Thí sinh vi phạm quy chế thi giảm đột biến

05/06/2009 07:52 GMT+7 | Giáo dục

* Hoàn thành chấm thi trước ngày 18/6.

Chiều 4/6, sau khi các thí sinh hoàn thành hai môn thi cuối cùng, Bộ GD&ĐT đã hợp báo kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT 2009.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT mọi “hệ số đen” đều giảm so với năm trước, trong khi những thể nghiệm mới đã thành công bước đầu.

Lần đầu tiên ưu điểm nhiều hơn khuyết điểm

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, mặc dù năm nay tổng số thí sinh giảm gần 11% so với năm trước nhưng số thí sinh đến dự thi cao hơn và số thí sinh bỏ thi, vi phạm quy chế lại thấp hơn.  Cụ thể, tỷ lệ thí sinh dự thi so với tổng số đăng ký dự thi đạt 99,47%, cao hơn năm trước 0,21%. Số thí sinh bỏ thi là 5.604 giảm 3.111 thí sinh ( 35,5%) so với năm 2008. Những trường hợp bỏ thi chủ yếu là các thí sinh tự do.

Đặc biệt, số thi sinh vi phạm quy chế bị đình chỉ thi giảm đột biến. Qua 3 ngày thi chỉ có 299 trường hợp bị đình chỉ, giảm tới 64 % (năm 2008 là 833 trường hợp). Bên cạnh đó cũng chỉ có 1 giám thị bị đình công tác thi, trong khi năm 2008 có đến 15 trường hợp. Mặc dù vẫn còn một số trường hợp thi hộ( 8 trường hợp) nhưng các vụ vi phạm tiêu cực nghiêm trọng, nhất là việc gian lận có tổ chức tại một số địa phương như những năm trước không tái diễn. Những hiện tượng bất thường và các sự cố xảy ra trong các giờ thi đã được kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy chế. Bên cạnh đó, khâu ra đề  cũng không để xẩy ra sai sót, gây khó hiểu cho thí sinh những năm trước. Cách ra đề cũng có một số đổi mới, đặc biệt là các môn xã hội, được dư luận và giới ngành đánh giá tích cực.

Thí sinh đang làm bài thi tại Hội đồng thi THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội).


Trước những kết quả khá khả quan như trên, ông Lê Quang Hưởng, Phó Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT, Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia đã phấn khởi khẳng định: “Đây là kỳ thi tốt nghiệp phổ thông đầu tiên có ưu điểm nhiều hơn khuyết điểm”. Ông Hưởng cũng cho biết, việc thử nghiệm phương thức thi theo cụm để tránh tình trạng “trường nhà, thầy nhà” đã thành công. Việc tổ chức thi theo cụm buộc một số thí sinh phải di chuyển xa hơn nhưng nhưng các địa phương đã bố trí tốt việc đi lại, ăn ở cho thí sinh, nên số thí sinh bỏ thi ít hơn mọi năm.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển thẳng thắn thừa nhận một số điểm còn tồn tại cần khắc phục. Đó là vẫn còn tình trạng “nhiễu” thông tin lộ đề thi trong dư luận xã hội, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của phụ huynh, học sinh. Tình trạng thí sinh mang tài liệu trái quy định vào phòng thi mặc dù đã giảm hẳn nhưng vẫn chưa triệt để. Một hội đồng thi vẫn xẩy ra sự cố nhỏ trong khâu tổ chức thi.

Sẽ tổ chức chấm thi chặt

Không để vì cứu người mà trượt tốt nghiệp: Về hai thí sinh ở Nghệ An vì cứu người bị tai nạn giao thông dẫn đến đến muộn 5 phút và không được thi môn Sinh học, ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết: “Ngày 4/6, Bộ đã đề nghị Sở GD&ĐT Nghệ An báo cáo ra để giải quyết. Chúng tôi đã tham khảo ý kiến lãnh đạo Bộ. Lãnh đạo Bộ đã cho phép được xét đặc cách tốt nghiệp cho 2 thí sinh này với điều kiện đó là việc làm có thật. Trường, Sở sẽ phải xác minh việc này chứ không yêu cầu các em phải tự chứng minh. Sẽ không để các em vì chuyện này mà trượt tốt nghiệp. Điều kiện để xét đặc cách tốt nghiệp là các em có học lực từ trung bình trở lên, hạnh kiểm từ khá trở lên, môn đã dự thi phải đạt từ 5 điểm trở lên”.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng khẳng định: Kỳ thi tốt nghiệp năm nay  có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình đổi mới công tác thi. Chính vì vậy Bộ GD&ĐT đã huy động mọi nguồn lực, khả năng để tổ chức một kỳ thi thật nghiêm túc, có chất lượng tạo tiền đề để tổ chức kỳ thi quốc gia, sử dụng chung kết quả tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ. Đến thời điểm này, kỳ thi mới đi được một nửa, sắp tới Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc trong khâu chấm thi.

Trả lời thêm về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) Trần Văn Nghĩa cho biết: Bộ GD&ĐT hướng dẫn  các địa phương thực hiện công chấm thống nhất trên toàn quốc. Mỗi bài thi sẽ được tổ chức chấm hai vòng độc lập. Số điểm được chấm chi tiết đến  0,25 điểm. Việc chấm thi vẫn được giao cho Sở GD&ĐT thực hiện nhưng Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức các đoàn thanh tra đến giám sát trực tiếp tại các địa phương.

Thí sinh đang xem lại bài thi môn Toán tại Hội đồng thi THCS Thái Thịnh (Hà Nội)


Do năm nay tổ chức chấm chéo, hơn nữa lịch thi bị lùi lại 3 ngày so với mọi năm nên nhiều ý kiến lo ngại sẽ làm chậm thời điểm công bố kết quả, ảnh hưởng đến lịch thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Về vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa khẳng định,  Bộ GD&ĐT sẽ đảm bảo công bố đúng kết quả kịp thời gian cho thí sinh dự thi ĐH, CĐ. Và để thực hiện điều này, Bộ đã yêu cầu các địa phương phải hoàn thành việc bàn giao bài thi của thí sinh trong ngày 5/6. Đến ngày 18/6, các Sở GD&ĐT phải hoàn thành chấm thi và công bố kết quả để sau đó thí sinh có thể đề nghị phúc khảo.

Thuỷ Thanh (Ảnh MH)

Chờ chấm xong mới quyết chuyện kỳ thi quốc gia

Đây là năm đầu tiên thực hiện việc tổ chức tổ chức thi cụm trên quy mô toàn quốc, có một số ý kiến cho rằng thi cụm không những không đạt mục đích làm giảm chi phí, mà còn tăng áp lực lên thí sinh và phụ huynh. Trả lời cầu hỏi này, Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Nếu tính về công tác tổ chức thi thì thi cụm không làm tăng chi phí. Trước kia những gì trường phải làm thì nay cụm làm.

Việc đi lại, di chuyển của thí sinh và phụ huynh đương nhiên là tốn kém hơn. Nhưng hiệu quả thi cụm không chỉ nằm ở chỗ tốn kém hay vất vả, không chỉ tính ở một kỳ thi này. Đánh giá hiệu quả ở chỗ đạt mục đích kỳ thi được tổ chức an toàn, nghiêm túc, công bằng, phân loại được học sinh. Và đây cũng là bước thử nghiệm cho việc thực hiện một kỳ thi quốc gia sau này. Ngay trước kỳ thi cũng đã có nhiều ý kiến băn khoăn về việc tổ chức thi theo cụm, nhưng các cấp các ngành ở địa phương đã có sự ủng hộ, quan tâm, nhiều lực lượng, tổ chức xã hội tham gia giúp đỡ. Đây là tiền đề tốt cho năm sau.”

Trả lời câu hỏi của phóng viên: “Qua kỳ thi này Bộ GD&ĐT đã đủ vững tin để năm tới thực hiện một kỳ thi quốc gia chưa?”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia vào năm 2010 là lộ trình hướng tới. Còn để trả lời chắc chắn phải chờ kết quả của kỳ thi này, đồng thời phải tính đến việc xã hội đã sẵn sàng chưa, các điều kiện chuẩn bị thực hiện khác. Trên cơ sở đó sẽ có câu trả lời kịp thời để thí sinh và phụ huynh chuẩn bị cho năm sau”.


Anh: M.H

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm