Không gian sáng tạo từ các nhà máy cũ ở Hà Nội: Giải bài toán lợi ích

28/12/2020 16:15 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hà Nội còn vô số các nhà máy cũ trong nội thành, xu hướng sẽ di dời ra khỏi nội đô tránh gây ô nhiễm. Nhưng giờ đây, người ta không nhìn nhận các cơ sở này là ứ tồn đô thị hay phế tàn, mà được xem là cơ hội tạo ra các không gian sáng tạo.

Để nhà máy thành không gian sáng tạo

Để nhà máy thành không gian sáng tạo

Chúng ta đang có những cơ hội tuyệt vời – và cũng là cơ hội cuối cùng – để tạo dựng cho Hà Nội những không gian sáng tạo rộng lớn từ hệ thống những nhà máy cũ. Đó là lời khẳng định của rất nhiều diễn giả trong cuộc tọa đàm “Chuyển đổi di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo Hà Nội” diễn ra vào sáng qua 16/12

Từ khi Hà Nội trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, việc chuyển đổi các nhà máy ở Hà Nội thành các không gian sáng tạo đang được nhiều người tính đến. Tuy vậy, để các khu đất vàng này chuyển đổi thành không gian sáng tạo, bên cạnh việc tạo ra một không gian văn hóa hấp dẫn, bài toán lợi ích cũng đang được đặt ra để có thể thuyết phục các chủ đất.

Nhà máy cũ dưới góc nhìn của di sản

Với con số 28 điểm công nghiệp trên thế giới được vinh danh Di sản thế giới, sẽ thấy được phần nào những giá trị các nhà máy, xí nghiệp cũ mang lại và có thể gói gọn vào cụm từ "Di sản công nghiệp". Các nhà máy, xí nghiệp cũ có thể kể lại câu chuyện lịch sử của một địa phương, một quốc gia thông qua hạ tầng nhà xưởng, kho bãi, cấu trúc lẫn ký ức, sinh hoạt xã hội trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Nó còn được coi là hiện thân của văn minh công nghiệp, hàm chứa các giá trị lịch sử, kiến trúc, công nghệ, xã hội, khoa học, thẩm mỹ và giá trị nhân văn.

Việc chuyển đổi các nhà máy cũ thành các không gian sáng tạo không còn là điều xa lạ ở nước ngoài. Điển hình, khu tổ hợp công nghiệp mỏ than Zollverin ở Đức được "biến" thành không gian bảo tàng than đá, không gian triển lãm và công viên sáng tạo trên cơ sở tái tạo mỏ than lớn nhất thế giới từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Hay, khu văn hóa nghệ thuật sáng tạo 789 Art Zone ở Bắc Kinh được chuyển đổi từ nhà máy công nghiệp điện tử cũ trên cơ sở giữ nguyên bản theo phong cách Bauhaus…

Chú thích ảnh
Một không gian sáng tạo từ nhà máy cũ

Còn tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, việc chuyển đổi các nhà máy cũ thành các không gian sáng tạo vẫn còn là điều mới mẻ. Dù đã có một số địa điểm tại Hà Nội chuyển đổi thành công như: Nhà máy In cũ của báo Nhân Dân (phố Tràng Tiền) thành Trung tâm Văn hóa Pháp, cơ sở sản xuất của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2 (phố Trần Thánh Tông) thành tổ hợp Zone 9 (cũ), nền một nhà máy cũ khác cũng biến thành khu tổ hợp Complex 01 (phố Tây Sơn)…

Hiện tại, Hà Nội không chỉ thiếu không gian công cộng mà các không gian sáng tạo để phục vụ đời sống tinh thần của người dân cũng không có nhiều. Theo kế hoạch của thành phố, sẽ có 92 nhà máy trong nội đô nằm trong diện phải di dời ra ngoài để tránh gây ô nhiễm môi trường, giảm sức ép hạ tầng xã hội, diện tích đất đã di dời dành cho các công trình công cộng. Đây sẽ là cơ hội tốt để Hà Nội phát triển các không gian sáng tạo, biến các nhà máy cũ thành các không gian giàu cảm xúc.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia chia sẻ: "Việc đầu tiên chúng ta nên thận trọng đánh giá, cân nhắc việc có nên xóa bỏ các nhà máy cũ khi di dời đi hay không? Bởi nhiều nhà máy có kết cấu đẹp, có thể kể các câu chuyện lịch sử và khi chúng ta đưa nghệ thuật đương đại vào, nó sẽ trở nên hấp dẫn, có thể biến Hà Nội trở thành nơi đáng sống. Việc chuyển đổi có thể toàn bộ hoặc bán phần". Bà Phạm Thúy Loan cho rằng, cần xem các nhà máy cũ là những giá trị quý báu, từng bước hiện thực hóa các không gian và cộng đồng sáng tạo. Đây là quỹ đất trống cuối cùng của Hà Nội, nếu bỏ lỡ cơ hội chuyển đổi thành không gian công cộng, không gian sáng tạo, chúng ta sẽ mất cơ hội mãi mãi.

Đồng quan điểm này, ông Trương Ngọc Lân, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, dấu ấn kiến trúc của các nhà máy cũ hoàn toàn khác biệt, có không gian rộng lớn nên phù hợp làm không gian sáng tạo. Hơn nữa, các nhà máy này nằm ở nội đô Hà Nội, thuận lợi thu hút người dân đến tham dự.

Cần giải quyết bài toán lợi ích

Chủ trương là vậy nhưng hầu hết những nhà máy đã di dời đều sử dụng diện tích đất cho xây dựng các chung cư, trung tâm thương mại. Theo khảo sát tại quận Thanh Xuân và Hai Bà Trưng, với 39 nhà máy nằm trong danh sách ưu tiên di dời, đã có 21 nhà máy đã thực hiện chuyển đổi sử dụng đất; trong đó, có 19 địa điểm trở thành tổ hợp chung cư, một địa điểm xây dựng trường đại học tư nhân và một địa điểm bị giải phóng phục vụ xây dựng đường trên cao.

Vì vậy, khi xây dựng không gian sáng tạo sẽ luôn gặp khó về vấn đề đất đai, nếu không tạo ra giá trị rất lớn từ không gian đó sẽ không bao giờ lấy được địa điểm các nhà máy cũ. Do đó, để các nhà máy này trở thành không gian sáng tạo cần có hướng đi khả thi và mang lại nguồn lợi cao, mới thuyết phục được các chủ đất đồng thuận trong chuyển đổi.

Kiến trúc sư Phạm Duy Tùng, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang cho rằng, không một công trình đất công nghiệp nào không có chủ. Bởi thế các nhà đầu tư không gian sáng tạo cần có sự hợp tác lớn từ các chủ đất và tạo ra giá trị lớn để thuyết phục được chủ đất. Dự án của đơn vị anh Tùng đã thực hiện đúng theo quy hoạch, đảm bảo đất công cộng, đất trường học và các chức năng khác. Theo anh Tùng, để không gian công cộng "sống" được cần đặt ra vấn đề nguồn lực, trong đó có nguồn lực liên quan đến chính quyền và từ phía nhà đầu tư.

Đây là vấn đề lớn, cần xem xét cẩn trọng việc sở hữu và tạo quyền lợi khi chuyển đổi các nhà máy cũ thành các không gian công cộng, không gian sáng tạo. Tuy nhiên, theo Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia Phạm Thúy Loan, không phải không có điểm sáng và lối đi cho vấn đề này. Khi làm việc với các nhà máy có kế hoạch chuyển đổi, bà nhận thấy, nếu mảnh đất đó biến thành công trình công cộng, quyền lợi của họ bị đóng lại hoàn toàn, việc đó hầu như các chủ nhà máy không muốn. Nhưng nếu tạo ra một không gian có khả năng sinh lời sẽ dễ dàng thuyết phục chủ nhà máy. Có thể họ vẫn sở hữu mảnh đất đó, sẽ vận hành nó theo mô hình có khả năng sinh lời nhưng họ phải chủ động di chuyển nhà xưởng ra ngoại thành, đây là mô hình có tính khả thi.

Từ thực tế, nếu chuyển toàn bộ Nhà máy bia Hà Nội ra khỏi nội thành, sức sống mảnh đất đó sẽ "chết". Vì vậy, họ vẫn nên sở hữu, làm bảo tàng bia và tổ chức các sự kiện văn hóa. Điều này có nghĩa doanh nghiệp gần như đồng hành với quá trình sáng tạo. Hoặc Nhà máy Thuốc lá Thăng Long đã sẵn sàng chuyển đổi thành khu chung cư nhưng đang gặp một số lý do về chính sách nên đang tạm thời dừng lại. Khu vực này có thể biến thành không gian sáng tạo, chủ sở hữu vẫn được hưởng lợi, các nhà đầu tư có cơ hội và thành phố cũng được hưởng lợi. Bà Phạm Thúy Loan cho rằng, chúng ta chưa có đối thoại cởi mở với các bên liên quan và vấn đề này cần giải quyết trong thời gian tới, để tạo tiếng nói chung.

Bên cạnh đó, các vấn đề quy hoạch, chính sách… cũng được bàn thảo nhiều để hiện thực hóa ý tưởng chuyển đổi các nhà máy cũ thành các không gian sáng tạo. Dù còn nhiều khó khăn, song ý tưởng thiết kế các không gian sáng tạo từ các nhà máy cũ đang nhận được sự quan tâm và đồng thuật của các cơ quan quản lý, các tổ chức và người dân Thủ đô, để từng bước đưa Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á trong lĩnh vực thiết kế.

Đinh Thuận - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm