09/12/2011 06:00 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH Cuối tuần) - Khai thác yếu tố lạ bằng cái nhìn nhân văn, sân khấu đã lôi kéo được đông đảo khán giả đến với mình.
Đến sân khấu… đồng tính?
Một trong những vở diễn ăn khách nhất của sân khấu Thế giới Trẻ là Chuyện hai chàng (đạo diễn: Ngọc Hùng) dù không trực tiếp đề cập đến tâm sự của người đồng tính nhưng cũng có cái vỏ đồng tính và hướng đến giáo dục giới tính. Đây là chuyện của hai chàng Đồng (Khương Ngọc) - Tính (Quang Tuấn) bất đắc dĩ phải giả “bóng” để được nhận vào làm gia sư uốn nắn cô con gái quá “manly” nên bị nghi là les của ông Bá trở nên dịu dàng, nữ tính hơn. Thông điệp vở diễn khá rõ ràng qua lời của ông Bá (NSƯT Bảo Quốc): “Đồng tính không xấu, chỉ những kẻ lợi dụng giới tính trục lợi mới đáng lên án!”. Một lần nữa diễn viên Gia Bảo lại tỏa sáng với vai Jenifer 3B - Bóng Bánh Bèo nhờ phong cách diễn hài duyên dáng và… giả gái rất có nét. Bóng Bánh Bèo trở thành vai diễn nổi bật nhất của Gia Bảo thời gian qua (thậm chí còn có cả hội ủng hộ Bóng Bánh Bèo trên… Facebook). Gia Bảo cho biết mình cũng rất sợ bị “chết vai” nhưng trước “thịnh tình” của khán giả thì phải... chiều thôi (Gia Bảo đã thay gần… 10 bộ trang phục cho vai diễn “má mì” Mai, vở Kiều nữ săn đại gia, chỉ trong một đêm diễn).
Mới đây nhất, cuối tháng 11, Thế giới Trẻ đã trình làng một vở “bi kịch đồng tính” hẳn hoi là Đỏ - cam - vàng - lục - lam - tím (tác giả: Thanh Nga, đạo diễn: Ngọc Hùng), vốn là 6 màu đại diện cho giới tính thứ ba. Khác với phong cách hài nhẹ nhàng của những vở trước đó, đây là vở tâm lý đi sâu vào bi kịch của cặp tình nhân đồng tính Hoàng (Công Danh) và Minh (Hoàng Anh) trước định kiến của gia đình, xã hội. Trước sự thúc ép của gia đình Hoàng phải cưới vợ, sinh con và cuộc hôn nhân đó là bi kịch cho cả ba con người.
Tết 2011, một đơn vị tư nhân đầu tư xây dựng Nhà hát Quân đội cũng chọn một vở hài kịch đồng tính để khai trương là Mẹ kế tôi là đàn ông (tác giả: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Hoàng Duẩn). Lấy cảm hứng từ một bộ phim hài đồng tính The Birdcage (1996), nam diễn viên hài Robin Williams đảm nhận vai chính, Mẹ kế tôi là đàn ông khai thác hài tình huống chứ không dựng lên những nhân vật “bóng” để chọc cười như thường thấy. Nhiều tiếng cười nhưng vở vẫn có những phút lắng đọng bởi tình yêu của người đồng tính cũng sâu sắc như ai.
Và rất có thể khép lại năm 2011 này cũng sẽ là một vở kịch đồng tính khi kịch bản Hoa cúc dại hay Tôi là gay (tác giả: Đức Thịnh, đạo diễn: NSƯT Hồng Vân) đang trên sàn tập, dự kiến ra mắt trước Tết. Kịch bản này đã được Đức Thịnh ấp ủ từ năm 2008, và có lẽ đây là thời điểm thích hợp để vở góp vào “dòng kịch đồng tính” đang rất được quan tâm, nhất là khi vở nhìn thẳng vào vấn đề đồng tính trong giới nghệ sĩ.
Đông A
Nếu chỉ “đồng tính”, sân khấu sẽ lệch lạc
Dù chỉ hơn 1 năm tuổi nhưng sân khấu Thế giới Trẻ đã “vững chân” ở làng kịch Sài Gòn vốn nhiều cạnh tranh. Sức hút của sân khấu đến từ sự trẻ trung, tươi mới ở kịch mục lẫn dàn diễn viên trẻ đẹp và đánh trúng tâm lý khán giả trẻ: chuộng đề tài lạ, “hot”. Cũng không phải ngẫu nhiên khi nhiều người kháo nhau rằng sân khấu Thế giới Trẻ rất “được lòng” khán giả thuộc giới tính thứ ba khi số lượng các nhân vật đồng tính, cả hài hước lẫn nghiêm túc, xuất hiện trên sân khấu (lẫn khán phòng) này tương đối nhiều. Từ đó, có ý kiến rằng Thế giới Trẻ đã định hình một “dòng kịch đồng tính”. Tuy nhiên đạo diễn Ngọc Hùng, quản lý nghệ thuật của sân khấu Thế giới Trẻ, lại có nhận định khác.
“Sao nữ” đang lên Gia Bảo trong vai Bóng Bánh Bèo (áo dài) trong vở "Chuyện hai chàng" rất ăn khách trên sân khấu Thế giới Trẻ |
* Là một sân khấu mới, tại sao ngay những vở ra mắt Thế giới Trẻ lại chọn đề tài đồng tính vốn nhạy cảm, dễ gây tranh cãi để khai thác như vở Trai yêu?
- Thực sự kịch đồng tính không phải là hướng đi của Thế giới Trẻ. Nhưng khi mới ra đời, chúng tôi cần gây ấn tượng mạnh với khán giả, cần một cái gì đó để “gây sốc”. Mà đồng tính cũng là một đề tài hấp dẫn, tuy không mới. Quan trọng là chúng tôi phải làm mới hơn, nhân ái hơn chứ không phải để cười cợt. Chủ trương của Thế giới Trẻ là đưa đề tài “hot” để thu hút khán giả nhưng cốt lõi vẫn là nội dung bên trong chúng tôi làm gì để khán giả khi xem kịch thật sự được thưởng thức nghệ thuật, thấy nhiều điều được gửi gắm chứ không chỉ vì yếu tố câu khách. Rất mừng là thời gian qua, chúng tôi nhận được phản ứng rất tích cực từ khán giả. Ban đầu có thể họ đến vì tò mò nhưng rồi chất lượng các vở diễn đã thuyết phục được khán giả.
* Thế nhưng tần số xuất hiện những nhân vật đồng tính và giả gái, cụ thể là các vai diễn của Gia Bảo, trên sân khấu Thế giới Trẻ là tương đối nhiều, liệu các anh có đang… lạm dụng dạng nhân vật này?
- Với vở Trai yêu là chúng tôi “đo ni đóng giày” cho Gia Bảo, đẩy Gia Bảo lên vai thứ chính Nguyệt Hằng. Không ngờ khán giả lại quá thích vai diễn này. Chúng tôi nhận thấy mình cần có một chiêu thức mới cho diễn viên của mình nên tiếp tục đẩy Gia Bảo vào những vai tương tự (Bóng Bánh Bèo - Chuyện hai chàng, má mì - Kiều nữ săn đại gia, con ở - Lầu hoang, bà mụ vườn - Dính bầu) đều được khán giả rất yêu thích. Sân khấu vẫn còn quá mới cần phải chiều thị hiếu khán giả đã.
* Dường như sân khấu Thế giới Trẻ thu hút khá đông khán giả thuộc giới tính thứ ba?
- Theo tôi, người đồng tính thường là những người yêu thích nghệ thuật, có thẩm mỹ cao. Việc Thế giới Trẻ thu hút được một bộ phận khán giả này, cũng như bao khán giả khác làm chúng tôi vui chứ, vì chúng tôi đang đi đúng hướng và sẽ cố gắng nâng cao chất lượng nghệ thuật hơn nữa để phục vụ khán giả. Xin khẳng định là chúng tôi không cố gắng làm vở để kéo khán giả đồng tính vì nếu nhìn vào khán giả chỉ toàn thấy người đồng tính thì đó là một sân khấu lệch lạc.
Ngọc Tuyết (thực hiện)
Có một Hồ thiên nga… đồng tính?
Đàn thiên nga gồm toàn các nam diễn viên
Năm 1995, Matthew Bourne đã dàn dựng vở Hồ thiên nga, một kiệt tác của Peter Ilyich Tchaikovsky như một sự thể nghiệm độc đáo. Thay cho nàng công chúa thiên nga và bầy thiên nga bị phù phép của Hồ thiên nga cổ điển, phiên bản này biến “công chúa thiên nga” thành một chú thiên nga cô đơn và bầy thiên nga cũng do các diễn viên nam thể hiện. Từ mô-típ hoàng tử và nàng công chúa bị phù phép thành thiên nga, Matthew Bourne đã vẽ lên chân dung một cái tôi cô đơn, lạc lõng giữa cuộc đời, luôn khát khao được yêu thương nhưng lại không được đáp trả, từ ngay chính người mẹ của mình. Cho đến một ngày hoàng tử tuyệt vọng, trầm mình tự vẫn thì gặp “chàng” thiên nga. Cuộc gặp gỡ này đã mang đến cho hoàng tử cảm giác được yêu thương, được chia sẻ và bảo vệ; để đến hồi kết, khi “chàng” thiên nga chết, hoàng tử cũng đau đớn chết theo... Phiên bản này đã nhận được nhiều lời khen từ giới chuyên môn, nhiều giải thưởng tại Anh và Mỹ, đồng thời cũng hứng chịu chỉ trích từ những người yêu ballet cổ điển khi mà nó đã phá bỏ cốt truyện lãng mạn đậm chất cổ tích để đưa vào đó hình ảnh những chàng thiên nga múa, và đặc biệt là xu hướng tình yêu đồng giới giữa hai nhân vật nam chính. Một sự thể nghiệm nghiêm túc và có sáng tạo như Matthew Bourne đã làm, dẫu còn nhiều tranh cãi, vẫn là đáng khen ngợi; song với một loại hình nghệ thuật chuẩn mực và chuộng sự cổ điển như ballet thì thử nghiệm này khó thể trở thành một xu thế phát triển...
Độc giả quan tâm có thể tìm hiểu thông tin về vở diễn qua trang web: http://www.swanlaketour.com.
Hoàng tử và “chàng” thiên nga trong bản dựng Hồ thiên nga cách tân của Matthew Bourne
Hy Văn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất