14/08/2011 12:58 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Vào ngày 14/4 định mệnh, 2 người đàn ông đã xông vào nhà của Asma Firdous, đè cô ra và chặt đi 6 ngón tay. Họ cũng cắt nhiều nhát vào tay, vào môi Firdous và không quên xẻo đi chiếc mũi xinh tươi, trước khi khóa trái cửa bỏ đi, để mặc nạn nhân quằn quại đau đớn trong vũng máu.
Chuyện của Firdous là bằng chứng rõ rệt về cái gọi là công lý dựa vào "lệ làng" ở Pakistan" và đều tệ hại là cô không phải nạn nhân duy nhất.
Asma Firdous, người sống ở làng Kohaur Junobi nghèo khổ nằm tại phía Nam Pakistan, đã bị hành hình một cách tàn bạo như thế, bởi chồng cô đã cãi vã với anh em trong họ. Bị mất mặt, những người đàn ông kia đã tìm tới cô để trả thù. Số phận của cô giống với nhiều phụ nữ khác tại các khu vực nông thôn xa xôi hẻo lánh của Pakistan, nơi phụ nữ thường trở thành nạn nhân trong các cuộc xung đột gia đình. Mức độ bạo lực, cũng như sự tàn bạo trong các hành động nhằm vào họ đang ngày một tăng lên.
Quốc gia nguy hiểm thứ 3 thế giới với phụ nữ
Tại một bệnh viện ở thị trấn Multan nằm gần đó, cha mẹ Asma vẫn còn chưa hết sốc, đang ngồi yên lặng bên giường bệnh. Họ cố mường tượng ra tương lai nào đang chờ đón cô con gái đã tàn phế của mình.
"Tôi không thể biết nổi chuyện gì sẽ xảy ra với con tôi khi ra viện" - ông Ghulam Mustafa, cha đẻ Firdous cất giọng não nề tại bệnh viện đang bốc lên sực nức mùi nước khử trùng và mùi máu. Tại đây có nhiều người phụ nữ lâm vào hoàn cảnh giống với Asma, hoặc bị tạt a xít, bị dội xăng lên người và đốt. Tất cả họ đều chờ đón một tương lai đầy bất ổn trước mắt.
Pakistan hiện được xem là quốc gia nguy hiểm thứ 3 thế giới cho cuộc sống của phụ nữ, chỉ đứng sau Afghanistan và Cộng hòa Dân chủ Congo, dựa trên một cuộc khảo sát do quỹ Thomson Reuters Foundation tiến hành.
Trong báo cáo hồi năm 2010, Ủy ban Giám sát Nhân quyền Pakistan nói rằng khoảng 800 phụ nữ nước này là nạn nhân của các vụ "giết người danh dự". Đây là cái tên đẹp đẽ cho một hành động không mấy phần vinh quang: phụ nữ bị giết để bảo toàn danh dự cho những người thân là nam giới trong gia đình.
Báo cáo cũng nói rằng khoảng 2.900 phụ nữ đã bị hiếp dâm, tức trung bình khoảng 8 người mỗi ngày. Riêng trong số trên có 2.600 người bị cưỡng hiếp ở tỉnh Punjab, khu vực đông dân nhất của Pakistan.
Và các con số không chỉ dừng lại ở đó. Báo chí Pakistan nói rằng các hoạt động phạm tội nhằm vào phụ nữ ở nước này đã tăng lên 18% tính từ đầu năm tới tháng 5 năm nay. Ủy ban Giám sát Nhân quyền Pakistan cũng cho biết con số của họ chỉ cho thấy một phần nhỏ thực sự các vụ tấn công nhằm vào phụ nữ đang diễn ra trên nhiều vùng của đất nước.
Biểu tình vì quyền phụ nữ ở Pakistan
Hệ quả của một xã hội gia trưởng
Tiến sĩ Farzana Bari, giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới ở Đại học Quaid-e-Azam, đánh giá xã hội mang tính gia trưởng của Pakistan thường phân biệt đối xử chống lại phụ nữ và tình trạng này phổ biến hơn trong nhóm những người nghèo, các gia đình nông thôn ít học.
Những quan điểm gia trưởng này sau đó có thể gây ảnh hưởng tới hệ thống cảnh sát và tòa án ở các vùng của Pakistan và tới lượt họ đôi khi cũng nhắm mắt làm ngơ trước các vụ giết người danh dự hoặc hiếp dâm để trừng phạt phụ nữ.
"Tôi cho rằng giết người danh dự là một hội chứng của tình trạng lệ làng thống thị. Và tình trạng này chỉ xảy ra ở môi trường nơi chính quyền không thể đưa luật pháp đi vào cuộc sống" - Bari nói.
Tại các khu vực nông thôn, phụ nữ thường bị gạt ra ngoài hệ thống pháp luật. Ở những vùng này, các lãnh đạo bộ tộc mạnh là những người sẽ biến đổi luật pháp để chúng phục vụ cho họ. Những người "thấp cổ, bé họng" muốn đấu tranh với họ cũng rất khó khăn, đôi khi có thể mất mạng mà không giải quyết được gì.
Ở những vùng này, các gia đình hoặc dòng tộc thường tự thi hành công lý theo cách của họ. Theo đó các già làng ở địa phương sẽ tụ họp và đưa ra các hình thức trừng phạt, bao gồm hiếp dâm và giết hại, nhằm vào những phụ nữ ngoại tình hoặc làm ô uế thanh danh gia đình. Một số phụ nữ như Firdous đã trở thành thương tật chỉ để giải quyết mâu thuẫn trong gia đình.
Các thành viên của hệ thống lệ làng kiểu này nói rằng truyền thống khó thay đổi bởi nó đã ăn sâu vào văn hóa địa phương. Họ cũng cho rằng cách thức thi hành luật kiểu này hiệu quả hơn các tòa án thông thường.
"Tại những khu vực có người ở đều có tòa án, nhưng người dân thường không tìm được công lý" - luật sư kiêm một già làng địa phương Karim Masoud "biện hộ" với Hãng tin Reuters - "Với hệ thống lệ làng, họ sẽ được đền bù tương xứng và chỉ mất ít thời gian để giải quyết tranh chấp. Nó công bằng hơn (tòa án thông thường) và người ta không phải hối lộ chỉ để thấy công lý được thực thi".
Zarmuhamad Afridi, một chuyên gia pháp lý khác nói rằng hệ thống lệ làng vẫn tồn tại vì ở nhiều vùng của Pakistan, danh dự của một người đàn ông gắn liền với hành xử của vợ và con gái. Nhiều hành động được xem là "sai trái" của họ, tòa án thông thường không thể can thiệp. "Nếu một đôi trai gái chưa kết hôn mà lại có quan hệ yêu đương, một hội đồng làng có thể ra lệnh bắn chết cô gái. Điều này là chấp nhận được với nhiều người, vì họ cho rằng nhờ đó mà danh dự của gia đình được bảo toàn" - ông đánh giá.
Pháp luật không có sự cảm thông với phụ nữ?
Mỗi sự vi phạm nhỏ nhất của phụ nữ, như nói chuyện với một người đàn ông khác trên phố hoặc có số điện thoại lạ trong máy, đều có thể mang tới những hình phạt nặng nề và sự tẩy chay của cộng đồng với gia đình. Yếu tố này khiến cho các hình phạt nhanh gọn và tàn khốc của các hội đồng làng trở nên thông dụng.
Rất nhiều phụ nữ Pakistan đã không thể tự bảo vệ bản thân vì họ không có sự ủng hộ và không có nền tảng giáo dục đủ để hiểu biết quyền của mình. Nhưng ngay cả những người dám lên tiếng thì nỗ lực của họ cũng không dẫn tới đâu.
Trường hợp nổi tiếng nhất ở Pakistan là Mukhtaran Mai, người từng bị hiếp dâm tập thể hồi năm 2002. Cô đã bị hội đồng làng đánh đòn trừng phạt và bị rong đi khắp làng trong cảnh không mảnh vải che thân.
Không giống như các nạn nhân hiếp dâm khác, cô đã đâm đơn kiện chống lại 14 người đàn ông. 6 kẻ trong số đó bị khởi tố và bị kết án tử hình vào năm 2002. Nhưng năm 2005, tòa Thượng thẩm Lahore lại giảm án 1 kẻ xuống còn chung thân và tha bổng cho số còn lại. Tòa án Tối cao Pakistan tiếp tục thông qua quyết định trên hồi tháng 4 năm nay và đã trả tự do cho những kẻ phạm tội. Cô sợ rằng những kẻ đó sẽ trở lại săn lùng và giết hại mình.
Ali Dayan Hasan, một nhà nghiên cứu thuộc tổ chức Giám sát nhân Quyền Nam Á nói rằng tình trạng thiếu công bằng cho những phụ nữ như Mukhtaran Mai và Firdous là biểu hiện cho thấy cấu trúc hệ thống luật pháp đã thất bại. "Phán quyết của tòa án tối cao đã thể hiện rõ tính trọng nam khinh nữ của hệ thống luật pháp Pakistan, trong đó không thấy có sự cảm thông với phụ nữ" - Hasan đánh giá.
Tường Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất