30/11/2014 08:11 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Tại Thụy Sĩ, người ta đang lên kế hoạch bảo vệ sự giàu có của đất nước, thông qua việc đầu tư mua vàng. Rất nhiều vàng.
Trong một phép thử để kiểm tra nhận thức của nhân dân về an ninh tài chính, giới chức Thụy Sĩ đang kêu gọi các cử tri tham gia bỏ phiếu về một đề xuất sẽ khiến ngân hàng trung ương phải giữ 1/5 lượng tiền dự trữ dưới dạng vàng khối, trong vòng 5 năm tới.
Đề xuất lóng lánh sắc vàng
Đảng Nhân dân Thụy Sĩ theo đường lối dân tộc chủ nghĩa - cũng là đảng chính trị lớn nhất nước - là nơi đưa ra đề xuất mang tên "Cứu vớt vàng Thụy Sĩ của chúng ta". Theo đảng này, việc tích trữ vàng sẽ khôi phục sự tin tưởng của công chúng vào Ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ (SNB) và đồng nội tệ.
Nếu đề xuất này nhận được sự ủng hộ của đa số cử tri trong cuộc bỏ phiếu diễn ra hôm nay (30/11), SNB sẽ phải bỏ tiền ra mua khoảng 1.500 tới 1.650 tấn vàng. SNB cũng bị cấm không được bán bất kỳ thanh vàng nào. Tất cả số vàng mua sẽ được đưa về đất Thụy Sĩ và cất vào kho chứa an toàn.
Mặc dù Thụy Sĩ nằm trong nhóm các quốc gia giàu nhất thế giới, đề xuất vẫn cho rằng việc sở hữu vàng miếng và cất chúng trong kho sẽ giúp bảo vệ tài sản của đất nước khỏi việc bị thị trường thế giới gây ảnh hưởng. Đây là đòn đánh trúng nỗi lo lắng của người dân Thụy Sĩ, những người vẫn còn nhớ trải nghiệm cay đắng trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, đã khiến nhiều ngân hàng rơi vào cảnh vỡ nợ.
Như trò đùa với lửa
Tuy nhiên không phải ai cũng thích thú trước đề xuất của Đảng Nhân dân. Jacques Mayor, một kế toán ở Geneva, cho biết ông rất lo lắng trước ý tưởng Thụy Sĩ sẽ mua hoặc bán một lượng vàng lớn từ thị trường quốc tế. "Lần cuối cùng thiên hạ bán vàng, chúng tôi đã lỗ nặng" - Mayor nói, có ý liên hệ tới việc SNB đã lỗ 10 tỷ USD vì giá vàng sụt giảm mạnh hồi năm 2013.
Bất chấp việc nhiều người cho rằng giá trị của vàng luôn được bảo vệ, bởi nó là một mặt hàng vật chất, giá vàng thực tế biến động rất mạnh. Vàng thường chỉ được giới đầu cơ tích trữ, xem là nơi trú ẩn an toàn trong thời buổi khủng hoảng kinh tế. Nhưng gần đây vàng đã mất đi ánh hào quang quanh nó. Giá vàng đã tụt mất 11% giá trị kể từ mùa Hè, rơi xuống chỉ còn 1.200 USD/ounce.
Công ty thăm dò gfs.bern của Thụy Sĩ thấy rằng đề xuất này sẽ có nhiều khả năng thất bại, do chỉ 38% người Thụy Sĩ ủng hộ nó. Tuy nhiên các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng Thụy Sĩ sẽ gật đầu. "Phản ứng ban đầu của thị trường với câu trả lời "có" từ phía Thụy Sĩ sẽ là giá vàng tăng vọt, với tiềm năng tăng tới 50 USD/ounce" - Carsten Fritsch, một chuyên gia phân tích hàng hóa tại ngân hàng Commerzbank đánh giá.
Tác động lâu dài hơn sẽ tiếp diễn trong nhiều tháng sau đó, khi giới buôn vàng toàn cầu biết rằng SNB đang tích cực mua vào nên thi nhau hét giá. "Quyết định của Thụy Sĩ sẽ khiến vàng tăng giá trong nhiều năm" - Fritsch dự đoán một cách lạc quan.
Nguy cơ méo mặt vì vàng
Cho tới năm 1973, Thụy Sĩ vẫn là thành viên của hệ thống Bretton Woods, tại đó tỷ giá hối đoái và giá trị đồng franc Thụy Sĩ được xác định dựa trên số gram vàng. Nhưng SNB bị chỉ trích nặng nề vì lưu trữ quá nhiều vàng, thứ tài sản không mang lại nhiều lợi nhuận.
Sau khi rời khỏi hệ thống này, SNB được phép tự do lựa chọn sử dụng các hình thức tài chính khác bên cạnh vàng cho hoạt động dự trữ tài chính.
Mặc dù vậy, Fritz Zurbruegg, thành viên ban điều hành SNB, cho biết, Thụy Sĩ vẫn đang nắm rất nhiều vàng trong kho dự trữ. "Với tỷ lệ 125 gram/ mỗi người dân, người Thụy Sĩ đang có tỷ lệ vàng trên bình quân đầu người cao nhất thế giới, gấp 3 lần Đức và 4 lần Mỹ" - ông nói tại một cuộc họp báo vào tuần trước.
Nếu đề xuất mua vàng được thông qua, SNB sẽ phải tăng mạnh lượng vàng dự trữ so với mức hiện nay là 1.040 tấn, tức chỉ 8% so với tổng lượng dự trữ tài chính lên tới 532 tỷ USD. Nâng mức dự trữ lên 20% sẽ khiến Thụy Sĩ phải mua vàng số vàng trị giá 60 tỷ USD theo thời giá hiện nay.
Đó là còn chưa tính tới chi phí phụ trội từ việc đưa vàng Thụy Sĩ gửi ở khắp nơi trên thế giới về nước. Hiện khoảng 30% vàng của SNB đang được giữ ở Anh, Canada. Các ngân hàng châu Âu có truyền thống lưu trữ một phần vàng của họ trong kho của đồng minh, đề phòng chiến tranh nổ ra trong châu lục. Cơn sốt mua vàng cũng sẽ gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế Thụy Sĩ, do SNB phải bơm tiền mua vàng và không thể xử lý tình trạng đồng franc mạnh, vốn gây hại tới xuất khẩu và du lịch.
Zurbruegg đánh giá rằng đề xuất mua vàng vì thế sẽ chỉ gây hại cho nền kinh tế, trong khi lợi ích mà nó mang lại thì rất đáng ngờ. "Việc vàng không được bán trong thời khủng hoảng sẽ khiến nó không còn đáp ứng định nghĩa về sự dự trữ và vì thế cũng chẳng giúp đảm bảo chút an ninh nào cả" - ông nói.
Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất