Thư Nam Phi: Con cháu của Jan van Riebeeck

06/07/2010 11:20 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH)- Quá khứ thực dân đô hộ có thể là một nỗi hổ thẹn trên khía cạnh bình đẳng bác ái. Nhưng lịch sử vẫn là lịch sử. Trong bất cứ cuốn sánh du lịch nào viết về Cape Town cũng đều mở đầu bằng câu chuyện năm 1652, Jan van Riebeeck, một người Hà Lan đặt chân tới vùng đất này.

Giá trị của nó vượt lên trên cả chuyến đi của Dias, một người Bồ Đào Nha, đã tới đây trước đó gần 200 năm. Bởi nhờ có người Hà Lan, thế giới mới biết tới những giá trị vô giá của Nam Phi, các thành phố sầm uất như Johannesburg hay thơ mộng như Pretoria mới được khai mở trên các vùng đất hoang vu.

Tiếng Afrikan, một trong những ngôn ngữ chính của người Nam Phi, là một biến thể của tiếng Hà Lan. Các CĐV thuộc thế hệ thanh niên của Hà Lan hiện tại nếu có đặt chân tới Nam Phi lần đầu tiên vì World Cup, họ có thể hiểu được tối thiểu một nửa những gì người da màu ở Nam Phi nói chuyện.

Stellenbosch, một thị trấn nằm cách trung tâm Cape Town khoảng 50km, có những nét phong cảnh và kiến trúc giống như một ngôi làng ngoại ô Amsterdam. Đó là nơi của phần lớn trong số 35 ngàn người Hà Lan đang sinh sống ở Nam Phi.

Họ có một câu lạc bộ mang tên De Nederlandsche Club te Kaapstad (Người Hà Lan ở Captown), để đàn ông tới đó lập hội chơi thể thao còn phụ nữ trổ tài nấu nướng, trẻ em xem phim và người già thì dựng lều bán hàng ở chợ. Cứ ngày thứ bảy thứ hai hàng tháng, chợ phiên Huis der Nederlanden  lại họp, mặt hàng là mọi thứ có gốc gác Hà Lan.

CĐV Hà Lan tại Nam Phi- Ảnh Reuters
Chỉ cần một phần trong số cộng đồng người Hà Lan tới sân Green Point, họ sẽ biến sân bóng có sức chứa 64000 chỗ ngồi này thành sân nhà của mình.


Đã và đang có khoảng 3000 người Hà Lan ở Nam Phi, trong trận thắng Brazil 2-1. Hôm qua, lại có thêm 2 chuyến máy bay nhuộm màu cam, chở thêm gần 1000 người từ Hà Lan sang Cape Town nữa.

Trên khán đài, màu da cam sẽ áp đảo tuyệt đối màu xanh trắng của Uruguay, một đất nước chỉ có 3 triệu dân và từ ngày khai mạc World Cup tới giờ, số CĐV của họ chỉ nhiều hơn mấy đội bóng như Triều Tiên, Slovakia.

Ở dưới sân, người Hà Lan cũng sẽ áp đảo. Nếu cứ phiến diện coi trận đấu là một trò chơi đếm ngôi sao, Hà Lan sẽ chiến thắng 5 hoặc 6-1. Uruguay mất Suarez, chỉ còn Forlan làm át chủ của hàng công. Và nếu toàn diện để nhìn bóng đá là tổng thể của kỹ chiến thuật, bản lĩnh và đẳng cấp, Hà Lan cũng vẫn vượt trội.

World Cup 2010 đã chứng kiến những cái chết của các đội bóng chỉ có 1 ngôi sao. Cameroon thua ngược Đan Mạch 1-2 ở vòng bảng, trở thành đội đầu tiên bị loại chỉ vì tất cả các cầu thủ còn lại của họ ở đẳng cấp rất thấp so với Eto’o.

Uruguay đã biết vượt qua hạn chế tương tự nhờ họ có kỷ luật chiến thuật, lối chơi hợp lý và cả một chặng đường trải dài những may mắn. Nhưng Hà Lan là một thử thách lớn tới mức chưa có đội bóng nào Uruguay từng gặp ở Nam Phi lại có thể sánh ngang với họ (Pháp, Mexico, Hàn Quốc, Ghana). 

HLV  Bert van Marwijk nói, bệnh của bóng đá Hà Lan là “bay”. Họ luôn mơ mộng rất sớm. Trong quá khứ, sau mỗi chiến thắng trước các đội bóng lớn là các cầu thủ lập tức nghĩ họ đã là nhà vô địch, để rồi chưa bao giờ giành được bất cứ điều gì lớn lao ở World Cup.

Nhưng các CĐV Hà Lan mà chúng tôi gặp ở Cape Town trong mấy ngày qua bảo, có khoảng chục ngàn người Hà Lan rục rịch bay sang Nam Phi để xem trận chung kết. Nghĩa là họ chắc mẩm về một chiến thắng trước Uruguay. Lần này, người Hà Lan tính toán chắc đúng. Như Jan van Riebeeck đã đúng khi quyết định đặt chân tới Cape Town hơn 350 năm về trước.

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm