Bảo vệ nhà báo và bảo vệ tiếng Việt

10/08/2010 14:31 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Có những báo cáo làm người ta... ngượng, dù nó đúng đắn (mà đúng đắn thì mới đáng ngượng), chẳng hạn như cái báo cáo Tình hình chính tả văn bản tiếng Việt do Viện Công nghệ Thông tin -  ĐH Quốc gia Hà Nội và Công ty VieGrid công bố cuối tháng Bảy vừa rồi.

Nói chung, chẳng cần báo cáo, người ta cũng biết rằng dân ta viết sai chính tả là chuyện thường ngày ở phố, ở xóm, chẳng cứ ở huyện. Giữa trung tâm Thủ đô còn sai, giữa quốc lễ Hùng vương cũng sai… cho nên khi biết tỷ lệ lỗi chính tả trong văn bản tiếng Việt đã ở mức báo động, vượt quá cao so với tiêu chuẩn, chẳng ai nỡ ngạc nhiên.

Ngạc nhiên, nếu có, thì là tỷ lệ lỗi cao quá, những gấp 8 lần chuẩn, mà học thức nhiều như khu vực Đại học và Viện nghiên cứu, toàn trí thức bằng cấp đầy mình, lỗi chính tả cũng xấp xỉ mức trung bình xã hội. Ngạc nhiên nữa là khu vực báo chí và truyền thông có tỷ lệ lỗi chính tả cao nhất, gần mức báo động 10%. Trong đó, cả hai khu vực này đều có các đại diện có tỷ lệ lỗi gần hoặc vượt mức 30%. Đây mới chính là chỗ để ngượng, báo chí toàn đi kể lỗi chính tả của người khác, hóa ra tệ chẳng kém ai.


Biển báo cũng sai chính tả
Sai chính tả thì ngượng, đành thế, nhưng mấy hôm nay, các nhà báo theo dõi pháp luật luôn phải làm những vụ liên quan đến tiêu cực, phóng viên tác nghiệp thường xuyên phải thâm nhập các điểm nóng, phản ánh hiện tượng tiêu cực trong xã hội, đang bàn cách lập đường dây nóng bảo vệ nhà báo, nên việc đem chính tả sai nhiều ít ra để bàn có lẽ không nên. Một việc làm ảnh hưởng đến uy tín danh dự nhà báo chưa được giải quyết, như việc nhà báo bị hành hung, đó mới là điều cần nói đến. Mà việc này thì đau và tự hào chứ không ngượng. Tuy nhiên, dù là hai lĩnh vực khác nhau, khác hoàn toàn, để bảo vệ nhà báo và để nhà báo bảo vệ tiếng Việt, ngẫm ra cũng có vài điểm tương đồng.

Các vụ hành hung nhà báo có nguy cơ trở thành phổ biến (như sai lỗi chính tả trên văn bản vậy) đều khiến xã hội giật mình. Có đề xuất cho rằng nhà báo tác nghiệp cần đi cùng luật sư hoặc võ sư, hoặc hạn chế những vụ việc đụng chạm kẻo nguy hiểm. Nghĩ buồn thật, thiếu kỷ cương phép nước chỗ nào là loạn lên chỗ ấy. Nhà báo còn bị đánh, kêu không được, dân thường bị đánh không có nhà báo kêu thì còn chịu oan ức đến đâu. Nhà báo phải tự bảo vệ mình, bên cạnh sự hậu thuẫn của tòa soạn, còn phải liên hệ với chính quyền địa phương và quan trọng là tự trang bị những kiến thức tối thiểu về pháp luật, am hiểu địa bàn. Cũng như việc nhà báo khi gõ bàn phím đi kèm việc ngó qua từ điển tiếng Việt, tham khảo các văn bản khác, có thể nhiều lỗi chính tả và nhiều thiệt hại cũng được giới hạn.

Tóm lại, cả nhà báo và tiếng Việt đều cần được bảo vệ và bảo vệ lẫn nhau.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm