25/01/2023 09:03 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Với nhiều học sinh năm cuối cấp, Tết không phải là thời gian được nghỉ mà là thời gian "vắt kiệt sức để học".
Tết là thời điểm người lớn được nghỉ làm, sinh viên, học sinh được nghỉ học để cả gia đình có những ngày quây quần, sum họp hay thảnh thơi du xuân như bỏ quên bao bộn bề lo toan của cuộc sống. Tuy nhiên, với nhiều học sinh năm cuối cấp, Tết không phải là thời gian được nghỉ mà còn là lúc... "vắt kiệt sức để học".
Lên kế hoạch tự học xuyên Tết
Khi tiếng trống trường vang lên cũng là lúc những tiết học cuối cùng của năm cũ khép lại. Đúng theo tiêu chí "một kỳ nghỉ Tết ý nghĩa cho học sinh", nên năm nay lượng bài tập về nhà của Lê Thị Vân Anh - học sinh lớp 9 tại Hà Nội không quá "đồ sộ" như mọi năm. Dẫu vậy, cô bạn vẫn tự mình lên kế hoạch ôn tập lại kiến thức trong dịp nghỉ Tết Quý Mão.
Được biết, chỉ còn vài tháng nữa thôi là Vân Anh sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập của thành phố Hà Nội. Năm nay, cô bạn đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) - một trong những ngôi trường chuyên có tiếng bậc nhất Hà Nội với điểm chuẩn cao "ngất ngưởng", bởi vậy nên Vân Anh cảm thấy vô cùng áp lực. Với sức học của mình, Vân Anh biết rằng bản thân phải cố gắng rất nhiều thì mới có thể đạt được nguyện vọng của bản thân.
Lo lắng, hoang mang không chỉ là tâm lý chung của các bạn học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thì chuyển cấp, mà đối với các sĩ tử lớp 12, đây cũng là lúc "ngồi trên đống lửa" khi không biết dành thời gian học tập hay vui chơi mấy ngày nghỉ lễ mới là hợp tình, hợp lý.
Dù đã được nghỉ Tết vài ngày, nhưng Lê Tiến Thành (học sinh lớp 12, Quảng Ninh) vẫn chưa bước chân ra khỏi nhà. Theo chia sẻ của bố mẹ Thành, năm nay mọi việc chuẩn bị Tết như: dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, rửa lá bánh... gần như Thành không phụ giúp được gì cho bố mẹ, bởi ngày nào Thành cũng "cắm" mặt vào bàn học học từ 9 giờ sáng cho đến 12 giờ trưa. Nghỉ ngơi khoảng 2 tiếng, sau đó cậu lại tiếp tục "vắt kiệt sức để học".
Không phải Thành tự tạo áp lực cho mình mà chăm chỉ đến vậy. Cậu bạn cũng muốn được vui chơi, nghỉ ngơi như mọi người, nhưng nam sinh hiểu rõ được rằng đây chính là thời điểm thích hợp để có thể ôn lại những kiến thức còn thiếu cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 sắp tới.
"Năm nay mình chọn thi ban D (Toán, Văn, Anh). Hai môn Toán, Văn mình có nền tảng kiến thức khá tốt, bằng chứng là điểm 2 môn này của kỳ thi kết thúc học kỳ 1 vừa rồi mình đạt điểm khá cao. Tuy nhiên, môn tiếng Anh của mình lại không thực sự tốt, đặc biệt là ở phần ngữ pháp. Do đó, 13 ngày nghỉ Tết sắp tới mình sẽ tập trung ôn lại thật kỹ phần ngữ pháp tiếng Anh.
Lý do mình quyết định như vậy là vì ra Têt, dường như mình bắt đầu chuẩn bị bước vào giai đoạn giải đề. Nên hiện tại phải tranh thủ ôn tập kiến thức, không đến lúc làm đề mà thấp lẹt đẹt chắc mình xấu hổ lắm", Tiến Thành chia sẻ.
Tương tự, Linh Anh (học sinh 12, trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội) cũng tranh thủ mấy ngày nghỉ Tết Nguyên đán để ôn thi thêm. Theo đúng dự định của bản thân và gia đình, năm nay Linh Anh sẽ dự thi thêm cả kỳ thi Đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội bên cạnh thi tốt nghiệp THPT 2023. Không chỉ có vậy, cô bạn còn ôn luyện thêm cả IELTS để tăng cơ hội trúng tuyển vào đại học cho mình. Với ngần ấy kỳ thi cần phải "chinh phục", Linh Anh giãi bày nếu không tận dụng từng giây từng phút nào để ôn thì sẽ chẳng thể nào ôn tập đủ kiến thức cả.
"Năm nay Hà Nội cho học sinh nghỉ Tết 10 ngày thì mình dành cả 10 ngày đấy để luyện thi IELTS. Bởi ra Tết dăm bữa nửa tháng nữa thôi là mình sẽ phải thi chứng chỉ này để xét tuyển đại học rồi. Nhiều lúc mệt lắm, cũng muốn nghỉ ngơi thảnh thơi nhưng mình sợ sẽ không học kịp. Bởi 3 phương thức xét tuyển mình chọn cho kỳ thi năm nay format đề thi rất khác nhau, phạm vi kiến thức mình ôn luyện cũng rất khác nhau nên mình phải ôm đồm một núi kiến thức. Nếu không tranh thủ ôn thì sao mà có thể kịp được", cô này bày tỏ
Nhiều lúc mệt mỏi lắm, nhưng...
Trước kỳ nghỉ Tết, chị Trịnh Thủy (Hà Nội) - một người mẹ có con chuẩn bị thi đại học đã làm công tác tư tưởng cho con rằng năm nay có thể không được nghỉ Tết, chơi Tết nhiều như năm trước bởi kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến rất gần. Biết là vậy nhưng gia đình chị không thúc con học quá nhiều, chỉ khuyên con ôn tập lại kiến thức nhẹ nhàng mà thôi.
"Con tôi năm nay chọn nguyện vọng 1 vào trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Điểm chuẩn của FTU thì năm nào cũng cao, đâm ra con muốn đỗ thì phải học tập chăm chỉ. Dù đã có IELTS 7.5 nhưng tôi vẫn không an tâm để con chắc suất đỗ vào Ngoại Thương. Do đó, gia đình đã động viên con đã đăng ký thi thêm cả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội nữa. Nhiều lúc nhìn con ngồi học đến muộn tôi cũng xót con lắm, nhưng học tập vẫn quan trọng hơn", chị Trịnh Thủy chia sẻ.
Thật ra bản thân Thu Tuyết - con của chị Trịnh Thủy cũng mong muốn được học xuyên Tết để bù đắp kiến thức còn thiếu cho những kỳ thi sắp tới. Dẫu tự nguyện học tập, nhưng cô bạn vẫn không thể giấu nổi sự mệt mỏi hiện hữu trên khuôn mặt. Nhiều lúc cô bạn cảm thấy chạnh lòng, nhìn anh chị họ hàng đăng ảnh đi du xuân cũng thấy chút buồn nhưng kỳ thi đang đến rất gần rồi nên cô bạn đành chấp nhận. Mỗi khi ý định "nuông chiều" bản thân le lói trong đầu sẽ nhanh chóng bị cảnh tượng bản thân thảnh thơi nghỉ Tết trong khi các "đối thủ" khác ngồi ôn luyện cật lực đánh bại và Thu Tuyết lại bật dậy ôn luyện ngay lập tức.
"Vào tháng 3 sắp tới Đại học Quốc gia Hà Nội dự định sẽ tổ chức thi Đánh giá năng lực đầu tiên và mình định đăng ký thi vào đợt đó. Thời gian gấp rút lắm rồi, vì ngôi trường đại học mơ ước nên mình đành chấp nhận mất Tết năm nay, năm sau đỗ nguyện vọng 1 rồi ăn bù tết cũng chẳng muộn", cô bạn nói.
Việc học xuyên Tết khiến sức khỏe, ngoại hình của Lê Thanh Tùng (học sinh lớp 12, trường THPT Việt Đức, Hà Nội) bắt đầu giảm sút đi đôi chút. Theo chia sẻ, học xuyên Tết khác so với học ngày bình thường ở chỗ, lúc nào trong bàn học cũng có đồ ăn để nhâm nhi. Chính vì lẽ đó mà cân nặng của của Thanh Tùng tăng lên... không kiểm soát. Mặt thì bắt đầu nổi mụn nhiều do thức đêm học muộn hơn so với thời gian trước. Dẫu vậy, Thanh Tùng vẫn sẽ quyết tâm vì mục tiêu duy nhất: đỗ nguyện vọng 1.
Tóm lại, lựa chọn việc học tập hay vui chơi ngày Tết đến từ quyết định của mỗi người. Nhưng Tết là khoảng thời gian quý báu để chúng ta được nghỉ ngơi, thư giãn sau những tháng ngày học tập đầy căng thẳng. Bên cạnh việc học, các bạn học sinh cũng nên sắp xếp lại thời gian biểu để dành thời gian để vui chơi nhé!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất