Kỳ 2 & hết: Kiêu hãnh làm người Việt Nam

24/08/2012 14:18 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Để gây dựng một nền văn hóa riêng cho dân tộc Việt Nam, giữ lấy Quốc hồn, Nguyễn Triệu Luật cho rằng trên lĩnh vực trí tuệ, học giới và giáo giới nước nhà phải phá bỏ cái “quái trạng” ngoại chủng hóa. Và cần có lòng kiêu hãnh làm người Việt Nam

Biểu hiện trầm trọng của "quái trạng" ngoại chủng hóa, theo Nguyễn Triệu Luật, đó là “Ở một nơi gọi là trí thức” thì một ông nhà nho phải toàn nói chữ, một ông Tây học phải trưng ra được dăm ba câu tiếng Pháp, một ông giáo dạy môn quốc văn cũng phải “tậm tọe” được dăm ba câu tiếng Pháp. Như thế mới được coi là giỏi, “bao giờ có khinh tiếng mẹ đẻ thì bấy giờ mới đứng đắn; bao giờ có ngoại chủng hóa mình đi được thì mới là sang, là nền! Người ta không có kiêu ngạo làm người Việt Nam bao giờ!”.

Dường như nhận xét này của Nguyễn Triệu Luật ngày nay cũng đang còn ý nghĩa thời sự. Tư tưởng vọng ngoại, tin người ngoài hơn tin người nhà, “bê vác nhặt nhạnh” nguyên xi cả những thứ độc hại thiên hạ đã vứt bỏ đem về làm gia bảo... cũng là hiện tượng ngày nay thường thấy trên rất nhiều lĩnh vực. Còn cái tinh thần “kiêu ngạo làm người Việt Nam” cũng lại đang là một vấn đề. Điều này chúng ta cũng đã từng có và từng mạnh mẽ đến mức trở thành một ảo tưởng. Nhưng hiện nay thì tình cảm này chưa biết thế nào! Có một điều cần được khẳng định là niềm tự hào và sự xấu hổ về chỗ yếu kém xấu xí của mình là hai điều không hề mâu thuẫn nhau.



Phố Nguyễn Triệu Luật tại TP.HCM     

* Ước mơ bộ SGK Việt 

Bổn phận” tiếp theo mà Nguyễn Triệu Luật đặt ra cho “cái trường của ta” là phải nâng cao trình độ cho “dân trí thức”.

Ông đề cập đến việc giữ gìn lối tư duy, phô diễn dân tộc, giữ gìn và phát triển ngôn ngữ dân tộc, do vậy phải chuẩn hóa chữ quốc ngữ, bao gồm những việc “điển chế hóa” chữ viết, mẹo viết và cải cách chữ quốc ngữ; kể cả việc lấy lại quốc hiệu là Lạc Việt, chuẩn hóa cách viết tên các dòng họ để “gây cho dân tộc ta một cái nguyên tắc tinh thần”.

Ông tin tưởng Việt ngữ “có đủ mềm mại, phong phú, đủ hoạt bát để diễn đủ các loại tư tưởng từ cái rất cao rất tinh vi đến cái rất uyển chuyển rất thông thường.” Có lẽ Nguyễn Triệu Luật là người rất sớm (sớm nhất?) đề xuất ý kiến các trường trong nước ta, từ Trung học tới Tiểu học, các môn khoa học, sử học, địa lý đều dạy bằng tiếng Việt hết; các loại sách thuộc loại tư tưởng đều dịch hết ra tiếng Việt và “bắt” học trò phải học; Tiếng Pháp chỉ học như một ngoại ngữ thứ nhất. Đối với đa phần “dân trí thức”, ngoài "nhóm tinh hoa", Nguyễn Triệu Luật yêu cầu phải có trình độ ngang với tú tài tây (trình độ này cũng đã khá cao), cũng như ngày nay ta yêu cầu bằng tốt nghiệp Phổ thông Trung học. Và như vậy một công việc cấp bách của giáo dục lúc ấy là biên soạn bộ Giáo trình cơ sở bằng tiếng Việt cho các môn học, cũng giống như Bộ Sách Giáo khoa của chúng ta ngày nay.

Đề xuất này của Nguyễn Triệu Luật đưa ra từ năm 1939, mãi mấy năm sau (1944), Hoàng Xuân Hãn mới được hoàn thành, thường được gọi là Chương trình Hoàng Xuân Hãn. Và từ sau Cách mạng Tháng Tám (1945), nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời, chúng ta mới có một hệ thống giáo dục Việt Nam hoàn chỉnh: Trường Việt, Thày Việt, Chương trình Việt, Giáo trình bằng ngôn ngữ văn tự Việt. Nhưng từ bấy đến nay, gần một thế kỷ đã qua, trên một đất nước độc lập, ta toàn quyền chủ động, vậy mà những vấn đề mục tiêu, chương trình, giáo trình, phương pháp phương châm dạy và học, tài và hạnh ... vẫn đang còn nhiều vấn đề rất bất ổn. Thực tiễn đó cho thấy những ý tưởng của Nguyễn Triệu Luật về giáo dục quả thật đã không chỉ có ý nghĩa đối với thời đại ông.   

* Còn nguyên giá trị

Nguyễn Triệu Luật là người của một thời. Những vấn đề ông đặt ra cho việc gây dựng một nền văn hóa riêng cho dân tộc Việt Nam, trong đó đặc biệt là những vấn đề của Giáo dục, cách đây đã trên bảy mươi năm. Có những việc đã được giải quyết, có những đề xuất đã bị thời gian vượt qua, nhưng những ý tưởng cốt lõi vẫn còn nguyên giá trị, kể cả tính thời sự của vấn đề.

Xây dựng một nền văn hóa riêng của Việt Nam, một nền Giáo dục Việt Nam để đào tạo những con người Việt Nam biết tự “kiêu ngạo”, biết tiếp thu cái hay cái đẹp của văn minh nhân loại mà vẫn đủ sức bảo vệ cốt cách dân tộc, giữ gìn tiếng nói, phát triển văn chương dân tộc, có thể đàng hoàng “đứng trong trời đất” là một ý tưởng thật sâu sắc, cao cả. Một tầm suy nghĩ như thế, một tấm lòng tha thiết với đất nước dân tộc như thế quả thật rất xứng đáng để chúng ta cảm phục, trân trọng và đặc biệt là nghiên cứu, khai thác, sử dụng.

                           

Ý tưởng "Gây dựng một nền văn hóa riêng…" được ông gửi gắm trong mọi trước tác - những tập truyện lịch sử (Tiểu thuyết lịch sử), những bình luận thơ văn cổ kim (Bàn góp về Truyện Kiều, Văn Tản Đà, Vũ Trọng Phụng với tôi), cả việc dịch mà ông coi là phải “Việt hóa”, để thử sức độ chặt chẽ và làm giàu tiếng Việt trong lĩnh vực triết học (Việt hóa một bài văn Tây “Chân giời mặt bể lênh đênh”, các bài biên thuật vể tâm lý học đăng trên Nam Phong) ...

   Trần Thị Băng Thanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm