Lạ lùng thú 'ăn vặt văn hóa' của người Hàn Quốc

31/07/2014 11:31 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Khắp các sân bay, bến tàu, siêu thị đầy ắp hình ảnh người Hàn Quốc cắm mặt vào chiếc điện thoại thông minh, bởi có quá nhiều thứ được tạo ra để phục vụ nhu cầu thưởng thức của họ, dù chỉ trong vài phút ngắn ngủi.

"Văn hóa snack" hay “văn hóa ăn vặt” là cách gọi của tờ Korea Times dành cho làn sóng tiêu thụ các sản phẩm văn hóa nhỏ gọn về dung lượng và nội dung, được sản xuất với số lượng lớn tại Hàn Quốc, dành riêng cho thiết bị công nghệ đời mới như điện thoại thông minh.

Truyện tranh cực ngắn ăn khách

Hầu hết các sản phẩm văn hóa này có thể thưởng thức nhanh gọn trong 5, 10 phút, lúc người dùng đang cần giết thời gian trước khi chuyển sang một công việc khác.

Đó là các đoạn phim hoạt hình, truyện tranh, truyện ngắn hoặc truyện dài. Gần đây các sản phẩm này xuất hiện ồ ạt đến mức trở thành một hiện tượng và không thể không điểm mặt gọi tên.

“Chiếc điện thoại của tôi giúp tôi vượt qua những chuyến tàu điện ngầm dài và mệt mỏi. Nhờ nó mà trong khi chờ đợi, tôi có thể thưởng thức nhiều thứ trên mạng” - Kim, một hành khách trên chuyến tàu điện ngầm đến ga City Hall ở Seoul nói với Korea Times.


Chúi  mặt vào điện thoại là hình ảnh quen thuộc của đông đảo người Hàn Quốc hiện đại

Kim đi làm bằng tàu điện ngầm, mỗi chuyến mất 70 phút nên giết thời gian trên tàu là một nhu cầu lớn. Trong số những loại hình giải trí trên điện thoại, Kim mê mệt các “webtoon”, tức truyện tranh đăng miễn phí trên mạng.

Cậu đọc những truyện tranh ngắn như Sound Of Mind hay Misaeng qua cổng thông tin Naver hoặc Daum, những trang mạng thu hút rất nhiều người xem ở Hàn Quốc.

“Truyện tranh trên mạng có lợi thế lớn nhất là miễn phí, rất hài hước. Tôi cứ đọc mãi không ngừng được” - Kim nói. Hàng triệu người có suy nghĩ như Kim. Mỗi ngày, các “webtoon” của Naver thu hút 6,2 triệu lượt xem, theo thống kê do trang này cung cấp.

Phim truyền hình 10 phút lên ngôi

“Webtoon” ở Hàn Quốc từ thiết bị di động đang nhảy vào văn hóa chính thống. Một ví dụ tiêu biểu là truyện tranh Misaeng của tác giả Yoon Tae Ho kể về đời sống của nhân viên công sở Hàn Quốc, thu hút hơn 600 triệu lượt xem, hiện đã có kế hoạch chuyển thể thành phim truyền hình.

Nói đến phim truyền hình, những bộ phim mini chiếu qua mạng cũng đang trở thành trào lưu ở Hàn Quốc. Mỗi tập phim đó chỉ dài khoảng 10 phút. Nổi bật có phim Aftermath chiếu qua Naver từ tháng 1, do thành viên Kim Dong Jun của nhóm nhạc nam ZE:A đóng vai chính. Phim này được chuyển thể từ “webtoon” cùng tên. Phim đã chiếu được 11 tập, có 3 triệu lượt xem.

Không dừng lại, Hàn Quốc đưa cả những chương trình phát thanh lên mạng, được gọi là “podcast”. Park So Young, một nhân viên văn phòng ở Seoul, ngày nào cũng nghe những chương trình như vậy để tìm cảm hứng sống. Chương trình yêu thích của cô là Morning News Paper Briefing.

Chương trình này dài 30 phút, có nội dung chính trị xã hội, tổng hợp những thông tin mới nhất từ các tờ báo lớn nhất nước. Chương trình phát từ thứ Hai đến thứ Sáu do MC Kim Yong Min dẫn. Kim Yong Min cũng là nhà sản xuất của một công ty truyền thông qua Internet mang tên Kukmin TV.

Càng thích “ăn nhanh” càng lười đọc

Chính phủ Hàn Quốc đã nhanh chóng nhận diện hiện tượng mới này. Trong báo cáo phân tích về xu hướng “văn hóa snack”, người ta nhận định đây là “một trong những hiện tượng xã hội đáng chú ý nhất năm 2014”.

Theo thống kê của công ty quảng cáo HS AD, dựa trên 1.000 người Hàn Quốc, người Hàn dùng điện thoại thông minh 3,34 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Trong khi đó, họ chỉ dành 3 tiếng xem TV và 48 phút sử dụng máy tính cá nhân.

Do ham thưởng thức các sản phẩm văn hóa dạng “ăn nhanh” kể trên, người Hàn cũng đọc sách ít hơn. Nhu cầu đọc giảm đi rõ rệt. Năm ngoái, thời gian đọc trung bình của người Hàn là 23,5 phút mỗi ngày (thống kê dựa trên 2.000 người lớn). Đây là con số thấp chưa từng có, theo Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Hàn Quốc.

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm