Kỳ 2: Sống và chết theo con thuyền

26/06/2011 14:33 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - LTS: Tiếp theo “một nét phác” về Văn minh vật chất của người Việt bắt đầu từ kỳ này, họa sĩ, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng sẽ đi vào từng khía cạnh một của đời sống vật chất người Việt, mà như ông nói là “phong phú, không thua kém bất cứ dân tộc giàu có nào”.

1. Hiện người Việt Nam sống chủ yếu định cư trong các làng mạc và thành phố, nhưng có lẽ vào một thời rất xa họ sống phần nhiều trên mặt nước, do vậy khác hẳn với các dân tộc khác, gọi quốc gia của mình là nước.


Thuyền đi biển ở Thanh Hóa (hiện vật của Bảo tàng Dân tộc học VN)

Con thuyền gia đình này làm tôi nhớ đến con thuyền Việt Khê, một di chỉ khảo cổ thời Đông Sơn đào được ở Hải Phòng. Đó là một mộ thuyền dài hơn 5m, giữa thuyền có bộ xương của người đàn ông khá tầm vóc, còn xung quanh chất hơn một trăm món đồ tùy táng: trống minh khí, vạc, nồi, thố, dao găm, kiếm, mũi giáo, rìu các loại và đồ trang sức. Con thuyền được làm nguyên từ một cây gỗ lớn đốt lòng, có thể vượt biển, và những đồ tùy táng nói lên chủ nhân của nó có lẽ là một tù trưởng giàu có, một chiến binh chuyên nghiệp, khi chết người ta chôn theo những tài sản riêng của ông. So với những nhà thuyền mà tôi đã từng bước chân lên trong vài mươi năm qua không có cái nào giàu có như vậy.

Người Việt hiện tại những ai còn phải sống bằng thuyền đều là những người rất nghèo, nói theo cách nói của người xưa là họ không một mảnh đất cắm dùi. Đồ đạc và thiết bị gia đình đều ở mức tối thiểu, trẻ em không đi học, người lớn không giấy tờ tùy thân, và gần như không có gì để mất. Chòm xóm vạn chài mà họ sống cũng khá thanh bình, không có trộm cắp, rất hiếm khi cãi cọ, xô xát và cũng khá tự do khi lênh đênh trên mặt nước qua tỉnh này, tỉnh kia.

Có lẽ chủ nhân của những con thuyền Đông Sơn là một diện mạo khác, những người có con thuyền lớn có khả năng vượt biển, chiến đấu và ngang dọc giang hồ, cũng có thể họ có cả một đội quân giống như hạm đội, hàng trăm chiến thuyền cho một bộ lạc lớn, cư trú trên mặt đất bằng những nhà sàn và di chuyển trên sông nước bằng thuyền độc mộc có trang bị nhiều vũ khí đánh xa và đánh gần. Qua thời Đông Sơn những đội quân thuyền chiến như vậy tan rã dần, người Việt định cư trong các công xã nông thôn và sinh hoạt trên mặt đất nhiều hơn, nhưng đường thủy vẫn đóng vai trò quan trọng trong giao thông, ngay cả thời phong kiến.

2. Thực ra cho đến nay không ít ngư dân sông trên thuyền ở nhiều vùng ven biển và trên sông, cũng như cư dân sông bán thủy bán địa đồng bằng ngập nước sông Cửu Long, mà con thuyền chẳng khác nào ngôi nhà. Người ta canh tác thu lượm bằng thuyền, đi chợ búa bằng thuyền và có chợ nổi do nhiều thuyền họp lại, có cả những thuyền lớn như một cửa hàng di động và biểu diễn văn nghệ. Kỹ thuật đóng thuyền cũng hoàn hảo, lòng thuyền rộng, mũi và thân nổi cao, nội thất được bố trí tiện nghi như một ngôi nhà. Sinh hoạt trên mặt sông biển đã hình thành nhiều làng chài bố trí thành các bè nổi, đặc biệt khu vực vịnh Hạ Long. Tình trạng lấn chiếm biển bằng các nhà bè ảnh hưởng không ít đến môi truờng biển. Còn con cái ngư dân do sống dưới nước thường không được học hành và tiêm chủng, khiến nhiều địa phương cũng phải lập các trường học trên nhà bè. Con thuyền hiện tại do đóng ghép bằng gỗ rời nên tạo chiều ngang lòng thuyền rộng hơn, có thể cơ giới hóa phần nào, nhưng rõ ràng nó chỉ đạt mức sinh hoạt tối thiểu, còn lâu mới đạt được tính văn hóa và văn minh như con thuyền độc mộc Đông Sơn.



Cuộc trưng bày các tranh minh họa về “Văn minh vật chất người Việt” khai mạc chiều qua tại Đà Nẵn.

3. Nếu nhìn những hình ảnh con thuyền khắc trên thạp đồng Đào Thịnh và những trống đồng Đông Sơn, tuy khác nhau đôi chút qua từng đồ vật cụ thể, nhưng chúng cũng gần gũi với những con thuyền khảo cổ được chôn như những lăng mộ. Đó là những thuyền dài và cong lên ở hai đầu, lòng thuyền sâu có thể chở mười lăm hai mười người mà đa phần là chiến binh, có cả lâu thuyền, động vật mang theo như chó và chim lạc, thậm chí người ta còn tổ chức giết tù binh làm tế lễ trên thuyền. Chiến đấu trên thuyền thoạt tiên là đánh tầm xa, nên cung tên để bắn, mác để quăng, và dáo dài để lao là những vũ khí hàng đầu. Sau khi áp sát thuyền đối phương, thì dao găm, kiếm ngắn và đặc biệt là rìu với lực bổ rất khỏe vô cùng tác dụng. Khi có người chết, con thuyền lại trở thành chiếc quan tài hay ngôi mộ cho người chiến binh như lúc anh ta còn sống, nay sống ở cõi vĩnh hằng cũng cần có một con thuyền đưa rước linh hồn qua chín suối. Con thuyền chính là ngôi nhà của người Việt cổ, ngôi nhà cho cả lúc sống lẫn lúc chết.

Kỳ 3: Thuyền bè và xe cộ 

Phan Cẩm Thượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm