Kỳ II: Phô diễn vẻ đẹp và "hộ chiếu" văn hóa

05/07/2012 18:11 GMT+7


(TT&VH) - Văn hóa được thể hiện qua lối đá, cách ứng xử của cầu thủ trên sân, trước và sau trận đấu. Khi đến đấu trường quốc tế, mỗi cầu thủ không chỉ có hộ chiếu nhân thân, mà còn có hộ chiếu văn hóa.

Tiếp theo Kỳ I: Sức quyến rũ của bất ngờ

1. Tây Ban Nha (TBN) vô địch châu Âu 1964 và 2008 (giải đấu diễn ra trên quê hương A.Mozart và xứ sở đồng hồ), lại ghi dấu bất ngờ khi giương cao cúp vô địch EURO 2012, trong khi vẫn đương kim vô địch thế giới. Vòng nguyệt quế được trao cho các cầu thủ tài năng đến từ một nền văn hóa đáng nể, có đại văn hào M.Cervantes.



Nước mắt hay nụ cười cổ động viên trên sân đều làm nên cái đẹp của bóng đá.

Rượu lênh loang những mắt cười, miệng cười, chứa tình bất tận vang bài ca “Victoire” không phải bao giờ đơn độc như Don Quixote đánh cối xay gió.  Đội trưởng, ngôi sao của ĐT là nhạc trưởng điều tiết trận bóng. Song không ai có thể đặt được lộ trình trận đấu. Điều người ta rất chờ, có thể lại không đến; và cái không tưởng lại thành hiện thực. Bất ngờ là sức hấp dẫn muôn thưở của bóng đá (BĐ). Dù được hay thua, chứng kiến những cú sút “thủng lưới” thật tuyệt.

Từ thời trai trẻ du học Rumanie, đá trong đội bóng trường ĐHTH Bucarest bằng vai trò tiền vệ, tới bây giờ, khi thường là người cao tuổi nhất trong các trận đấu giao hữu, ở vị trí tiền đạo, tôi vẫn say mê kiến tạo, sút những cú quyết định thắng bại, ấn định tỷ số. Tôi hiểu được cảm giác của “người hùng sân cỏ”. Sút tung lưới đối thủ, ta lâng lâng không trọng lượng. Nếu đó là bàn thắng có tính quyết định, thì sự hưng phấn tột cùng, người như không chạm đất, không ở trên mặt đất.

Văn hoá được thể hiện qua lối đá, cách ứng xử của cầu thủ trên sân, trước và sau trận đấu. Khi đến đấu trường quốc tế, mỗi cầu thủ không chỉ có hộ chiếu nhân thân, mà còn có hộ chiếu văn hóa. “Màu cờ sắc áo”, quốc thể, không chỉ ở kết quả, vị trí sau giải đấu, qua nhiều vòng chỉ chọn ra 1 vô địch. “Màu cờ sắc áo”, quốc thể là sự bộc lộ, phô diễn của các nhân tố VĐV, HLV, CĐV. Các VĐV đem hình ảnh đất nước ra thế giới. Tính cách dân tộc, đặc tính văn hóa phản ảnh nhiều qua phong cách thể thao đặc thù. Lãng mạn, hào hoa, bay bổng, sắt đá, rắn rỏi, lạnh lùng, thô ráp, tinh tế… những biểu hiện của các đội bóng không cần liệt kê, mỗi chúng ta cũng có thể “điền tên” khi nó gắn với những đội bóng hàng đầu mà qua nhiều thời kỳ, nhiều đời HLV, cầu thủ vẫn kế truyền, tiếp nối.

Màu cờ sắc áo, mỗi quốc gia theo các CĐV đi/ dõi theo cổ vũ. Ngôn ngữ, âm nhạc, thời trang của mỗi nước thể hiện qua những công dân sôi động, nhiệt thành và cuồng náo. Đâu chỉ quần áo, mũ, ô mang sắc cờ, cờ đã ở trong tim mỗi CĐV khi họ cùng cả nước mình, ĐT của mình hát quốc ca. Và những CĐV khắp thế giới của ĐT ấy cùng “link” cảm xúc thiêng liêng, tự hào về nhau, cho nhau sự khát vọng hoà bình bao trùm.

Bom súng, những giao tranh, thù hận như lắng lại vào mùa bóng. BĐ chuyên nghiệp đỉnh cao đề cao sự cao thượng, Fair play trong đối kháng, quyết đấu. Những khoảnh khắc vàng không chỉ là khoảnh khắc của người thắng mà còn của kẻ bại. Croatia thua tức tưởi do phán quyết của trọng tài, vẫn được nhớ. Cận cảnh ký ức. Quay chậm nước mắt hân hoan sung sướng lăn qua lá cờ vẽ trên má. Ký ức trĩu buồn giọt lệ tiếc đau ứa qua lá cờ trên má. Hạnh phúc và bi kịch giao lưu trong SVĐ. Khi chiếc cúp 60cm nặng 8kg giơ lên từ tay mỗi cầu thủ TBN, họ hôn nó, khóc cười vì nó, thì EURO 2012 không chỉ ở Olympisky, nơi hội tụ 6 vạn trái tim mà “sức chứa” của nó là 6 tỷ con người không thể thờ ơ.

Phút cuối của ngày 30/6 dài 61 giây. Các nhà thời gian học đã cộng 1 giây “nhuận” để bù cho hành trình trái đất quay quanh trục chính nó. 300.000km trôi qua trong 1 giây, ánh sáng “bay” 300.000km/giây. Chúng ta thèm có thêm nhiều giây để được sống, được có thêm những khoảnh khắc thổn thức cùng bóng đá mê hoặc.

Nghệ sĩ là những người làm nên cái đẹp bằng nghệ thuật. Các cầu thủ chơi đẹp, đá đẹp cũng là những nghệ sĩ sân cỏ, bởi sức sáng tạo, tài năng làm nên nghệ thuật BĐ, nâng BĐ lên hàng nghệ thuật.

2. Bởi thế, giải BĐ châu Âu và thế giới là cuộc xuất trình quy mô lớn của hàng trăm “hộ chiếu văn hóa”, từ nhiều đội bóng. 2.800 phút bóng lăn trên sân là những dịch chuyển, đường chuyền, đường bay của cái đẹp. Bóng đá không phải cuộc chơi cơ bắp. Nơi đó chưng cất, lưu nguyên vinh quang, không quên tôn trọng người thất trận, cái đẹp của bi kịch, đau đớn, thất vọng. Văng tục, nhổ nước bọt, ẩu đá, cử chỉ tục tĩu… là cầu thủ bôi đen, xé bỏ đi hộ chiếu văn hóa của mình.

Cái đẹp của BĐ còn là cái đẹp của sự bày tỏ, thể hiện của các CĐV trong và ngoài SVĐ. Cái đẹp đọng lại nhất là sự trình diễn, cống hiến của các ngôi sao.

Văn hóa BĐ được nhìn nhận qua lối chơi đúng luật, quyết tâm chiến thắng và cũng chấp nhận thất bại, không cay cú ăn thua, ngáng chân, kéo đẩy, xô đạp gây chấn thương, tung đòn thủ hủy diệt đối thủ. Mỗi cầu thủ ra trường đấu là đại diện nền thể thao, đồng thời là sứ giả của nền văn hóa nước họ. Những hành động phản cảm, phản văn hóa không chỉ làm tổn hại danh dự của chính cầu thủ, CĐV nước ấy, mà còn làm hoen hình ảnh, ấn tượng về nước ấy trước mắt bạn bè quốc tế.

Khi trái bóng được phát ra, chuyền khắp sân, là truyền nhiều hồi hộp, lo âu, chờ đợi, hoan hỉ, tức bực, chán nản, căng thẳng, vui mừng. Bóng lăn trên cỏ, là lăn trên tầng triết mỹ. Bóng bay trong cầu trường, xoáy đường bay của cái đẹp và mơ ước. Cầu trường không chỉ là không gian SVĐ. Đó chính là một thế giới thu nhỏ của thế giới hiện hữu. Từ những cặp chân sút, bóng vút đam mê truyền cảm muôn vàn đắm say cuồng nhiệt.

3. Đã đến Pháp 3 lần, lần gần nhất là 2009, tôi chờ ngày trở lại Pháp, vào EURO 2016. Tôi sẽ bay tới kinh đô Ánh sáng cùng hàng triệu người trong từng giây ánh sáng. M. Platini, cầu thủ đã đưa Pháp vô địch EURO 1984, chủ tịch đương nhiệm UEFA gây dựng sinh khí mới cho bóng đá châu Âu đương đại bằng ý tưởng cách tân. Ông đưa ra sáng kiến EURO 2020 sẽ tổ chức tại 12 thành phố trên nhiều quốc gia, thành ngày hội thực sự của châu Âu. Sự cộng cảm niềm vui, khao khát được nhân lên từ châu Âu không biên giới, ra khắp thế giới!

Quan sát, học hỏi từ các giải đấu lớn, bóng đá Việt Nam không chỉ được thưởng ngoạn, tiếp thu những pha bóng hay, kỹ thuật điêu luyện, trận cầu lẫm liệt mà còn rút ra được nhiều bài học bổ ích, trước hết là tính chuyên nghiệp, những bài học sâu sắc, cần thấm vào mỗi cầu thủ, mỗi nhà lãnh đạo của LĐBĐ các cấp.

Cải tổ bóng đá Việt Nam từ đào tạo cầu thủ lúc niên thiếu, không chỉ là kỹ thuật, khả năng thi đấu mà còn nâng cấp trình độ, bản lĩnh văn hóa được giáo dục và bồi đắp về đạo đức. Những giả tạo, lừa dối, tráo trở, thiếu minh bạch đi ngược lại cái đẹp của văn hóa nghệ thuật - thể thao - các phạm trù vẫn liên kết, ảnh hưởng và hợp quang giá trị thời đại. Cầu thủ VN, hơn lúc nào hết, cần gia tăng giá trị “hộ chiếu văn hóa” để cải thiện tình trạng của chính mình, thay đổi, phát triển ĐTQG lên một vị trí sáng hơn, trước hết ở khu vực Đông Nam Á.

***

EURO 2012 là cuộc trình diễn vẻ đẹp để vươn tới cái đẹp toàn mỹ mà mỗi cầu thủ, với “hộ chiếu văn hóa” đã tặng cho chúng ta những chiếc thẻ để “mở” tiếp vào khát khao đang có và sắp tới.

BĐ mãi mãi có sức quyến rũ con người ở hành tinh này bởi sự diệu kỳ vô biên từ trái bóng tích hợp điện trường của những tâm hồn khao khát vô cùng.

Hồ Quang Lợi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm