Kỹ nghệ lấy Tây: "Làm mới" Vũ Trọng Phụng

02/01/2009 10:46 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Kỹ nghệ lấy Tây in lần đầu tiên trên báo Nhật tân năm 1934, là một tác phẩm phóng sự văn học rất nổi tiếng của nhà văn - nhà báo Vũ Trọng Phụng (1912-1939). Nhân dịp 70 năm ngày mất của nhà văn, Kịch Phú Nhuận đã chuyển thể tác phẩm thành kịch nói (KB: Lê Chí Trung, ĐD: NSƯT Hồng Vân - Minh Hoàng), suất diễn mở màn vào lúc 20h30 đêm 27/12/2008 vừa rồi, và đây là vở Tết của sân khấu này. Vở diễn có 3 điểm đáng lưu ý vì nó khác với tác phẩm phóng sự gốc.

Từ khát vọng lấy chồng An Nam

Như tinh thần ở thiên phóng sự, đa phần các nhân vật trong vở kịch đều giống như nhân vật do Vũ Trọng Phụng xây dựng nên. Câu chuyện xoay quanh hai cái động đĩ ở làng và cũng là cái đồn Thị Cầu, đúng hơn là hai tụ điểm tạo nên khái niệm “kỹ nghệ lấy Tây”. Tụ điểm của bà Ách (trong phóng sự là Ách Nhoáng) do Hồng Vân thủ vai, khá chanh chua và giá cắt cổ; tụ điểm của bà Chóp (trong phóng sự là Đội Chóp) do Xuân Hương thủ vai, có vẻ ôn hòa, giá phải chăng và “từ thiện” hơn.
 
Một cảnh trong Kỹ nghệ lấy Tây

Ở cái làng này, như lời của bà Ách, chẳng có ai còn trinh, chẳng có người đàn bà nào dưới 2-3 đời chồng… Tây. Nhìn cảnh các phụ nữ trẻ ở cái làng này cũng đủ biết: Kiểm Lâm (Trịnh Kim Chi) có 6 đứa con mà mỗi đứa một màu da; Ái (Mai Phương) thì bạ ai cũng cho ngủ chung; Duyên (Thúy Nga) xấu ma chê quỷ hờn mà cũng thành “bà hoàng”, Suzanne (Lan Phương) là con bà Ách giàu có, quyền lực, học trường Tây ở Hà Nội nhưng lại gặp trục trặc về tâm lý, không còn tin vào sự tốt đẹp của cuộc sống… Nói chung, cả một làng, từ phụ nữ già đến trẻ đều làm me Tây, nên bóng dáng người đàn ông An Nam trở nên xa lạ, và trở thành sự khao khát, ai cũng muốn lệ thuộc, muốn vồ vập, muốn được gần gũi, yêu thương với một người đàn ông người Việt.

Sống với Tây vì mưu sinh, vì hoàn cảnh, nhưng khát khao lấy chồng An Nam, có thể nói đây là thông điệp của phần 1 vở diễn. Và đây cũng là điểm khác biệt đầu tiên, nếu so với tác phẩm gốc. Ngay một người chồng hung dữ như Bond (Minh Nhí) cũng đã bị Duyên (Thúy Nga) làm cho “mèm nhũn” và phải cắp quà đi theo về quê. Trong cái nhìn về những người làm me Tây, từ Vũ Trọng Phụng (vốn đã cấp tiến) đến vở kịch này lại thêm phần thông cảm, bênh vực, nhấn mạnh vào yếu tố nghề nghiệp và cả chuyện được bảo vệ bởi pháp luật.

Đến bi kịch của đứa con của me Tây

Tuy nhiên, dù me Tây có thành một cái nghề hay không, thì vở kịch đã giải quyết khá gọn gàng và hợp lý. Vấn đề còn lại là tâm lý và sự mặc cảm của những con người sống ở cái làng Thị Cầu đó ra sao? Bên trong cái vẻ phớt lờ, lạnh lùng và hơi kiêu hãnh kia là sự dằn vặt, nhiều lúc nhục nhã, phải tìm quên trong tiếng chuông nhà chùa, nương nhờ chuyện chay ma, làm từ thiện…

Ở chương 5 của phóng sự Kỹ nghệ lấy Tây, Vũ Trọng Phụng viết về tâm sự của Suzanne như sau: “… Cảnh ngộ tôi thật khó nghĩ. Lấy Tây ngộ nhỡ phải theo chồng về bên... mẫu quốc thì để rồi mẹ già chết đói bên này hay sao? Lấy một người chồng An Nam... Cũng khó lắm. Hạng người dám có gan hỏi tôi chẳng hạn thì không chắc đã được gia đình công nhận hẳn cho cái việc người ta làm. Nếu còn bị điều nọ tiếng kia thì khó chịu lắm...”. Đây là tâm sự chính và là nội dung trọng yếu của phần 2 vở diễn, lấy một chi tiết trong phóng sự để khắc họa thành một vấn đề lớn trong vở diễn. Suzanne là nhân vật được tác giả cùng đạo diễn khắc họa và gởi gắm nhiều nhất, khi “biến” cô từ một nhân vật bình thường trong phóng sự thành nhân vật có lý do trên sân khấu.
 
Hồng Vân, Thúy Nga, Minh Nhí trong vở Kỹ nghệ lấy Tây

Chính cái “lý do” trên đạo diễn mới “gọi tên” được Vũ Trọng Phụng - vốn là một tên tuổi lớn và có thể gây nhiều tò mò cho khán giả. Suzanne yêu Vũ Trọng Phụng (Bình Minh thủ vai) - anh chàng An Nam tươm tất nhất - khi người viết nhật trình này về làng để viết phóng sự. Đây là chi tiết sáng tạo thứ ba, tiếp nối với hai nhân vật phụ do Minh Nhí và Thúy Nga thủ vai, vốn cũng được hư cấu. Nói thẳng thắn thì Bình Minh đã không đủ kiến văn để lột tả được tính cách và tài năng của Vũ Trọng Phụng. Dù trong vở diễn, đây chỉ là nhân vật phụ, nhưng chính tình yêu của họ Vũ với Suzanne - nếu diễn đạt tốt - sẽ làm cho mặc cảm về đứa con me Tây thêm nổi bật. Cách ăn mặc và điệu bộ của Bình Minh cũng “lạc rơ”, vì quá sang trọng, khi thực tế là Vũ Trọng Phụng quá nghèo khổ nên chết do bệnh ho lao ở tuổi 27.

Cái nền của vở này là một câu chuyện bi, nhiều chất châm biếm, nhưng vì diễn Tết, nên đạo diễn đã gia cố thêm để vở này đậm chất hài hước. Vở kịch kết thúc khi Suzanne lòng tràn ngập hoài nghi và tâm trí bấn loạn. Như là một tác phẩm phái sinh từ phóng sự, trừ nhân vật Vũ Trọng Phụng còn khá lạc lõng, nói chung đây là một vở kịch đáng xem trong mùa Tết này.
 
Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm