16/05/2025 22:56 GMT+7 | Văn hoá
Tối 16/5, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Quy Nhơn (Bình Định), tỉnh Bình Định long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam hoàn thành việc chuyển quân tập kết ra miền Bắc tại Quy Nhơn (16/5/1955 - 16/5/2025).
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đến dự.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Lê Phước Ngọc - TTXVN
Tại lễ kỷ niệm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, lễ kỷ niệm là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; trong đó có Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc; phát huy cao độ truyền thống yêu nước, “Hào khí Tây Sơn”, tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng hòa bình, độc lập của dân tộc để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đoàn kết, thống nhất tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng - Đại hội có ý nghĩa bước ngoặt, là dấu mốc đặc biệt quan trọng trên con đường phát triển của đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, cuộc chuyển quân, đưa đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc là một sự kiện hết sức quan trọng và đầy ý nghĩa trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Từ đây, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam của tỉnh Bình Định nói riêng và Liên khu V nói chung đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu học tập, lao động, sản xuất, đóng góp công sức của mình vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Nhiều đồng bào, cán bộ, học sinh sau khi học tập, rèn luyện đã trở lại quê hương, kề vai sát cánh cùng đồng chí, đồng đội chiến đấu để giải phóng tỉnh Bình Định, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn đất nước. Nhiều thế hệ con em học sinh được Đảng, Nhà nước đào tạo, trong đó nhiều người đã trở thành những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và các địa phương; các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, các nhà giáo, bác sĩ, nhà khoa học, các doanh nhân thành đạt, … hết mình cống hiến cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trao hồ sơ, kỷ vật cho 25 thân nhân liệt sĩ. Ảnh: Lê Phước Ngọc - TTXVN
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả đáng mừng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Định đạt được trong suốt chặng đường 70 năm qua. Phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, chủ động, sáng tạo, tỉnh Bình Định đã ra sức thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, thúc đẩy kinh tế phát triển, thu hút đầu tư, phát triển khoa học công nghệ, kinh tế xanh, kinh tế số; hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, nhanh, bền vững, hiện đại, bộ mặt đô thị và nông thôn ngày càng khởi sắc; quốc phòng - an ninh được giữ vững. Cùng với đó, đã triển khai hiệu quả chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền 2 cấp; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao… Những thành tựu to lớn, toàn diện đó đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước, là tiền đề quan trọng cho công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Bình Định trong những năm tiếp theo.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định và các tỉnh thuộc Liên khu V trước đây, cần phải tiếp tục tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác, gắn kết chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa; tiếp tục phát huy tối đa sức mạnh, lợi thế của mỗi địa phương, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Tập trung quán triệt và triển khai quyết liệt, đồng bộ chủ trương của Trung ương về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đặc biệt là chủ trương hợp nhất tỉnh, mở ra cơ hội phát triển trong tương lai, đưa tỉnh mới có đủ tiềm năng, lợi thế để trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa của vùng Trung bộ và Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại; phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch, cảng biển - logistics; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trung tâm chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, là trung tâm kinh tế mới của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Tỉnh Bình Định đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đối với Di tích “Cảng Quy Nhơn - điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc”. Ảnh: Lê Phước Ngọc - TTXVN
Song song với đó, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, tổ chức các hoạt động thăm hỏi, gặp gỡ, tri ân, tôn vinh các gia đình chính sách, thân nhân cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
“Các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Bình Định cũng phải tiếp tục quan tâm, phát huy giá trị lịch sử của di tích “Cảng Quy Nhơn - Điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc”, nơi ghi dấu ấn lịch sử của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Bởi đây là nơi lưu giữ ký ức một thời hào hùng của quân và dân Liên khu V, là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định, được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao nhiệm vụ và thực hiện hoàn thành. Tin rằng, nơi đây thực sự sẽ trở thành một “địa chỉ đỏ” giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau; là nơi sinh hoạt truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước…”, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ mong muốn.
Cách đây 70 năm về trước, sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết, Bình Định được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn là khu vực 300 ngày, Cảng Quy Nhơn là địa điểm duy nhất để đưa các lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị của Liên khu V ra miền Bắc. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Bác Hồ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy Khu V, tỉnh Bình Định thực hiện hoàn thành xuất sắc việc tiếp nhận, đón tiếp cán bộ, đảng viên các tỉnh trong khu vực, thực hiện việc chuyển quân theo kế hoạch, bàn giao cho đối phương từng thời gian theo sự thỏa thuận của hai bên. Ngày 16/5/1955, chuyến tàu cuối cùng đưa 20 ngàn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và những người con Liên khu V ruột thịt tập kết ra Bắc, hoàn thành việc chuyển quân tập kết theo chủ trương của Đảng.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc với sự tham gia của khoảng 250 nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên. Ảnh: Lê Phước Ngọc - TTXVN
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng xúc động bày tỏ, sự kiện 300 ngày tập kết, chuyển quân ra Bắc tại Quy Nhơn nói riêng và của miền Nam nói chung, không chỉ là cuộc chuyển quân để bảo đảm tuân thủ Hiệp định Geneva, mà còn là tầm nhìn kế hoạch dài hạn của Trung ương Đảng và Bác Hồ trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, để vừa góp phần cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, tái thiết đất nước sau chiến tranh. Đó còn là bài học vô giá về “ý Đảng, lòng dân”, về biểu tượng sáng ngời của tinh thần đại đoàn kết, khẳng định chân lý: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
Dịp này, tỉnh Bình Định vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đối với Di tích “Cảng Quy Nhơn - Điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc”. Ban tổ chức cũng đã trao 25 hồ sơ, kỷ vật cho thân nhân liệt sĩ.
Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm còn diễn ra chương trình nghệ thuật đặc sắc với sự tham gia của khoảng 250 nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên.
Xem thêm tin tức Văn hóa TẠI ĐÂY
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất