Ký sự World Cup: Maroc, một cái nhìn khác

16/12/2022 17:45 GMT+7 | World Cup 2022

Cho đến tận những giây cuối cùng, cậu bé và anh cùng bố vẫn hát, vẫn hô những tiếng "sir" (Tiến lên). Kể cả khi Maroc đã bị dẫn 0-1, kể cả khi tỷ số là 0-2 trong hiệp 2. Khi tiếng còi cuối cùng cất lên, họ hát để cảm ơn các cầu thủ, những người lúc ấy cũng ra cảm ơn họ, và rồi cùng quỳ xuống cầu nguyện thánh Allah.

Có những hình ảnh về họ mà chắc chắn những ai theo dõi Maroc trong hành trình World Cup 2022 này sẽ nhớ mãi.

Đấy những cái hôn của mẹ với Achraf Hakimi sau một chiến thắng, điệu nhảy của Sofiane Boufal cùng mẹ mình trên đường piste, những lần HLV Walid Regragui được các học trò tung lên sau mỗi thắng lợi, những lần thực hiện sujud (quỳ xuống cầu nguyện) và hình ảnh cả đội đọc Surah Al-Fatihah, phần mở đầu trong kinh Quran, với đức Allah dẫn dắt họ đi trên con đường sáng và đúng đắn, là chương đầu và là một trong những chương quan trọng nhất của kinh Quran. Nhưng ấn tượng lớn nhất của tôi với Maroc chính là các cổ động viên của họ.

Những khán đài ngập sắc đỏ

Nếu bằng một cách nào đó có thể bay từ Rabat hay Casablanca đến Doha cho trận bán kết với Pháp, người Maroc sẽ lấp đầy sân Al-Bayt bằng sắc đỏ từ những chiếc áo họ mặc và những lá quốc kỳ họ khoác lên người. Nhưng dù một ngày trước trận đấu, Qatar đã đưa ra một quy định mới khiến hàng chục chuyến bay từ Maroc không sang được, làm cho kế hoạch mua lại toàn bộ số vé mà cổ động viên các đội khác để lại không xem rồi phát không cho người hâm mộ của LĐBĐ Maroc phá sản, nhưng màu đỏ vẫn chiếm 3/4 các khán đài có tổng sức chứa hơn 65 nghìn người của Al-Bayt.

Sức sống mãnh liệt của họ thể hiện bằng tiếng hát, những tiếng hò reo cổ vũ, những tiếng "sir" vang lên theo nhịp, cả những tiếng la ó huýt sáo nhằm gây áp lực lên các cầu thủ Pháp, khiến cho tai tôi ù đi khi khu vực báo chí bị bao vây ở ba phía vì họ. Không có gì ngạc nhiên vì sự cuồng nhiệt ấy. Phải chờ đợi tới 36 năm, Maroc mới vào được vòng knock-out World Cup. Cũng lần đầu tiên trong lịch sử World Cup, châu Phi và thế giới Arab mới có một đội tuyển vào tới bán kết. Sự ủng hộ dành cho họ không chỉ ở đây, trên khán đài, từ các cổ động viên Maroc và nhiều người hâm mộ nước ngoài cũng mặc áo Maroc vì thích họ hoặc đơn giản là không thích đội tuyển Pháp, mà còn trên các phương tiện truyền thông của các nước Arab, trên những đường phố của Qatar. Đấy là những ngày rất đẹp của đất nước 37 triệu dân ở Bắc Phi này.

Ký sự World Cup: Maroc, một cái nhìn khác - Ảnh 1.

Một cổ động viên Maroc nhỏ tuổi, cùng bố cùng anh cậu trên khán đài của sân Al-Bayt, trận Pháp-Maroc

Trong số những khán giả cuồng nhiệt ấy, có cậu bé có tên Ayman. Cậu ngồi trên khán đài sau lưng tôi cùng với bố và anh cậu. Cậu bé chừng 5 tuổi, nhưng đã đặt tay lên ngực trái khi hát vang quốc ca Maroc khi trận đấu chuẩn bị bắt đầu, đã giơ cờ Maroc lúc trận đấu diễn ra và đã sống trong không khí căng thẳng và sục sôi của trận đấu. Như bao người khác, cậu đã vui khi Maroc tấn công, đã buồn, đã suýt khóc khi đội tuyển của cậu bị đánh bại. Tôi ấn tượng bởi gương mặt ngây thơ của cậu bé. Rồi đây, cậu sẽ lớn lên và cuồng nhiệt hơn nữa, như anh cậu, như bố cậu, như hàng vạn người Maroc khác trên khán đài, tạo thành những biển màu đỏ ở bất cứ nơi nào họ đi qua.

Đất nước ấy đang tìm cách khuếch trương hơn nữa hình ảnh của mình, thông qua nhiều khía cạnh, trong đó có bóng đá. Thành công của đội tuyển Maroc ở World Cup này cũng như hình ảnh của các cổ động viên, trong đó có Ayman, đang tạo thiện cảm tốt cho Maroc trong những nỗ lực vận động đăng cai Asian Cup 2025 và World Cup 2030.

Một cái nhìn khác về Maroc

Năm 2015, nhà văn người Pháp Michel Houellebecq đã tưởng tượng trong tiểu thuyết có tựa đề "Soumission" (Khuất phục) rằng, vào năm 2022, một chính đảng Hồi giáo sẽ thắng cử ở Pháp và do đó, nhân vật chính, một giáo sư có tiếng của trường đại học Sorbonne ở Paris buộc phải cải theo đạo Hồi để có thể tiếp tục công việc giảng dạy.

Điều tưởng tượng của Houellebecq không diễn ra. Mọi thứ không kinh khủng như thế. Ông là một nhà văn chứ không phải nhà tiên tri Nostradamus, nhưng những ngày cuối năm 2022 chứng kiến Maroc, đội tuyển của một quốc gia Arab theo Hồi giáo đã đối đầu với Pháp trong trận bán kết World Cup trên một đất nước Hồi giáo ở vùng Vịnh. Việc tổ chức thành công World Cup cũng như việc Maroc tiến tới tận bán kết chính là điều mà FIFA chờ đợi, nhưng hơn thế nữa, giúp khuếch trương hình ảnh của Maroc nói riêng và thế giới Hồi giáo nói chung trên thế giới, trong khi trước đó, họ được nhìn bằng những con mắt hoài nghi và thiếu thiện cảm.

Ký sự World Cup: Maroc, một cái nhìn khác - Ảnh 2.

Sân Al-Bayt rực đỏ sắc áo cổ động viên Maroc

Từ lâu, Maroc đã chìm trong những rắc rối liên quan đến vùng lãnh thổ Tây Sahara tranh chấp với Algeria, nơi Mặt trận Polisario do Algeria hậu thuẫn, đang đòi độc lập. Bóng đá có thể trở thành một quyền lực mềm để giúp Maroc gia tăng ảnh hưởng trong khu vực và tạo được thiện cảm trong cuộc đấu tranh của họ về vùng lãnh thổ này.

Còn một câu hỏi: Thành công của đội tuyển Maroc ở World Cup 2022 liệu có thể làm thay đổi những định kiến cũ kĩ của nhiều người về đất nước và con người này không? Ở một số nước châu Âu, người ta nhìn nhận người Maroc rất xấu. Từ "người Maroc" không có giá trị tương đương như "người Mỹ", "người Anh" hay "người Nhật Bản". "Người Maroc" được xếp chung với người nhập cư châu Phi, với hàm ý xấu, thậm chí phân biệt chủng tộc. Nó đồng nghĩa với móc túi, trộm cướp, lưu manh, quấy rối phụ nữ, trong khi những điều này không đại diện cho cả cộng đồng người Maroc ở châu Âu. Có hàng triệu người gốc Maroc sinh ra trong cộng đồng của họ ở châu Âu, trong đó có 780 nghìn người Pháp gốc Maroc, còn ở Ý, họ có gần nửa triệu, đứng thứ 3 trong các cộng đồng nhập cư đông dân nhất. Những định kiến cố hữu về người nhập cư cộng với chính những điều không tốt mà một số ít trong họ đã làm khiến người ta nhìn họ một cách vô cùng tiêu cực.

Nhưng bây giờ, bức tranh về Maroc có lẽ khác. Maroc không chỉ là Casablanca trong lòng những người hoài cổ vì một tác phẩm điện ảnh kinh điển 80 năm trước, không chỉ là những Marrakech, Fez, Chefchaouen trong lòng những người lữ hành. Có một Maroc bóng đá và những cổ động viên đáng yêu vô cùng của họ. 


 Trương Anh Ngọc, phóng viên TTXVN, từ Doha, Qatar

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm