Vẫn còn “kho báu” 50 sử thi chưa kể?

01/02/2010 15:32 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Trong số những người còn hát kể được Ot Ndrông - sử thi của người M’Nông ở Tây Nguyên có độ dài lớn vào bậc nhất thế giới - thì anh em Điểu K’lứt, Điểu Kâu và Điểu K’Lung là những người lưu giữ được Ot Ndrông nhiều nhất.

Trong số anh em của mình, Điểu K’Lung được xem là kho báu Ot Ndrông vì ông còn thuộc hơn 120 bài Ot Ndrông. Năm nay ông đã bước sang tuổi 80, cái tuổi “gần đất xa trời” và thời gian đang làm ông mắt mờ, tóc bạc, chân yếu… Không biết bao lâu nữa, ông sẽ mang theo những bộ sử thi hiện còn trong trí nhớ (theo lời ông là tới 50 bộ) về với bến nước ông bà.


Kho báu Ot Ndrông

Chúng tôi về đến nhà ông Điểu K’Lung (ở Buôn Tula, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) thì đã xế chiều. Hiện ra trước mắt chúng tôi là hình ảnh căn nhà dài xiêu vẹo nằm hiu hắt bên ngôi trường THCS Nguyễn Du và một ông già chân tay còn lấm lem bùn đất. Ông Điểu K’Lung đang loay hoay cột bao cà phê lên chiếc xe đạp cọc cạch cho đứa con nhỏ đem ra đại lý bán để mua gạo và thức ăn buổi tối cho cả nhà.

Để giải thích sự ngạc nhiên của mấy người khách lạ, ông vội nói: “Già rồi nhưng tôi vẫn phải lên nương, lên rẫy mấy chú ạ! Cả nhà này chỉ trông vào mình già làm việc mà thôi”. Rồi bàn tay gầy guộc của ông dắt chúng tôi vào nhà. Trong ngôi nhà Điểu K’Lung, ngoài mấy tấm bằng khen và những cuốn sử thi M’Nông thì không có cái gì đáng giá. Giường chiếu ọp ẹp, bàn ghế xiêu vẹo... trông đến tàn tạ. Trải tấm chiếu rách xuống nhà, mắt xa xa về phía mấy ngọn núi và ông nhớ lại thời thơ ấu.


Nghệ nhân Điểu K’Lung còn 50 bộ sử thi chưa kể

Điểu K’Lung sinh năm 1931 tại xã Quảng Trực, huyện Đắc R’Lấp (Đắc Nông), vùng đất có nhiều nghệ nhân thuộc sử thi M’Nông như: Điểu Pi Ắt, Điểu Kuh, Điểu K’Lứt, Thị Doanh... Ngày ấy, bố mẹ của ông giàu nhất trong buôn. Trong nhà ông có 50 con trâu, 20 con heo và 5 sào ruộng trồng lúa nước. Hồi đó, bố K’Lung là người thuộc nhiều sử thi M’Nông nhất trong số các anh em. Từ thuở nhỏ, Điểu K’Lung rất yêu thích Ot Ndrông và rất muốn được bố truyền lại Ot Ndrông cho mình. Nhưng vì lý do riêng, mà bố K’Lung đã không truyền lại Ot Ndrông cho ông (mà chỉ truyền lại cho người con thứ ba đã mất). Khi bố truyền lại Ot Ndrông cho người anh thứ 3 (Điểu K’Lung là em út, trong gia đình ông có 4 anh em là Điểu K’Lứt, Điểu Kâu, một người anh đã mất từ nhỏ và Điểu K’Lung) ở trên rừng, ông đã đi theo nghe và trong đầu ông đã “dính” Ot Ndrông từ đó.

Trước thông tin là còn “kho báu” 50 bộ sử thi chưa ghi âm trong trí nhớ của Điểu K’Lung, một số nhà nghiên cứu sử thi tỏ ý rất ngạc nhiên và dự kiến sẽ gặp lại Điểu K’Lung để tìm hiểu “kho báu” này.

Đã bước sang tuổi 80, qua ba đời vợ và những thăng trầm cuộc sống, Điểu K’Lung bây giờ tuy đã yếu lắm rồi nhưng ông vẫn còn hát được hơn 120 Ot Ndrông. Đồng bào M’Nông thường ví ông là kho báu Ot Ndrông, hiện giờ và cả sau này, bởi ông vẫn là người hát kể Ot Ndrông nhiều nhất của người M’Nông.


50 Ot Ndrông chưa kể đi về đâu?

Điểu K’Lung tham gia sưu tầm Ot Ndrông từ năm 1995, khi Sở Văn hóa và Thể thao Đắk Lắk (cũ) và Viện Nghiên cứu văn hóa (trực thuộc Viện Khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam) thực hiện dự án “Điều tra, sưu tầm, biên dịch, xuất bản và bảo quản kho tàng sử thi Tây Nguyên”. Phần lớn những tác phẩm sử thi M’Nông sưu tầm được là do Điểu K’Lung hát kể và ghi âm lại. Những bài Ot Ndrông ông hát có độ dài ít nhất là 5 băng và nhiều nhất là 25 băng cassette (90 phút/băng) như bài Chàng Tiăng bán tượng gỗ: liên tục trong 6 ngày, 6 đêm, K’Lung cứ miệt mài “ot” và các nhà nghiên cứu miệt mài nghe, thâu băng. Ông Trương Bi nhớ lại: “Có lúc chúng tôi mải nghe quá nên băng hết lúc nào không biết. Mọi người bảo K’Lung vừa hát vừa nghỉ nhưng ông không chịu và ông chỉ nghỉ uống nước rồi ot tiếp”.

Từ năm 1995 - 2005, ông đã hát kể cho các nhà nghiên cứu như: Đỗ Hồng Kỳ, Ngô Đức Thịnh, Trương Bi... ghi băng 90 bài Ot Ndrông. Có bài Ot Ndrông đồ sộ đã được Điểu Kâu biên dịch sang tiếng Việt và xuất bản như: “Chàng Tiăng bán tượng gỗ” dài 4.113 câu thơ; Cướp chiêng cổ bon Tiăng dài 12.983 câu văn vần;  Cướp ché quý bon Tiăng; Cướp vợ của Tiăng; Cướp em của Tiăng; Cướp cô gái trẻ bon Tiăng... Có những bài được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam xét tặng giải thưởng như: Lêng Kon Rung bị bắt cóc bán, Cướp máy kéo chỉ của Ndu Kon Măch và Tiăng bán tượng gỗ. Năm 2003, Điểu KLung được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao Bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian và tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp văn học dân gian.

Sau khi hát kể cho các nhà nghiên cứu, ông lấy số tiền Nhà nước trả khi thâu băng (150.000đ/băng) mua đất và mua rẫy cho mình ở Buôn Tula, còn lại bao nhiêu thì mua cho mẹ vợ, con vợ trước. Điểu K’Lung trở lại cuộc sống đời thường của người M’Nông và ngày ngày lên rẫy lao động nuôi vợ con vì hai đứa con của ông với người vợ thứ ba còn nhỏ. Từ khi ông không còn hát kể Ot Ndrông nữa, cuộc sống gia đình ông rất khó khăn và mỗi dịp ra giêng lại đói ăn. Còn 50 bài Ot Ndrông chưa hát kể, ông cẩn thận ghi tên vào quyển tập học trò bằng tiếng M’Nông vì ngày trước ông tự học tiếng Việt và chỉ viết được tiếng Việt không dấu. Ngoài Điểu K’Lung, hiện nay người M’Nông không có ai hát kể được 50 bài Ot Ndrông này nữa.

Trước khi chia tay chúng tôi, Điểu K’Lung trăn trở: “Mình tuổi già sức yếu rồi, không biết bao lâu nữa sẽ về bến nước ông bà. Mình chỉ sợ đến lúc đó 50 bài Ot Ndrông này cũng sẽ theo mình về bến nước ông bà và con cháu M’Nông sẽ không ai được nghe chúng”. Nếu điều đó xảy ra, không chỉ riêng gì con cháu ông sẽ không nghe được 50 sử thi đó mà đất nước cũng sẽ mất đi một phần quý giá của kho tàng sử thi Tây Nguyên khi ông về “bến nước ông bà”...

Ot Ndrông là hát kể chuyện xưa của người M’Nông, trong tiếng M’Nông, “ót” là hát kéo dài mãi không hết, “Ndrông” nghĩa đen là tên một loại cây có thể se vỏ làm dây thừng cột voi và nghĩa bóng là những câu chuyện xa xưa. Ot Ndrông của người M’Nông chỉ mới được phát hiện trong vòng 15 -20 năm trở lại đây và một trong những bộ sử thi này có độ dài lớn nhất thế giới.


Anh Đức - Trần Hoan

Bài 2: Điểu Thị Mai: Cô con gái nối nghiệp sử thi của cha

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm