Kỳ 4 & hết: Tranh khỏa thân - gian nan đường đến với công chúng

26/02/2010 14:27 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Trong thời gian qua, việc các triển lãm của Trần Huy Hoan, Nguyễn Kim Hoàng, Thái Phiên và Nguyễn Kim Đính ở Huế gặp trục trặc với chuyện trưng bày, một lần nữa cho thấy sự bối rối của cả nghệ sĩ, công chúng và các nhà quản lý đối với đề tài khỏa thân.

Hoạ sĩ Đặng Mậu Tựu (Chủ tịch Hội LHVHNT Thừa Thiên - Huế) từng tâm sự trên TT&VH: “Tôi là họa sĩ, cũng đã từng vẽ nude. Tuy nhiên, chỉ dám treo tranh trong phòng riêng. Bản thân tôi cũng sợ những cái nhìn còn lệch lạc với tranh nude, mặc dù trong thực tế chưa có điều lệ nào cấm đoán đề tài khỏa thân. Tôi nghĩ, chúng ta đang ở trong tư thế hội nhập thế giới nên cần phải có cái nhìn khách quan hơn với tranh nude. Hãy để công chúng bày tỏ thái độ trước tác phẩm như một cách thẩm định khách quan và công bằng nhất”.


Tác phẩm Khỏa thân trăng tròn, 80x100cm, sơn dầu, 11/2000, của Bửu Chỉ.
Giảng viên hình họa Nguyễn Thị Bảo Ngọc thì nhận xét: “Về triển lãm tranh ảnh nude hiện nay còn gặp nhiều khó khăn từ phía cơ quan quản lý, thẩm định, bởi vì ranh giới mong manh giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật, cần có được độ dày chuyên môn . Tôi cho đó là một việc làm khó và mệt mỏi vì chúng ta vẫn phần nào ảnh hưởng nền văn hóa Đông phương, cả người làm nghệ thuật và thẩm định nghệ thuật đều như làm xiếc trên những lằn ranh”.

Có một họa sĩ nói vui: Nguồn gốc của việc cấm trưng bày tranh khỏa thân là do khoa hình họa - “linh hồn” của trường mỹ thuật. Vì với khoa này, kỹ thuật giải phẫu hình thể giữ vai trò quan yếu trong việc đào tạo. Sinh viên mỹ thuật phải bỏ phần lớn thời gian học tập để rèn luyện việc vẽ với mẫu khỏa thân, thế nhưng kết quả thì những tác phẩm khỏa thân vẫn chưa có đủ “đất sống”. Từ thực tế ứng xử với thể loại tranh, ảnh khỏa thân, trong giới họa sĩ từng đặt ra câu hỏi là có nên xem lại việc vẽ mẫu nude ở trường mỹ thuật? Vì việc học bài bản môn hình họa thường hay “xúi giục” họa sĩ vẽ khỏa thân, mà vẽ thể loại này thì lại dễ bị xem là “nhạy cảm”.

Lý do của sự dè dặt với thể loại tranh, ảnh khỏa thân thường rơi vào hai khía cạnh khá mơ hồ: “Chất lượng nghệ thuật chưa cao”, hoặc “tác phẩm không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam”. Tuy nhiên, sự thắc mắc thường đặt ra là dựa vào tiêu chí và chuyên môn nào để đánh giá, thẩm định? Nếu các tiêu chí được đề ra rõ ràng, cụ thể, các khái niệm như thuần phong mỹ tục được cắt nghĩa rõ ràng thì mọi ý kiến trái chiều sẽ rất dễ để giải quyết.

Với thực tế của nền mỹ thuật đang vươn ra quốc tế như Việt Nam, việc tiếp thu, giao lưu với các trào lưu, trường phái mới là đương nhiên. Chính điều này sẽ tác động ngược tới các quan niệm quá dè dặt với thể loại khỏa thân. Có như vậy thể loại này mới có chỗ đứng tương xứng với thế mạnh của nó trong sáng tác của nghệ sĩ cũng như trong đời sống mỹ thuật.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm