Không cắt dây rốn để con thông minh: Coi chừng nhiễm trùng

28/09/2016 12:24 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Hiện nay, nhiều bà mẹ truyền tai nhau phương pháp sinh con không cắt dây rốn ngay sẽ giúp trẻ thông minh hơn. Tuy nhiên, việc làm này có thể gây ra nhiễm trùng, ảnh hưởng đến trẻ…

Đang ở trong những tuần cuối của thai kỳ, Hà Phương (Hà Đông, Hà Nội) vô cùng lo lắng. Hàng ngày, bên cạnh thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, Phương còn lên mạng tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm của những bà mẹ đã từng sinh con. Tình cờ lướt qua một diễn đàn, Phương thấy mọi người chia sẻ nhau phương pháp “Liên sinh”. Theo đó, những đứa trẻ được sinh ra theo phương pháp này sẽ có trí thông minh hơn bình thường. “Là mẹ, có ai không mong muốn con mình sinh ra khoẻ mạnh, thông minh. Thấy các mẹ chia sẻ là phương pháp liên sinh có nhiều ưu điểm nhưng không biết thực khư như thế nào. Sắp tới thời điểm sinh rồi, mình cũng đang rất hoang mang”, Phương chia sẻ.

Vậy phương pháp liên sinh là gì? "Liên sinh" hay còn gọi là phương pháp sinh con Hoa sen (tên tiếng Anh là Lotus birth) – là phương pháp sau khi sinh, bác sĩ không cắt dây rốn như bình thường mà để nó tự rụng. Phương pháp sinh này được rất nhiều phụ nữ phương Tây áp dụng.


Phương pháp sinh con hoa sen được áp dụng nhiều ở nước ngoài

Nhiều tài liệu cho rằng, phương pháp liên sinh có khá nhiều lợi ích. Cụ thể, nhờ không cắt dây rốn, em bé sẽ có thể nhận và hấp thụ đủ những dưỡng chất từ nhau thai cho đến khi cuống nhau khô và rụng. Việc này cũng tăng tăng thời gian nghỉ ngơi cho mẹ và kéo dài cảm giác an toàn của bé. Mẹ và bé được ở cùng nhau, tăng sự liên kết giữa hai mẹ con. Những em bé sinh ra theo phương pháp này cũng sẽ có hệ miễn dịch tốt hơn so với những đứa trẻ sinh bình thường khác, nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, thiếu máu, bệnh mắt sẽ giảm đáng kể. Đặc biệt, vì lượng máu ở cuống rốn có giá trị dinh dưỡng rất cao, chứa nhiều tế bào gốc quan trọng nên khi không cắt dây rốn, đứa trẻ sinh ra sẽ có trí thông minh cao hơn. Đồng thời, cuống rốn rụng một cách tự nhiên sẽ giúp trẻ có một cái rốn đẹp.


Trái với những chia sẻ trên, Bác sĩ Lê Thị Thu Hà (Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM) cho hay, mặc dù phương pháp sinh Lotus birth khá phổ biến ở các nước phương Tây nhưng đến nay, tại bệnh viện Từ Dũ, chưa có bà mẹ nào sinh bằng cách này. Theo đó, hiện chỉ có phương pháp sinh chậm cắt dây rốn từ 1 - 2 phút, khi máu dây rốn không đập nữa thì bác sĩ sẽ cắt đi. Cũng theo chia sẻ của bác sĩ Hà, chất dinh dưỡng từ nhau thai tuy rất tốt cho sức khỏe của trẻ sơ sinh, nhưng việc những chất này sẽ giúp trẻ thông minh thì chưa có nghiên cứu khoa học nào xác định.

Hilda Hutcherson, một giáo sư về sản khoa và phụ khoa tại Đại học Columbia cũng cho hay, không có bằng chứng khoa học cho thấy rằng giữ lại dây rốn sẽ đem lại lợi ích sức khỏe cho em bé. Hiện đã có nghiên cứu trong vài năm qua cho thấy rằng khi các bác sĩ trì hoãn cắt dây rốn khoảng 3 phút, các em bé nhận được lượng sắt nhiều hơn, giúp ngăn chặn bệnh thiếu máu, nhưng ngoài khung thời gian trên, để lại các dây rốn không còn cung cấp thức ăn dinh dưỡng cho em bé.


Ngoài ra, phương pháp giữ lại dây rốn và nhau thai sau khi sinh sẽ gây ra khó khăn trong việc chăm sóc và giữ gìn vệ sinh cho trẻ. Thực tế, sau khi sinh con xong, sức khỏe các mẹ rất yếu, chăm sóc một đứa trẻ theo cách sinh thông thường đã rất khó rồi chứ chưa nói đến cách sinh theo phương thức giữ nhau thai. Nếu giữ nhau thai, điều quan trọng là phải giữ vệ sinh cơ thể cho trẻ ở môi trường vô trùng. Nếu không, nguy cơ bị nhiễm trùng là không thể tránh khỏi, thậm chí, sinh mạng của bé còn có thể bị đe doạ.

Sinh con là một quá trình khó khăn, sau khi sinh, tính mạng của trẻ và mẹ là quan trong nhất. Do đó, trước khi đi theo một trào lưu, xu hướng nào đó, các mẹ cần phải tìm hiểu thật kỹ càng, tránh trường hợp xấu xảy ra.

Q.C
Tổng hợp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm