“Kitman” ở đội bóng: Nghề của những ông già

17/05/2013 06:26 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Trải qua nhiều đời HLV và cầu thủ, có một vị trí trong phòng thay đồ vẫn bất di bất dịch, đó chính là kitman, dịch ra nghĩa là người quản lý, chăm lo trang phục của các cầu thủ trong đội bóng.

Sir Alex cùng kitman của Man United, Albert Morgan.

Trên trang web tìm kiếm việc làm Jobisjob của Anh, có khá nhiều lựa chọn dành cho vị trí kitman nhưng đa số đều từ các đội bóng nhỏ, hạng thấp, mới thành lập. Bởi, ở các đội bóng lớn, kitman là những người đã gắn bó với họ nhiều thập kỷ.

Nghề ít ai hiểu

Bóng đá ngày càng phát triển và nhu cầu của cầu thủ theo đó cũng thay đổi theo. Từ ngữ “chuyên nghiệp” được thể hiện toàn diện ở các khía cạnh, chẳng những ở trình độ chuyên môn, thái độ trên sân cỏ mà cả ở sự chỉnh tề trong cách đi tất, buộc giây dày hay mặc áo đấu của các cầu thủ.

Những ai không hiểu thường nghĩ nghề của kitman chỉ là mang áo đấu, giày ra sân cho các cầu thủ, thời gian còn lại chỉ ngồi trên băng ghế dự bị chờ đợi HLV quyết định thay người để có thể làm công việc của mình. “Nghề đó chắc phải nhàm chán lắm” - một thanh niên đi bộ trên đường phố London trả lời phóng viên khi được hỏi. Song, suy nghĩ đó hoàn toàn sai.

Selby Armstrong, kitman của CLB Reading cho biết với anh mỗi ngày đều có sự tươi mới, chẳng có hôm nào giống nhau. “Khi trận đấu này kết thúc, tôi lại chuẩn bị cho trận tiếp theo và luôn như vậy. Nhàm chán ư? Không hề. Thú vị nữa là đằng khác”.

Kitman làm những gì?

Đúng kitman là những người mang đồ, có khi tới tận 70 đôi giày và mấy chục cái áo đấu nên sự lựa chọn cho công việc này thường là nam giới. Nhưng đâu chỉ có thế.

Trong những trận đấu sân nhà, công việc thường nhẹ nhàng bởi mọi thứ cần thiết đã có sẵn trong phòng thay đồ của đội bóng, chỉ cần sắp xếp, tổ chức lại là xong. Nhưng những trận sân khách mới thực sự là vấn đề, kitman phải thích nghi với cách bài trí phòng thay đồ của đội bóng đó và sẽ vô cùng khổ sở nếu nó quá nhỏ.

Để làm công việc của mình một cách tốt nhất, kitman phải hiểu được sở thích của các cầu thủ, size tất và áo mà họ thường dùng. Nếu không họ sẽ bị mắc kẹt trong một mớ lộn xộn rồi rối tung lên khi giờ thi đấu sắp bắt đầu. Có cầu thủ thích tất ngắn, người khác lại thích tất dài, một số lại chỉ đi tất mới trong từng trận đấu.

Và không chỉ có mỗi 1 loại áo đấu, sân nhà khác, sân khách khác, áo tập khác, áo khởi động cho trận cầu cũng là loại khác. Họ phải ghi nhớ tất cả và muốn thế, họ phải tạo mối quan hệ thân thiết với các cầu thủ để nghe tâm sự về điều họ muốn mỗi khi ra sân để được thoải mái nhất.

Sân cỏ giờ còn là nơi thể hiện phong cách thời trang, nhất là đối với các cầu thủ làm đại diện hình ảnh cho các hãng tài trợ lớn, là bộ mặt của đội bóng. Cầu thủ, trước khi ra sân, mà không đòi hỏi, than phiền gì thêm nữa, đó chính là thành công lớn nhất của nghề kitman.

Họ còn phải có khả năng đoán định thời tiết nếu không muốn phải ôm cả một đống vali hành lý theo xe bus của đội bóng đi thi đấu sân khách. Và một điều cần thiết không kém là kiến thức về quần áo, dụng cụ thể thao.

Đam mê và hy sinh

Để theo đuổi nghề kitman, cần phải có đam mê với túc cầu và tình yêu dành cho đội bóng. Kitman kỳ cựu John Clark của Celtic giải thích rằng tại sao người ta lại gọi nghề này chỉ hợp với những người già.

“Tôi đã chăm lo trang phục cho các cầu thủ từ đội trẻ cho tới đội 1 trong 50 năm qua. Bạn cần phải có mặt tại đó bất cứ lúc nào và nó thực sự rất áp lực. Một tuần bạn phải làm trọn 7 ngày. Nó chẳng hợp với một người đàn ông trẻ tuổi với một gia đình cần chăm lo bởi nó rất dễ kết thúc bằng ly dị”.

Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm