Không ngồi bên bàn đàm phán Mỹ-Triều, Trung Quốc phủ bóng ảnh hưởng ra sao

13/06/2018 20:07 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Trang nhất tờ Rodong Sinmum đăng hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un bước xuống sân bay Singapore với chiếc máy bay in hình quốc kỳ Trung Quốc nổi bật, như một thông điệp rằng, dù không có quan chức Trung Quốc nào tham dự Hội nghị, cái bóng của Bắc Kinh vẫn bao trùm tới đảo Sentosa.

Khi ông Kim Jong-un đặt chân tới Singapore ngày 11/6 để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều vào ngày hôm sau, nhà lãnh đạo Triều Tiên bước xuống từ một chiếc máy bay của Air China và phần lớn hành trình bay của ông Kim là ngang qua lãnh thổ Trung Quốc. 

Chú thích ảnh
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Singapore trên máy bay của Air China, in hình quốc kỳ Trung Quốc. Ảnh: Yonhap

Trước đó, hồi tháng 3, khi Tổng thống Trump lần đầu đồng ý gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Trung Quốc tưởng chừng bị gạt ra bên lề. Nhưng ngay sau đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã dành chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Bắc Kinh. Thậm chí, ông còn tới Trung Quốc gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình hai lần liên tiếp chỉ trong vòng 1 tháng.

Người chiến thắng "đứng ngoài cuộc"

Trong cuộc họp báo hậu Thượng đỉnh Mỹ-Triều, Tổng thống Trump đã dành những lời tán dương “một con người rất đặc biệt, Chủ tịch Tập của Trung Quốc” vì sức mạnh vai trò của ông trong kiến tạo cuộc gặp lịch sử này. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định, ông Tập là một “người tuyệt vời, một người bạn của tôi và thực sự là một nhà lãnh đạo vĩ đại của người dân đất nước ông”. “Tôi muốn cảm hơn họ vì những nỗ lực đã giúp chúng tôi đi tới ngày lịch sử này”.

Sau đó, ông Trump cho biết, Mỹ đang “phối hợp với Trung Quốc” để hoàn thiện chi tiết những cam kết được đưa ra trong Tuyên bố chung Mỹ- Triều tại Sentosa.  Khi được hỏi về vai trò tiềm tàng của Trung Quốc trong một hiệp định hòa bình với Triều Tiên, ông Trump trả lời: “Tôi muốn họ tham gia… Tỗi nghĩ rằng sẽ rất tốt khi có Trung Quốc tham gia và tất nhiên, cả Hàn Quốc”.

Chú thích ảnh
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều đi dạo trong khuôn viên khách sạn Capello sau cuộc họp. Ảnh: AFP

Ngay sau khi hội nghị Mỹ - Triều kết thúc, quan chức Trung Quốc cũng đã nhanh chóng khẳng định vai trò “không thể tranh cãi” của Bắc Kinh đối với những kết quả của cuộc gặp. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu: “Phải công bằng mà nói rằng, cách tiếp cận thích hợp và những sáng kiến do Trung Quốc đề xuất đã đóng vai trò xây dựng và tích cực trong việc đưa tình thế trên bán đảo đi tới những gì diễn ra hiện nay”.

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất, đồng minh quan trọng nhất của Triều Tiên, đã không có mặt bên bàn đàm phán ở khách sạn Capello, Singapore nhưng Bắc Kinh đang nổi lên như là một người chiến thắng. Hai đề xuất quan trọng của Trung Quốc nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên đã được chấp nhận tại Hội nghị Mỹ - Triều. 

Thứ nhất là ý tưởng “đóng băng kép” mà Bắc Kinh đưa ra nhằm kêu gọi Triều Tiên ngừng chương trình tên lửa và hạt nhân trong khi Mỹ - Hàn ngừng tập trận quân sự chung. Phát biểu sau Hội nghị, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ chấm dứt “những cuộc chơi chiến tranh” với Hàn Quốc, mà ông cho là “quá tốn kém” và “khiêu khích”.

Thứ hai, Trung Quốc từ lâu đã đề xuất ý tưởng “đường ray song song”, nơi tiến trình phi hạt nhân hóa diễn ra song hành với các cuộc đàm phán riêng rẽ về bình thường hóa quan hệ Mỹ - Triều và ký kết hiệp định hòa bình chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-19530. Thì tại Hội nghị vừa qua, trong Tuyên bố chung hai nhà lãnh đạo Trump - Kim đã nêu rõ cam kết xây dựng “mối quan hệ Mỹ - Triều mới”, xây dựng “một nền hòa bình lâu dài và bền vững trên bán đảo Triều Tiên”, và “phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo”.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 12/6 khẳng định, cả hai đề xuất “đóng băng kép” và “đường ray song song” của Bắc Kinh đều đã được chấp nhận.

Xét một cách toàn diện thì Trung Quốc có nhiều điều để hài lòng với Hội nghị Trump-Kim. Những nội dung mang nhiều tính biểu tượng, chưa được chi tiết hóa tại Hội nghị, đã cho thấy vai trò lớn của Trung Quốc trong các quá trình đàm phán thực chất tiếp theo nhằm đi đến những thỏa thuận chi tiết và thực tế.

Video điểm lại những diễn biến chính tại Hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều

Vai trò của Trung Quốc sau Hội nghị

Một câu hỏi lớn đặt ra lúc này là vai trò tiềm tàng của Trung Quốc trong tiến trình sắp tới. 

Mặc dù Trung Quốc không chính thức liên quan đến hội nghị lịch sử, ảnh hưởng của họ tới Triều Tiên là điều các bên đều cảm nhận được, và một thoả thuận mang nhiều tính biểu tượng mà cuộc gặp Trump – Kim đạt được đã càng cho thấy rõ vai trò của Bắc Kinh trong tiến trình phi hạt nhân hoá và hoà bình trên bán đảo Triều Tiên.

“Điều này cho thấy còn nhiều khác biệt giữa Washington và Bình Nhưỡng, và không thể giải quyết chỉ qua một cuộc gặp thượng đỉnh”, ông Cheng Xiaohe, chuyên gia các vấn đề Triều Tiên tại trường Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận xét. “Nếu không có sự ủng hộ từ Trung Quốc sẽ rất khó khăn để Washington và Bình Nhưỡng xúc tiến tiến trình hoà bình và phi hạt nhân hoá. Trung Quốc – và các bên trong khu vực bao gồm Nhật Bản và Nga – có thể đóng vai trò trong những nỗ lực tiếp theo” - ông Cheng bình luận.

Chú thích ảnh
Nhà lãnh đạo Triều Tiên thăm Bắc Kinh trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi lên lãnh đạo đất nước. Ảnh: AFP

Trong khi đó, phát biểu với truyền thông sau cuộc gặp thượng đỉnh, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ gọi điện cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận về hội nghị. “Trung Quốc là một nước lớn và họ có một nhà lãnh đạo tuyệt vời là bạn của tôi. Tôi tin rằng ông ấy sẽ vui vì chúng tôi đã đạt được tiến triển này. Tôi chờ nghe tin từ ông ấy. Tôi sẽ sớm gọi ông ấy". Ông Trump cũng bày tỏ hy vọng cả Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế Triều Tiên. 

Từ Hàn Quốc, trả lời truyền thông Trung Quốc, ông Chung In-moon, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Moon Jae-in về đối ngoại và an ninh quốc gia cũng cho rằng, vai trò của Bắc Kinh trong tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên “sẽ lớn hơn trong tương lai”.

“Cho đến lúc này, vấn đề bán đảo Triều Tiên đang tiến triển hầu như theo hướng Trung Quốc đặt hy vọng, và sau hội nghị Kim-Trump tại Singapore, vai trò của Trung Quốc chắc chắn sẽ lớn hơn” - ông Chung In-moon phát biểu.

Tuy vậy, các nhà phân tích cảnh báo, vẫn còn nhiều thách thức phía trước, đặc biệt là do hai bên chưa đạt được bất cứ thỏa thuận cụ thể nào về tháo dỡ kho vũ khí hạt nhân Triều Tiên – một mối đe dọa nơi cửa ngõ Trung Quốc. 

Hiện tại "rất nhanh sau hội nghị, Bắc Kinh đã kêu gọi dỡ bỏ trừng phạt quốc tế chống Bình Nhưỡng, một động thái cho phép Trung Quốc tăng cường hoạt động thương mại qua biên giới phía đông bắc với Triều Tiên”, ông Lu Chao, chuyên gia quan hệ liên Triều tại Viện Khoa học xã hội Liêu Ninh (Trung Quốc) nhận xét. “Với tư cách một nước láng giềng, vai trò của Trung Quốc là lãnh lấy trách nhiệm lớn hơn như một cường quốc khu vực. Trung Quốc là nhà trung gian quan trọng giữa Mỹ và Triều Tiên, và Bắc Kinh sẽ tiếp tục duy trì vai trò này”, ông Lu cho biết.

Dự kiến, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ thăm Bắc Kinh ngay ngày 14/6 để thảo luận về những vấn đề tại Hội nghị ở Sentosa.

Tổng thống Mỹ khẳng định Triều Tiên không còn là mối đe dọa hạt nhân

Tổng thống Mỹ khẳng định Triều Tiên không còn là mối đe dọa hạt nhân

Triều Tiên không còn là mối đe dọa hạt nhân. Đây là tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/6 trên trang Twitter ngay sau khi ông trở về thủ đô Washington sau cuộc gặp thượng đỉnh mang tính đột phá với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 12/6 tại Singapore.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm