(Bài dự thi) - “Khau Vai chứa nặng lời thề
Chẳng nên chồng vợ cũng về bên nhau
Mảnh tình cất kín trong đầu
Đem về ở lại cùng nhau một ngày”...
Chợ tình Khau Vai nằm ở bản Khau Vai, xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc - cách trung tâm thị xã Hà Giang khoảng 180 km. Đây là phiên tình chợ độc đáo có một không hai, mang đậm nét văn hóa các dân tộc vùng cao phía Bắc.
Chợ tình họp vào cuối mùa xuân và chỉ họp mỗi năm một lần. Người ta đi chợ tình là đi tìm cái nửa kia của mình để thành nên duyên chồng vợ, là đi tìm người mình đã từng hết dạ yêu thương nhưng do tình duyên trắc trở mà không lấy được nhau, nay đi chợ tình là để đổ thương nhớ, đổ hờn giận vào nhau, để giãi bày tâm sự…
Tích xưa kể rằng, Khau Vai là nơi dừng chân cuối cùng của một đôi tình nhân chạy trốn không thành. Chàng trai người H'mông yêu cô gái Giáy, nhưng bởi sự hiềm khích của hai bộ tộc nên họ dắt nhau chạy trốn đến nơi đây. Lại cũng có chuyện kể rằng: Cô gái Giáy yêu chàng trai người H'mông, nhưng cô gái bị ép gả cho một người khác, nên hai người dắt nhau chạy trốn...Người của hai dòng họ bắt được đôi tình nhân khi họ lạc tới Khau Vai. Để tránh một mối thù truyền đời giữa hai tộc họ, đôi tình nhân đành chấp nhận chia tay, lấy Khau Vai làm nơi hẹn gặp mỗi năm, cho đến khi từ giã cõi đời.
Ngày họ dừng bước chân trốn chạy, là ngày 27 tháng 3 âm lịch.
Theo tiếng địa phương thì Khau Vai có nghĩa là song mây ý muốn nói đây là vùng đất có nhiều song mây song cũng có ý nói tình cảm của đôi trai gái gắn bó, quấn quýt như cây song, cây mây trên các ngọn núi quanh vùng.Câu chuyện hôm qua và cuộc sống hôm nay có cái gì đó hư hư thực thực, góp phần tạo nên sức lôi cuốn kỳ lạ về mảnh đất nơi đây.
Tôi theo dòng người “chảy” về Khau Vai trong cái rét nàng Bân muộn màng của những ngày cuối tháng Tư. Đây có lẽ là chuyến đi để lại trong tôi những ấn tượng rất sâu sắc về mảnh đất nơi địa đầu Tổ Quốc. Đây đó đã vang lên những tiếng khèn, tiếng hát..Những khúc “Khơ chìa planh” thật giản dị mà say đắm, những lời tỏ tình mộc mạc và dễ thương đã được những đôi trai gái trong đêm chợ thổi vào tình yêu chân thật như chính cuộc sống của họ...
“Anh ở đâu?
Anh có nghe tiếng Em gọi Anh da diết
Dù kiếp này chúng mình không thành chồng thành vợ
Rồi những mùa rẫy sẽ qua
Chúng mình sẽ thành ông, thành bà
Hãy đến đây để hát cùng Em, để uống cùng Em bát rượu đầy
Để trời đất thấy rằng ta vẫn có nhau...”
Và tôi đã khóc khi trông thấy một người đàn ông đi bộ mấy chục cây số đến chợ tình để tìm lại những kỉ niệm của một mối tình đầu sâu đậm, tìm lại hình bóng của một người con gái mà Anh đã từng hết lòng yêu thương. Anh kể chuyện với giọng buồn buồn...Anh chị yêu nhau nhưng không lấy được nhau vì nhà Anh nghèo quá. Rồi Chị lấy chồng…Từ ngày ấy, năm nào Anh cũng đi chợ tình, cũng đợi chị...Đã ba năm rồi,...vậy mà Anh vẫn nói: “Chẳng sao cả...Sang năm, tao vẫn sẽ lại đi chợ tình”. Và tôi đã khóc...Bởi trong câu chuyện tình của Anh, tôi còn thấy cả câu chuyện của mình nữa...
Nhiều người tìm đến chợ tình để tìm lại chút thanh thản, bình yên trong tâm hồn. Sau một đêm ở Khau Vai, một ngày ở chợ tình, có thể du khách sẽ chẳng mua bán được gì nhưng chúng ta sẽ hiểu sâu hơn về giá trị tình yêu và cuộc sống để thấy yêu thương nhiều hơn, thấy nâng niu, trân trọng, giữ gìn Hạnh phúc nhiều hơn...
…Rượu đã hết, chợ đã tan, giờ chia tay đã đến... Ở ven đường, men theo các sườn núi, các vách đá... từng đôi nam nữ bịn rịn chia tay nhau. Họ hẹn hò gặp nhau vào một thời gian sớm nhất, còn nếu duyên chưa thắm thì hẹn đến phiên chợ tình năm sau...
"Nhìn nhau trao nhẫn, trao khăn
Mặt trời ý tứ lùi dần vào mây,
Chưa gì đã phải chia tay
Năm sau hẹn nhé - một ngày Khau Vai"…
Hà Thu Trang
(bài viết sử dụng ảnh của Alvin Cát Miên)