'Chế' nhạc cụ theo thiết kế của Da Vinci

15/11/2013 14:07 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Cuối thế kỷ 15, thiên tài Phục hưng Italia Leonardo da Vinci, tác giả kiệt tác Mona Lisa, đã thiết kế Viola Organista - cây đàn hòa trộn các đặc tính của đàn phím và đàn dây. Nhưng ông chưa thể biến bản thiết kế của mình thành hiện thực.

1. Trong suốt thời gian dài qua, ý tưởng của Da Vinci gần như đã bị lãng quên. Nhưng nay Viola Organista đã được tạo ra nhờ công sức của Slawomir Zubrzycki (50 tuổi), một nghệ sĩ dương cầm Ba Lan rất thích chế tác đàn. Ông vừa giới thiệu nhạc cụ này tại Viện Âm nhạc ở thành phố miền Nam lịch sử Krakow.


Nghệ sĩ Ba Lan Slawomir Zubrzycki.

“Công trình” của Zubrzycki được xem là một tác phẩm nghệ thuật về âm nhạc và cơ khí. Viola Organista có rất nhiều dây thép và guồng quay. Với những phím đàn màu đen và nâu nhạt, trông nhạc cụ này giống như một cây đàn dương cầm lớn. Song khi gõ vào phím đàn, chúng lại phát ra những âm thanh như của đàn cello.

“Nhạc cụ là sự kết hợp giữa đàn Clavico, đàn Organ và đàn Viola. Leonardo da Vinci đã thiết kế cây đàn này vào khoảng năm 1470-1480” – Zubrzycki cho biết.

Bên ngoài nhạc cụ được sơn màu xanh da trời và 2 bên được trang trí những hình xoáy màu vàng. Bên trong sơn màu quả mâm xôi thẫm, có khắc một câu châm ngôn của nữ tu sĩ, triết gia Đức thế kỷ 12 Saint Hildegard bằng tiếng Latinh: “Các giáo đồ và học giả ngâm mình trong biển nghệ thuật của con người và thần thánh, tạo nên vô số nhạc cụ để cứu rỗi tâm hồn”.

Cây đàn Viola Organista được Slawomir Zubrzycki làm theo bản thiết kế của danh họa Phục hưng Leonardo da Vinci.

Trong đàn có 61 dây thép và mỗi dây thép đó được kết nối với phím đàn. Khi Zubrzycki ấn vào những phím đàn, chúng phát ra những âm thanh giống như tiếng đàn cello, organ và thậm chí cả accordion.

Đây là những âm thanh mà Da Vinci từng mong ước, song ông chưa bao giờ được nghe lúc sinh thời. Không hề có tư liệu lịch sử nào cho thấy Da Vinci hay bất cứ ai cùng thời từng làm ra loại nhạc cụ theo bản thiết kế của ông.

Người ta đã tìm thấy một bức tranh phác thảo cùng những dòng chữ của Da Vinci trong Codex Atlanticus, bộ sưu tập gồm 12 cuốn chứa đựng các bản thảo và bản thiết kế của ông, từ toán học tới thực vật học, từ các bản thiết kế vũ khí tới máy bay.  

“Tôi không biết Leonardo da Vinci nghĩ gì về cây đàn mà tôi đã làm theo bản thiết kế của ông. Nhưng tôi hy vọng là ông sẽ hài lòng” - Zubrzycki nói với niềm tự hào.

2. Đưa mong ước của Da Vinci vào đời thực là thành quả lao động kéo dài 3 năm của Zubrzycki, tốn kém 9.700 USD. Có vẻ công sức của ông đã được đền đáp xứng đáng, bởi nhiều người bày tỏ, họ rất thích âm thanh của cây đàn. Khán giả đã vỗ tay vang dội khi ông trình diễn giới thiệu Viola Organista tại Thính phòng hòa nhạc ở Viện Âm nhạc Krakow.


Bản thiết kế nhạc cụ của Leonardo da Vinci.

Gabor Farkas, nghệ sĩ dương cầm Hungary từng đoạt giải đồng thời là một giáo viên tại Nhạc viện Ferenc Liszt ở Budapest, rất mê âm thanh của Viola Organista.

“Âm thanh của cây đàn rất ấm, mượt mà, êm dịu và rất hay. Cây đàn này còn có một yếu tố đặc biệt là âm thanh của nó ngân dài, khác với đàn piano. Đây là ước mơ của tất cả các nghệ sĩ dương cầm” – Farkas nói.

Kazimierz Pyzik, nghệ sĩ đàn Viola ở thành phố Krakow, cũng rất thích âm thanh của đàn Viola Organista. “Ba Lan đã bị loại khỏi giải World Cup và nhiều người dân Ba Lan đang rất buồn vì điều này. Nhưng giờ đây, chúng tôi lại đang được đón nhận một niềm vui mới, khi nghệ sĩ Zubrzycki đã giới thiệu cây đàn có thể nói là ‘độc nhất vô nhị’ trên thế giới” – Pyzik tự hào nói.

Theo các chuyên gia tại Bảo tàng Nhạc cụ (MIM) ở Brussels (Bỉ), “Geigenwerk” được Hans Haiden - một nghệ nhân làm đàn người Đức, làm vào năm 1575, vẫn là nhạc cụ (được biết đến) đầu tiên làm theo bản thiết kế của Da Vinci. Trong bộ sưu tập của bảo tàng còn có nhạc cụ khác được Truchado Raymundo (người Tây Ban Nha) làm vào năm 1625.


VIỆT LÂM (theo AFP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm