25/05/2011 15:46 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Những di chỉ Hy Lạp ở thành cổ Cyrene cổ đại ngoạn mục vẫn còn nguyên vẹn trong cuộc xung đột đẫm máu ở Libya, tuy nhiên ngành du lịch nước này đã “giết chết” nó. Hiện nay các di chỉ hàng đầu ở đất nước Bắc Phi này vẫn vắng bóng du khách.
1. Từng được mệnh danh là “Athens của châu Phi”, thành cổ Hy Lạp Cyrene nằm gần làng Shahat, miền đông Libya, là một quần thể kiến trúc tuyệt đẹp, với ngôi đền Apollo và rất nhiều bức tượng La Mã, nhìn ra những cánh đồng tươi tốt và biển Địa Trung Hải lộng gió.
Các bức tượng La Mã tại thành cổ Cyrene |
Thành cổ Cyrene được người Hy Lạp xây dựng vào thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên và sau đó vào thời kỳ trị vì của La Mã. Cyrene đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Năm 2005, tại đây, các nhà khảo cổ Italia phát hiện thêm 76 bức tượng La Mã còn khá nguyên vẹn, có niên đại từ thế kỷ 2 sau Công nguyên. Chúng đã bị chôn vùi sau trận động đất năm 375 dưới một bức tường bị đổ.
Song thật buồn là kể từ khi xảy ra cuộc xung đột hồi tháng 2, nơi này không hề có bóng dáng một du khách nào mà chỉ có vài con cừu nhởn nhơ gặm cỏ.
Ông Mohamed Bucharit, một hướng dẫn viên du lịch cho biết năm ngoái có tới 10.000 du khách từ các nước như Nhật Bản, Đức và Anh đã tới thăm Cyrene. Ông đi bộ qua di chỉ này và chỉ vào những bức tượng Hercules, Hermes, con đường, sân khấu đài vòng và ngôi đền Bacchus rồi nói: “Thật may mắn khi không có di sản nào bị tổn hại. Thật may là lực lượng của ông Gaddafi không đưa xe tăng tới đây” - ông Bucharit mô tả về cuộc giao chiến ở Shahat, gần thành cổ Cyrene.
Cừu nhởn nhơ gặm cỏ ở thành cổ Cyrene |
2. Libya - đất nước Bắc Phi phong phú dầu lửa từ lâu đã tiếp nhận lao động nhập cư từ các nước châu Phi khác, các nước thuộc khối A Rập và châu Á, nhưng lại “cấm cửa” du khách phương Tây. Tới năm 2003 đất nước này đã chấm dứt nhiều thập kỷ bị cô lập khi nhà lãnh đạo Gaddafi tuyên bố từ bỏ hoài bão sản xuất vũ khí hạt nhân. Kể từ đó, các nhà chức trách Libya bắt đầu cấp visa du lịch. Người châu Âu, Mỹ và châu Á bắt đầu tới đất nước này để chiêm ngưỡng những dải đất rộng của sa mạc Sahara, những dãy núi trông lạ mắt và dấu tích của các nền văn minh cổ đại.
Phía Tây của Libya – hiện vẫn thuộc sự kiểm soát của ông Gaddafi – còn có 2 thành phố La Mã là Leptis Magna và Sabratha, trong khi ở phía Đông vẫn còn vô số di tích của thế giới Hy Lạp. Nhưng tất cả những tài nguyên du lịch ở Libya hiện đều vắng khách, nhất là sau khi NATO không kích vào Libya – tới nay đã bước sang tháng thứ 3.
Apollonia, cảng cũ của thành cổ Cyrene, tọa lạc cạnh ngôi làng Sousa ven biển, được đánh giá là 1 trong 5 di chỉ cổ đại hàng đầu ở Libya, cũng im ắng đến kỳ lạ. Cổng các di chỉ vẫn khóa im lìm mặc dù đây là mùa cao điểm của du khách nước ngoài.
Ông Younis Hussein, người đang làm việc tại khách sạn 4 sao Al-Manara ở Sousa, cho biết ngày Chủ nhật chỉ có 6 phòng trong số 90 phòng của khách sạn có khách, trong khi năm ngoái vào thời điểm này có tới 80 phòng đã kín khách. Cách đó 2 km là một ngôi làng được xây dựng để phục vụ du lịch cũng trong tình trạng tương tự. “Chừng nào còn xung đột thì du khách sẽ không tới đây” - ông Hussein quả quyết.
Việt Lâm
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất