Kiện tướng dancesport Chí Anh ngoài đời còn thoáng nét “baby” của một cậu ấm vừa qua thời kỳ vỡ giọng, dù đã ở vào tuổi...33. Còn cách đáp chuyện thì vừa tùy hứng vừa thận trọng.
Đua xe cũng giống... khiêu vũ
* Hình như tôi thích anh thế này hơn là cái bộ dạng “ông cụ non” trong “Bước nhảy hoàn vũ”!
- Đó đơn giản chỉ là cái vỏ bề ngoài thôi mà, để vừa với chiếc áo mình mặc lúc đó: phải là hơi “cứng” một tý, hơi “nghiêm” một tý, đủ để gây hồi hộp cho thí sinh. Nhưng vẫn luôn phải là những câu nói đúng mức, những nhận xét kỹ càng, thỏa đáng của một người có chuyên môn...
* Khi nhận lời ngồi cùng hàng ghế với bạn gái cũ, anh có mất thời gian thuyết phục bạn gái mới?
- Không mất thời gian nhiều lắm. Bởi Nhã Khanh luôn biết tôi yêu cô ấy thế nào để không làm ảnh hưởng đến công việc của tôi. Và quan trọng hơn, đã là lúc đủ trưởng thành để phân định được rõ ràng mọi giới hạn: quá khứ - hiện tại, công việc - tình cảm...
* “Đủ trưởng thành” - cú cán đích này ở một người đàn ông dường như thường rất muộn?
- Với tôi có lẽ còn muộn hơn bất kỳ ai. Đó cũng là một trong những lý do tôi đến với khiêu vũ.
* “Để trưởng thành”? Tôi chưa từng nghe ai nói đó là công dụng của khiêu vũ!
- Cần biết là trước khi đến với khiêu vũ, tôi là một cậu ấm rất bốc đồng, mải chơi, chỉ quen làm những việc mình thích mà không hề xác định cho mình một con đường nào để theo đuổi, càng không nghĩ đến việc sau này sẽ làm gì để kiếm sống. Tôi đến với khiêu vũ khi không còn trẻ, đã là sinh viên năm nhất (khoa Thông tin thư viện – ĐH KHXH & NV Hà Nội, K42) và đó là sáng kiến của bố mẹ tôi. Đơn giản, chỉ là để hướng tôi đến một trò giải trí lành mạnh và an toàn hơn so với những lựa chọn bốc đồng của tôi trước đó.
* Những lựa chọn bốc đồng trước đó là gì?
- Là đua xe. Ban đầu chỉ là đua xe đạp, khi bố tôi mua về cho tôi một chiếc xe đạp địa hình, năm tôi học lớp 10. Dè đâu “ông con” gia nhập ngay nhóm đua xe đạp. Hồi đó có mốt đua xe đạp, thích lắm! Ít lâu sau thì chuyển qua đua xe máy.
* Anh? Đua xe? Trông anh chẳng có dáng một “tổ lái” tý nào.
- Thế mà tôi từng mất mấy năm cho “hắn” đấy! Thì chị bảo, hồi đấy làm gì đã có internet, game online; làm gì có Mega Star,... mà tuổi trẻ thì ham vui. Lại cả thích thể hiện nữa! Lúc đấy được khen đi xe máy giỏi cũng giống như bây giờ biết chơi golf, tennis vậy! Nó gần như là “mốt thời thượng”.
* Anh không sợ nguy hiểm sao?
- Không, chả sợ gì, thích là khác! Bất cứ cái gì tôi làm cũng là từ sở thích. Khiêu vũ cũng thế!
* Đâu thể đánh đồng đua xe và khiêu vũ!
- Thế mà giữa chúng ít nhiều vẫn có một điểm chung đấy! Đó là trạng thái được thăng hoa, là sự tập trung cao độ...
* Nhưng chắc chắn là khiêu vũ không bao giờ làm người ta hút chết hay bị công an sờ gáy!
- Đua xe cố nhiên có cái nguy hiểm của nó và đúng là không nên khuyến khích. Nhưng kể ra, nếu đua xe mà được coi như một môn thể thao, có tổ chức, có trường đua, có bảo hiểm,... thì lại ra một nhẽ khác: nó sẽ vừa là hoạt động thể chất vừa là hoạt động trí não, có thể giúp người ta có được phản xạ tốt; mà lại không gây hại cho xã hội... Không ngoại trừ là ít nhiều nó cũng giúp tôi có được một phản xạ tốt khi khiêu vũ.
* Kỷ niệm hú hồn nhất của anh thời “tổ lái” là gì?
- Thôi đừng bắt tôi ngồi nhớ lại kỷ niệm, mệt lắm!
* Vì nó đáng quên sao?
- Vì nó mờ nhạt. Mờ nhạt đến nỗi giờ đây nếu nhắc lại, nó cứ như là một con người khác!
* Nhưng chắc chắn là phải có một cú sốc nào đủ mạnh thì mới lôi anh ra được khỏi cơn say ấy chứ?
- Không, chả có cú sốc nào, dù đúng là có lần hút chết, có lần ngã (nhưng không gãy chân gãy tay), có lần bị công an giữ xe, cho vào đồn... Thì như đã nói, thay vì đua xe, đó là khiêu vũ! Trước đó, tôi còn chả biết tôi thích gì, nếu không phải là... cái yên xe. Thế nên lúc đầu cũng chỉ định học chơi cho vui, chiều lòng bố mẹ là chính nhưng không ngờ chỉ sau một năm, tôi tiến bộ rất nhanh và rồi bị nó hút vào. Lúc ấy chưa phải để biểu diễn, mà chỉ là sinh hoạt CLB hàng tuần, nhưng cũng đủ để mình có được niềm vui nho nhỏ: sự xuất hiện của mình được mọi người chờ đợi. Đấy, vẫn là cái bệnh thích thể hiện!
Từng phải trả giá cho sự ích kỷ
* Và sau đó, là “cuộc gặp lịch sử” với Khánh Thi?
- Cả Khánh Thi cũng là gợi ý của bố mẹ tôi nốt. Đích thân mẹ tôi vào tận trường Múa tìm bạn nhảy cho tôi.
* Chọn bạn nhảy cho con – bố mẹ anh “Tây” nhỉ!
- Tây gì, đấy chính là rất Việt đấy chứ, “chọn vợ cho con” còn gì! Và đó là năm 1999. Biểu diễn một thời gian, dành dụm được ít tiền, hai đứa bèn thành lập một vũ đoàn tên là Bằng Linh, tuyển mộ thêm các em khác và đi biểu diễn khắp nơi. Cũng vui, nhưng rồi tôi lại thấy chán, vì thấy nó dần chững lại. Năm 2003 – 2005 thì quyết định cùng nhau qua Pháp du học, rồi trở thành thành viên đội tuyển quốc gia, triền miên tập huấn và thi đấu. 2009 thì chia tay với Khánh Thi.
* 10 năm chia ngọt sẻ bùi – sức nặng đó không đủ níu kéo hai người sao? Tại sao lại không phải là lúc trồng cây mà lại chính là lúc hái quả?
- Thì như người ta nói, có những người đi qua chiến tranh lành lặn, mà đến thời bình, có khi lại chết vì những viên đạn bọc đường. Chỉ có thể giải thích đấy là do số phận!
* Nhưng tính cách lại làm nên số phận! Tôi được biết anh từng là người rất nóng tính, tới mức không từ cả việc “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với bạn gái?
- Đúng! Nhưng đó là lâu lắm rồi và không phải đến nỗi là quá nhiều lần. Giờ thì tôi khác lắm rồi, theo hướng tích cực lên. Chả ai lúc chết mà giống lúc trẻ cả, ai thì rồi cũng phải khác đi. Cũng lại nhờ khiêu vũ đấy!
* Giữa anh và Khánh Thi chẳng phải khiêu vũ là gì!
- Nhưng lúc đấy bọn tôi nhảy Latin. Mà Latin chỉ có ích cho người có máu lạnh, còn với người có máu nóng thì nghe chừng không ổn! Nói sao nhỉ, nó như là cân bằng âm dương vậy!
* Ô, lẽ nào có thể đổ lỗi cho một điệu nhảy!
- Thì Latin chính xác là nhảy tự do mà, bốc lắm! Còn cái tự do của standard mà sau này tôi theo là tự do trong khuôn khổ, đằm hơn, chững chạc hơn.
* Tôi không nghĩ lại có thể đánh đồng giữa “bốc” và… “đấm bốc”! Thẳng thắn hơn đi, thực chất nguyên nhân của nó là gì?
- Giờ nghĩ lại, quả tình tôi thấy mình thật không phải, mình quá đáng! Không, không phải đến bây giờ, mà chính là ngay lúc ấy, tôi đã thấy thực sự hối tiếc khi biết mình đã lỡ tay, đã nóng nẩy một cách vô lối. Điều tệ hại ấy xảy ra khi người đàn ông không làm chủ được mình, không có khả năng kiểm soát hành động của mình, chưa đủ trưởng thành để có thể có được những kinh nghiệm cần thiết trong tình yêu... Đó chính xác là hậu quả của sự ích kỷ!
* Của một anh con trai một, xuất thân từ một gia đình khá giả, đã quen muốn gì được nấy?
- Đúng là trong gia đình, tôi rất được chiều. Thế nên, đến khi bước vào tình yêu, tôi càng nghĩ mình cũng phải được chiều như thế. Và Khánh Thi thì đúng là một người phụ nữ rất chịu khó chiều người khác. Mà đàn ông khi được phụ nữ chiều sẽ rất dễ sinh hư: ích kỷ, ỷ lại, không biết quý trọng những điều tốt đẹp mà người ta đã dành cho mình...
* Và đó lẽ nào là nguyên nhân chính dẫn đến sự đổ vỡ của cặp đôi dancesport số 1 Việt Nam?
- Lẽ dĩ nhiên là tôi đã phải trả giá cho những hành động thiếu suy nghĩ của mình.
Nhưng để xây dựng một mối quan hệ, cũng như khiến nó sụp đổ, đó là sự kết dính của rất nhiều chất liệu và công đoạn, chứ không chỉ phụ thuộc vào một vài hành động. Tình yêu nếu chịu khó tưới tắm, chăm sóc từng tý một thì nó sẽ tươi tốt, bền lâu. Nhưng nếu mình chểnh mảng vô tâm, phung phí những điều quý giá mà nó mang lại, thì chóng hay chầy, mình sẽ mất nó.
* Chính xác là anh bị chia tay?
- Có thể nói như thế, cũng có thể không hẳn là như thế.
* “Không hẳn thế” là bởi vì chính anh là người có bạn gái trước?
- Đúng hơn, rạn nứt đã xuất hiện giữa tôi và Khánh Thi từ khá lâu trước đó, chỉ là chưa công bố với mọi người thôi! Đó không phải là nguyên nhân.
* Chí Anh ở lại, Khánh Thi vào Nam – đó là biện pháp tâm lý để tìm quên, hay còn là sự “phân chia địa bàn” một cách tế nhị? Cả chuyện Chí Anh bỏ Latin chuyển sang Standard nữa?
- Đã là sự phân chia tự nhiên theo kiểu “hai con hổ không thể nhốt chung chuồng” thì hẳn là hợp lý! Mà dancesport thì ở đâu cũng gặp thuận lợi mà!
* “Bước nhảy hoàn vũ” đã chờ đợi sự tái hợp dù chỉ trên sàn nhảy của cặp đôi dancesport số 1 Việt Nam, điều đó khó khăn đến thế sao? Vì cảm xúc đã khác hay vì cần tôn trọng bạn nhảy mới?
- Cả hai. Và thực sự là không cần thiết. Những gì đã có thì vẫn còn đấy, trong ấn tượng của những người từng yêu mến cặp đôi ấy, thêm nữa thì cũng thế!
Không xin lỗi, mà cảm ơn Khánh Thi
* Vậy từ lúc nào thì anh có được sự điềm tĩnh?
- Từ lúc gặp bạn nhảy mới Nhã Khanh, và chuyển qua standard.
* Vì Nhã Khanh thì trông bé nhỏ, muốn che chở hơn chăng? Và cả vì khoảng cách tuổi tác nữa?
- Có thể. Tôi hơn Khanh tận tới 17 tuổi kia mà! Nhưng sâu xa hơn, tôi nghĩ qua tình yêu, người đàn ông trưởng thành lên rất nhiều. Sự trả giá có thể khiến họ biết giữ gìn hơn, nâng niu hơn những gì họ đang có.
* Buồn nhỉ, vậy ra những người phụ nữ đến trước là “gạch lát đường” cho kinh nghiệm của người đàn ông?
Không thể nói thế được, sao lại có chuyện “gạch lát đường” ở đây? Không có. Nói thế coi thường phụ nữ quá, chết tôi! Tan hợp, suy cho cùng, có thể chỉ là chuyện duyên số.
* Không, ý tôi không phải là coi thường, lý do gì mà coi thường! Tôi thậm chí còn nghĩ, “gạch lát đường” nhiều khi còn có ý nghĩa hơn cả cái đích mà nó dẫn đến!
- Không, dù thế nào, tôi quả tình không dám nghĩ thế!
* Vậy công thức trưởng thành của anh là gì: đổ vỡ, thời gian, hay do “bị trị”?
- Phụ nữ đâu cần phải trị đàn ông. Chỉ cần bằng sự dịu dàng, mềm mại là đủ.
* Khánh Thi không có điều đấy sao?
- Tất cả phụ nữ đều có, chỉ có điều họ có chịu sử dụng hay không mà thôi!
* Và người phụ nữ lúc đó của anh đã không sử dụng?
- Lúc có, lúc không.
* Cũng có thể vì lúc ấy, Thi đứng trong một áp lực lớn hơn nhiều, như chính Khánh Thi từng than: “Những năm tháng du học chẳng lãng mạn gì, thậm chí rất cực khổ. Chúng tôi chỉ biết luyện tập, làm việc kiếm tiền, tham gia các khóa học dancesport. Rồi khi về nước, lại lao vào luyện tập, thi đấu hết giải này đến giải khác…”?
- Đúng là để theo nghề, chúng tôi từng phải trải qua những ngày tháng thật sự vất vả trên đất khách: phải đi rửa bát, phải phục vụ bàn, bán quần áo... và có khi còn chả kiếm được việc mà làm, phải trông đợi tiếp tế từ nhà sang. Lúc đi háo hức bao nhiều, vì là lần đầu tiên được ra nước ngoài, lại là một nước châu Âu, vậy mà sang đến nơi thì háo hức nhanh chóng tan biến.
Còn hơn cả sự vất vả, là sự buồn tẻ: mọi sự ở đây đều được sắp đặt bài bản, chính xác đến phát chán, giờ nào làm việc nấy, cứ như được lập trình sẵn từ ngàn đời; ngày nghỉ thì buồn thê lương, Paris cứ như một thành phố chết, gần như không cửa hiệu nào mở, không mấy ai ra đường... Một nơi như thế đúng là chỉ thích hợp cho việc học, còn nếu đi chơi thì chỉ nên ghé thăm và nếu là để sống, thì tôi thích được sống ở Hà Nội của mình hơn: bụi bặm một tý, tắc đường một tý, nhưng luôn huyên náo, vui tươi, luôn giúp người ta tìm được chỗ cho mình...
* 10 năm là một bề dày, nhưng 10 năm có thể cũng là một sức nặng, của sự… nhàm chán?
- Một mối quan hệ cũ đi hay không, tôi không nghĩ nó lại lệ thuộc vào thời gian mà là do mình. Nó cũng không nói lên chuyện người phụ nữ trong mối quan hệ đó mềm mại hay thiếu mềm mại. Kinh nghiệm để gìn giữ một mối quan hệ ở người đàn ông - điều đó theo tôi quan trọng hơn nhiều.
* Vậy lúc này, nếu để nói một lời với người cũ, anh có chọn câu xin lỗi?
* Hãy nhớ lại, khi gặp Khánh Thi, ấn tượng mạnh nhất của anh là gì?
- Thích!
* Còn với Nhã Khanh?
- Thích!
* Thích là cảm giác quan trọng đến thế sao?
- Nó là khởi đầu cho tất cả! Phải thích mới làm được!
* Một người phụ nữ thế nào thì khiến anh thích?
- Mềm và sắc. Khi cần cứng thì rất cứng, nhưng khi mềm mại thì cũng rất vô cùng. Mẹ tôi là một người phụ nữ như thế. Phụ nữ Việt Nam, tôi nghĩ hầu hết đều như thế. Thế nên, tôi nhất định phải lấy vợ Việt!
* Nếu được làm lại, anh sẽ chọn bẻ lái ở khúc quanh nào?
- Tôi chả chọn gì cả. Không có gì có thể làm lại được. Chỉ có thể làm tốt điều mình đang làm. Lựa chọn tốt nhất là hiện tại.
* Thú thực là nhìn vào lựa chọn mới của anh, tôi cảm thấy… hơi mong manh. Dường như cô ấy còn quá trẻ để có thể có đủ độ đằm cần thiết?
- Vậy thì nhầm đấy, vẻ ngoài chả nói lên được điều gì đâu! Bạn gái hiện nay của tôi chín chắn hơn người ta tưởng nhiều.
* Vậy hai người đã nghĩ đến một đám cưới?
Nghĩ lâu rồi, nhưng đang phải đợi... cô dâu đủ tuổi.
* Nghề này nhất thiết bạn gái phải đồng thời là bạn nhảy sao?
- Đâu nhất thiết! Chỉ là có một điểm chung: tình yêu hay khiêu vũ thì cũng cần đạt đến cảm giác thăng hoa.
* Anh coi sàn nhảy và cuộc đời là một?
- Không. Sàn nhảy đẹp khác, đời đẹp khác. Duy chỉ có cách ứng xử với cái đẹp thì không khác nhau là mấy. Giả hạn như trên sàn nhảy mà bạn lỡ đưa một lực mạnh, sẽ làm bạn nhảy của bạn bị ngã. Ngoài đời cũng vậy, những cư xử thô lỗ, thiếu kiểm soát cũng sẽ làm đau người khác và thậm chí, gây tổn thương cho chính bạn.
* Tiếc nhỉ, Latin từng không biết dạy anh như thế!
- Latin hay Standard thì cũng thế thôi, ăn thua là phải biết tiết chế và gia giảm. Để rút ra được triết lý ấy và để biết cách “nhảy với đời”, tôi đã mất hàng bao nhiêu năm trên sàn nhảy, đã nếm đủ mọi chua cay mặn ngọt với nghề. Có câu này tôi thích, nó là của ông thầy người Ý của tôi: Khiêu vũ chỉ là một phần của miếng bánh!
* Tức là sao?
- Là không có gì là tuyệt đối cả, kể cả những đam mê mà mình nghĩ sẽ theo suốt cuộc đời.
* Ô, chứ không phải anh định suốt đời theo khiêu vũ sao?
- Đâu có gì mâu thuẫn đâu! Đi thì vẫn cứ đi tiếp thôi, nhưng không nên trầm trọng hóa mọi việc. Hãy để tất cả thật tự nhiên, khi mình thực sự yêu nó!
Đúng như dự đoán, bộ phim Emilia Perez là cái tên dẫn đầu trong danh sách đề cử giải Oscar 2025 vừa được công bố. Trong đó, dàn diễn viên góp phần làm nên thành công cho tác phẩm, đặc biệt là ba gương mặt: Karla Sofía Gascón, Selena Gomez, Zoé Saldaña.
Theo thống kê của các trang nhạc số và bảng xếp hạng âm nhạc, các ca khúc hút lượt xem lớn nhờ giai điệu trẻ trung, do các ca sĩ, rapper đình đám thể hiện.
Sự phong phú trong ẩm thực Tết mang đến nhiều trải nghiệm thú vị nhưng đôi khi lại khơi gợi mong muốn tìm đến những lựa chọn thanh mát, giàu dưỡng chất để làm mới vị giác và cân bằng khẩu vị
Trong những ngày cận kề năm mới Ất Tỵ 2025, Truyền hình K+ khiến khán giả hâm mộ thể thao không thể rời mắt khỏi màn hình với diễn biến căng như dây đàn ở 2 sự kiện "đỉnh chóp" là Ngoại hạng Anh và Australian Open 2025.
Sau một tháng triển khai, chương trình "Cùng Nestlé, Cầu Tết chất lượng trong tay" đã thu hút hơn 70.000 gia đình Việt tham gia cùng khám phá Tết chất lượng muôn hình vạn vẻ trên khắp Việt Nam.
Làn sóng việc làm năm 2024 đã đổ bộ đáng kể vào Hà Nội và TP.HCM. Từ dữ liệu thống kê của JobsGO (nền tảng tuyển dụng & tìm việc hàng đầu Việt Nam), hai trung tâm kinh tế hàng đầu quốc gia đang chứng minh vai trò cốt lõi trong việc thúc đẩy thị trường lao động
Trong văn hóa tâm linh của người Việt, mâm ngũ quả ngày Tết giữ một vị trí quan trọng, thể hiện lòng thành kính với tổ tiên và đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Tối 24/1/2025 (tức 25 tháng Chạp), tại khu vực bến Bình Đông (Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) diễn ra lễ khai mạc Chợ hoa Xuân "Trên bến dưới thuyền" Tết Ất Tỵ năm 2025.
Là một trong những vùng trồng hoa, cây cảnh lớn nằm ở ven Thủ đô Hà Nội, làng hoa Tích Giang (xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) tấp nập khách qua lại mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Lịch thi đấu bóng chuyền hôm nay ngày 25/1/2025 - Thethaovanhoa.vn cập nhật chi tiết các lịch thi đấu bóng chuyền trong và ngoài nước diễn ra ngày hôm nay
Tin nóng chuyển nhượng sáng 25/1: MU và Chelsea có thể trao đổi Nkunku và Garnacho; Trong khi đó, CLB Al Nassr muốn tăng cường sức mạnh hàng công bằng Jhon Duran.
Học viện Âm nhạc quốc gia đã ký kết hợp tác với Dàn nhạc Giao hưởng Bohemia Praha nhằm phát triển các dự án hợp tác trao đổi chuyên môn trong giai đoạn tới.
Theo chương trình, từ ngày 25-31/1, người dân có thể sử dụng miễn phí các dịch vụ xe điện và xe buýt trong phạm vi thủ đô. Chính phủ Thái Lan sẽ phân bổ khoảng 140 triệu baht từ ngân sách trung ương để bù đắp chi phí cho các đơn vị vận tải trong nước.