Cỗ máy kiếm tiền Bayern và tham vọng giàu nhất thế giới

16/05/2012 13:36 GMT+7 | Bóng đá Đức

(TT&VH) - Vào cái ngày gục ngã trước Dortmund ở trận chung kết Cúp QG Đức, Chủ tịch Uli Hoeness thậm chí còn mạnh miệng tuyên bố Bayern sẽ là đội bóng giàu nhất Thế giới trong một ngày không xa.

Câu lạc bộ bóng đá Bayern Munich được điều hành bởi FC Bayern Munich AG (Aktiengesellschaft, có nghĩa tương tự như tập đoàn) với 81,8% cổ phần thuộc về đội bóng và 18,2% còn lại được chia đều cho hai gã khổng lồ Adidas (mua năm 2002 với giá 77 triệu euro) và Audi (mua năm 2009, giá 90 triệu euro). Hội đồng quản trị của công ty gồm chín người, hầu hết là quản lý của các doanh nghiệp khổng lồ của Đức như Herbert Hainer (CEO của Adidas), Martin Winterkorn (CEO của Volkswagen) hay Rupert Stadler (CEO của Audi). Được điều hành và quản lý bởi một bộ máy có nhiều gương mặt xuất chúng, Bayern đã trở thành một trong những cỗ máy kiếm tiền hàng đầu thế giới.


Bayern sẽ là đội bóng giàu nhất Thế giới trong một ngày không xa - Ảnh Getty

Theo nghiên cứu của hãng Deloitte, năm 2007, Bayern chỉ là đội bóng kiếm tiền nhiều thứ bảy thế giới nhưng từ năm 2008 đến nay, ổn định ở vị trí thứ tư. Năm 2011, Bayern đã kiếm được 321 triệu euro, chỉ sau Manchester United (367 triệu euro), Barcelona (451) và Real Madird (480). Xét về những hoạt động thương mại (quảng cáo, bán đồ lưu niệm…), Bayern là đội kiếm tiền giỏi nhất khi thu được tới 177,7 triệu euro, hơn M.U tới 63,2 triệu euro. Những hợp đồng quảng cáo rồi tài trợ áo đấu đồng trị giá 25 triệu với Deutsche Telekom và Adidas đã mang lại cho Bayern con số ấn tượng như vậy. Nếu hãng năng lượng Gazprom cũng tài trợ cho Bayern, doanh thu của đội bóng này sẽ còn tăng chóng mặt.

Tuy nhiên, doanh thu của Bayern từ các trận đấu trên sân nhà (matchday) và bản quyền truyền hình (BQTH) thua xa ba đại gia nói trên. Năm 2011, Bayern chỉ kiếm được 71,9 triệu euro từ các trận đấu trên sân nhà, thua xa doanh thu của Barcelona (110,7 triệu euro), M.U (120,3) và Real (123,6). Việc Bayern có ít trận đấu trên sân nhà (chỉ có 23 trong khi M.U có tới 29) là nguyên nhân dẫn tới sự thua kém này. Nhưng với sân vận động luôn chật cứng 69 nghìn khán giả, mỗi trận tiêu thụ 20 nghìn cái xúc xích, 15 nghìn đồ uống nhẹ và 40 nghìn cốc bia, doanh thu từ sân Allianz sẽ sớm tăng mạnh nếu Bayern tiến xa tại Champions League cũng như tổ chức thêm nhiều trận giao hữu.

Doanh thu từ BQTH của Bayern lại càng thua kém so với các đối thủ. Năm 2011, Bayern chỉ kiếm được 71,8 triệu euro từ BQTH, chưa bằng một nửa của các đại gia khác. M.U kiếm được 132,2 triệu euro còn Real và Barcelona lần lượt thu về 183,5 và 183,7 từ BQTH. Nếu doanh thu từ trận đấu trên sân nhà là một vấn đề chủ quan thì BQTH nằm ngoài khả năng quản lý của Bayern. Với cách chia có phần cào bằng cho mọi đội bóng của DFL (Ban tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Đức), doanh thu của Bayern từ mảng này sẽ khó có thể đột phá. Đội bóng này chỉ có thể cải thiện đôi chút bằng cách cố gắng tiến xa tại đấu trường châu lục hay chờ BQTH của Bundesliga tăng giá (vừa có hợp đồng mới trị giá 628 triệu euro/mùa, cao hơn 50% so với hiện nay).

Về doanh thu, Bayern sẽ không thể sớm vượt qua M.U, Barcelona hay Real nhưng bù lại, đội bóng này có một nền tảng tài chính lành mạnh, gần như không phải vay mượn. Bởi vậy, mới đây chủ tịch Uli Hoeness đã mạnh miệng tuyên bố rằng tới năm 2020, khi trả hết khoản nợ vay để xây Allianz Arena, Bayern sẽ trở thành đội bóng giàu nhất thế giới.

Trần Khánh An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm