần trước. Một vẻ đẹp điềm đạm, điềm tĩnh, rất mong manh và khó nắm bắt", bà Almuth Meyer-Zollitsch, Giám đốc Viện Goethe, nói với khán giả trước khi buổi trình diễn bắt đầu. Có lẽ vậy, đặc biệt là nhận định "khó nắm bắt".
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất