KTS Đoàn Thanh Hà - 'Đi trên mây' với nhà tre

25/10/2022 18:00 GMT+7 | Văn hoá

Tại Clound Walkers - cuộc triển lãm toàn châu Á đang diễn ra ở Hàn Quốc - công trình nhà tre nổi của KTS Đoàn Thanh Hà được trưng bày cùng một ý tưởng khá thời sự: Giúp hàng triệu gia đình nghèo có thể sớm tạo dựng chỗ ở ổn định, an toàn và thích ứng với kịch bản ngập nước do biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

KTS Đoàn Thanh Hà: 3 chữ 'không lặp lại' luôn đầy khắc nghiệt

KTS Đoàn Thanh Hà: 3 chữ 'không lặp lại' luôn đầy khắc nghiệt

Âm thầm đi vào cuộc sống và lưu lại dấu ấn của mình, đó là lời đánh giá mà GS-KTS Hoàng Đạo Kính dành cho "Nhà cửa & Con người" (NXB Tri thức, 2022), cuốn sách tập hơn 25 đồ án và nhiều câu chuyện của Đoàn Thanh Hà, người đang sở hữu khoảng 30 giải thưởng kiến trúc trong nước và quốc tế.

“Trong kịch bản xấu nhất về biến đổi khí hậu, nước biển sẽ dần cao lên 1m khiến 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 10% diện tích đồng bằng sông Hồng sẽ ngập nước và ảnh hưởng trực tiếp đến 20-30 triệu người dân. Đó là lý do trong 7 năm qua tôi đã theo đuổi ý tưởng về mẫu nhà này” - KTS Đoàn Thanh Hà cho biết.

Chú thích ảnh
KTS Đoàn Thanh Hà (thứ 2 từ trái qua) tại triển lãm “Clound Walkers” 

Từ hành trình “đi trên mây”…

* Anh có thể chia sẻ về cái tên khá thú vị - Cloud Walkers (đi trên mây) - của triển lãm? Nét riêng, cũng như vấn đề mà triển lãm hướng tới, là gì?

- Cloud Walkers là cuộc triển lãm toàn châu Á, được tổ chức bởi Bảo tàng nghệ thuật Leeum của Quỹ Văn hóa Samsung (Hàn Quốc), khai mạc đúng ngày Quốc khánh 2/9 vừa qua và kéo dài tới 8/1/2023. “Đám mây” ở đây mang nghĩa rộng về khí hậu, trí tưởng tượng và các siêu liên kết; là một phép ẩn dụ cho môi trường văn hóa - xã hội mới của thế kỷ 21 và đóng vai trò như một nền tảng ảo để chia sẻ vượt qua các ranh giới địa chính trị hiện tại.

Nhìn chung, như quan sát của tôi, hầu hết các tác phẩm sắp đặt tại đây đều sử dụng những vật liệu thân thiện như giấy, vải bền vững (có thể hấp thụ các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi mà phương tiện giao thông thải ra) hoặc tái sử dụng những mảnh nhỏ của thảm trải sàn tạo thành không gian trải nghiệm. Nhiều tác phẩm toát lên dự cảm vị lai, mang đến những quan điểm mới mẻ và có tính phản biện đối với các vấn đề mà xã hội đương đại và tương lai của chúng ta phải đối mặt.

Chú thích ảnh
Mẫu thiết kế nhà tre nổi của Đoàn Thanh Hà tại triển lãm “Clound Walkers” 

* Vậy, đâu là lý do khiến anh mang mẫu nhà tre nổi của mình tới triển lãm, thay vì những lựa chọn khác?

- Khi ở Seoul, chị June Young Kwak - giám tuyển cấp cao của Bảo tàng Leeum - có chia sẻ về lý do mời tôi dự triển lãm. Chị thấy ấn tượng đặc biệt với công trình Tổ ấm nở hoa (Blooming bamboo home, 2013) và có đọc cuốn sách Who Is The Architect xuất bản tại Hàn Quốc năm 2014 - mà trong đó, tôi vinh dự được giới thiệu một phần về công việc và quan điểm của mình.

Chú thích ảnh
Bên trong thiết kế nhà tre tại triển lãm“Clound Walkers” 

Trước triển lãm, từ đầu năm nay, chúng tôi thường xuyên trao đổi trực tuyến và thống nhất: Tôi sẽ dùng vật liệu tre với kiến trúc này. Đó là một không gian khá lớn so với các tác phẩm được trưng bày khác - dù xét kiến trúc nhà ở thì nó lại là nhà nhỏ (6m x 6m x 5,3m). Và khi chúng tôi hoàn thành việc lắp đặt tại triển lãm, chị June thú thực rằng đây gần như là tác phẩm có kích thước lớn nhất trong suốt nhiều năm làm giám tuyển của chị.

Về phầm mình, tôi nghĩ đến mô hình nhà tre nổi như là sự tự nhiên, bởi cấu trúc này cũng đeo đuổi tâm trí tôi suốt 7 năm qua. Muốn “nổi” thì nên “nhẹ”, việc vượt từ bên này sang bên kia một cách dễ dàng mà không cần neo giữ xuống mặt đất là một biểu hiện của “nhẹ”. Một cấu trúc nhẹ, có thể nổi, là thách thức không nhỏ với cuộc sống hiện nay và nó cũng đem lại một cảm giác kiểu “đám mây” (cười).

Chú thích ảnh

* Anh có thể nói thêm về xuất xứ, cũng ý tưởng gắn với thiết kế nhà tre nổi chống lụt của mình? So với nó, mẫu nhà trưng bày tại Hàn Quốc có sự phát triển gì về ý tưởng?

- Từ năm 2015, tôi phác thảo mẫu một nhà tre nổi dành cho người dân ở đồng bằng sông Cửu Long. Đây là kiểu nhà 3 gian được dựng lên từ những thanh tầm vông dài 3m và 6m, liên kết bằng chốt và dây buộc. Nhà nổi trên mặt nước nhờ hệ thống thùng phuy bằng nhựa buộc vào dưới sàn (chúng tôi đã tính toán dùng một số thùng để dự trữ nước ngọt/ làm bể tự hoại), mái lợp bằng vật liệu nhẹ...

Riêng công trình tại Bảo tàng nghệ thuật Leeum lần này là một ứng dụng linh hoạt của cấu trúc nguyên mẫu khi gỡ bỏ các tấm sàn trên tầng 2 để tạo nên một không gian thông thoáng cho cộng đồng để gợi nhắc đến nhà Rông - một không gian đặc trưng đã có từ lâu đời ở Việt Nam. Ngoài ra, tôi dùng cây guột làm mái và tường bao, phía trước là những chai nhựa tái sử dụng nhằm chuyển tải thông điệp cảnh bảo về sự xâm lấn của rác thải nhựa. Thực tế, đã đến lúc con người bắt buộc phải sống trong sự bủa vây của “ô nhiễm trắng” - một mắt xích dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu!

KTS Đoàn Thanh Hà sinh năm 1980 tại Bắc Ninh, tốt nghiệp thạc sĩ kiến trúc tại Đại học Kiến trúc Hà Nội, là sáng lập và Kiến trúc sư trưởng của công ty H&P Architects từ 2009. Anh từng nhận khoảng 30 giải thưởng trong nước lẫn quốc tế cho các công trình và đồ án kiến trúc của mình.

Tới giấc mơ về những ngôi nhà tre

* Được biết, hiện anh đang tiếp tục thử nghiệm cấu trúc nhà nổi thứ 2 dành cho khu vực phía Bắc?

- Đó là mẫu nhà ở sử dụng các tấm cót ép làm vật liệu bao che, vừa hoàn thành tại Phú Xuyên, Hà Nội. 7 năm trước, tôi chọn phương án ngôi nhà hình chữ nhật, còn lần này tôi phát triển mặt bằng theo hình vuông. Số lượng thùng phuy được tiết giảm để đảm bảo ngôi nhà đủ nổi theo mực nước mong muốn, đồng thời hệ khung nền đè giữ thùng phuy được gia cố chắc nhằm chia nhận toàn bộ tải trọng từ hệ tre bên trên truyền xuống. Nhà đảm bảo dùng được 2 tầng sử dụng nhằm tiết kiệm diện tích mặt nước, mặt đất, đồng thời cũng dễ dàng được nối dài thêm để tăng diện tích sử dụng khi cần phát triển.

Nhìn chung, tôi mong muốn tạo ra một cấu trúc tối thiểu có thể dùng cho người dân ở nhiều vùng sông nước hiện nay, với sự đa dạng về chức năng, con người, quy mô. Nhà tre nổi ở Phú Xuyên và phiên bản nhà tre ở Bảo tàng Leeum khác nhau về chức năng, vật liệu bao che và vị trí các mảng tường - cửa, nhưng cả 2 có chung kiểu khung kết cấu tối thiểu. Hệ cửa sẽ có sự đóng mở linh hoạt góp phần giúp ngôi nhà đủ khỏe khi gặp thời tiết bất lợi, đồng thời tạo nên sự nhận diện đặc trưng, giống như những bông hoa giữa mùa nước nổi.

Chú thích ảnh
Ngôi nhà tre nổi thứ 2 của Đoàn Thanh Hà tại Phú Xuyên, Hà Nội

* Vậy, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, theo anh các mẫu nhà chống lụt tại Việt Nam trong giai đoạn hiện tại cần chú ý những gì?

- Mẫu nhà cần giải quyết vấn đề chất thải sinh hoạt (bể phốt, rác); sử dụng hiệu quả nước ngọt, thu gom nước mưa và dùng điện mặt trời từ mái nhà. Nói cách khác, mái nhà cần sinh lợi. Đồng thời, cũng cần bổ sung những bè nổi độc lập trồng rau, nuôi cá và kết nối các ngôi nhà với nhau để dần hình thành nên những quần cư nổi yên bình.

* Thực tế, vấn đề nhà chống lũ - lụt là câu chuyện khá thời sự ở những đô thị lớn. Nhưng ngược lại, việc sử dụng vật liệu tái chế hoặc có nguồn gốc từ thiên nhiên (tre nứa), theo anh có đi ngược lại với sở thích và thói quen thẩm mỹ của những cư dân thành phố không?

- Từ góc nhìn của tôi, kiến trúc ở vùng nhiệt đới nên hòa mình vào thiên nhiên. Một ngôi nhà như vậy có thể được nhìn nhận từ 2 khía cạnh về cấu trúc theo cách tự nhiên và vật liệu thân thiện (từ tự nhiên, có nguồn gốc thân thiện với tự nhiên, và tái sử dụng). Với cấu trúc tổi thiểu của mẫu nhà nổi này thì vật liệu có thể dùng là tầm vông, thanh gỗ, thép ống tái sử dụng...

Kiến trúc cần có trách nhiệm với môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa - xã hội. Nếu chúng ta khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên hoặc hủy hoại tự nhiên (như rác thải nhựa) thì chúng ta cũng cần có những chiến lược để khắc phục tình trạng này. Trên thế giới hiện đã có những dây chuyền công nghệ biến rác thải nhựa thành các khối nhựa dùng để xây dựng mà không cần phân loại hoặc làm sạch rác trước. Những giải pháp như vậy được ứng dụng trong thực tế sẽ dần tác động ngược trở lại để điều chỉnh hành vi cũng như thói quen thẩm mỹ của người dân theo chiều hướng có lợi cho tự nhiên và cũng chính là môi trường sống của họ trong tương lai.

* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện!

“Thực tế, đã đến lúc con người bắt buộc phải sống trong sự bủa vây của “ô nhiễm trắng” - một mắt xích dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu” - KTS Đoàn Thanh Hà.

Cúc Đường (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm