Khoảng lặng ngày làm việc cuối cùng của năm 2022 ở Nhật Bản

28/12/2022 14:40 GMT+7 | Đời sống

Ngày 27/12, các cơ quan chính phủ và nhiều công ty ở Nhật Bản đã trải qua ngày làm việc cuối cùng của năm 2022 trong tâm trạng trầm lặng, lo lắng về dịch bệnh COVID-19 và các vụ bê bối bủa vây.

Các trung tâm y tế công cộng ở Nhật Bản cảnh báo làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 8 đang lây lan nghiêm trọng. Bà Mieko Harada, Giám đốc Trung tâm y tế công cộng ở phường Chiyoda, thủ đô Tokyo, cho biết bà “không có tâm trạng nghỉ lễ” khi cơ sở này đang phải chật vật ứng phó với số bệnh nhân COVID-19 gia tăng kể từ giữa tháng 12 và tìm cách đảm bảo đủ giường bệnh.

Một quan chức cấp cao tại Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản bày tỏ hy vọng năm 2022 sẽ là năm cuối cùng mọi người phải lo lắng về virus SARS-CoV-2.

Trong khi đó, công ty dịch vụ quảng cáo lớn nhất Nhật Bản Dentsu đang bị cuốn vào vụ bê bối liên quan đến công tác tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 diễn ra vào năm ngoái (bị lùi một năm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19). 

Khoảng lặng ngày làm việc cuối cùng của năm 2022 ở Nhật Bản - Ảnh 1.

Người dân tới công sở trong ngày làm việc cuối cùng của năm 2022 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Các nhân viên của Dentsu tỏ ra bi quan về triển vọng kinh doanh của công ty trong năm 2023 khi công ty đang cố gắng khôi phục lòng tin. Cựu Giám đốc điều hành Dentsu - đồng thời là Trưởng Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020, ông Haruyuki Takahashi, đã 4 lần bị truy tố liên quan đến vụ bê bối hối lộ gây rúng động dư luận. Công ty Dentsu cũng bị điều tra với cáo buộc có hành vi gian lận trong đấu thầu các hợp đồng liên quan đến Olympic Tokyo 2020.

Một nhân viên làm việc trong ngành kinh doanh liên quan đến thể thao cho biết những vụ bê bối ở Dentsu đã làm lung lay lòng tin của mọi người và ảnh hưởng đến nỗ lực đăng cai Thế vận hội Olympic mùa Đông 2030 của Sapporo.

Công ty viễn thông KDDI cũng đang nỗ lực khôi phục uy tín sau sự cố mạng ảnh hưởng đến hơn 30 triệu người, khiến nhiều người dùng không thể thực hiện các cuộc gọi khẩn cấp trong thời gian dài. Người phát ngôn của KDDI cho biết: “Để cung cấp dịch vụ ổn định, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hoạt động thông qua các biện pháp như ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giám sát hệ thống”.

Trong năm 2022, kinh tế Nhật Bản đối mặt với nhiều khó khăn. Mặc dù Chính phủ Nhật Bản không có các biện pháp hạn chế hoạt động kinh tế, nhưng hoạt động tiêu dùng vẫn bị ảnh hưởng do tâm lý của người dân. Thêm vào đó, nền kinh tế đang thiếu hụt lao động trầm trọng ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các nhà máy và làm trầm trọng thêm những nút thắt trong nguồn cung.

 Trong năm qua, Chính phủ Nhật Bản đã chi khoảng 200 tỷ USD giúp người tiêu dùng vượt "bão giá" xăng, điện. Trong khi các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đồng loạt tăng lãi suất mạnh để cố gắng kiềm chế lạm phát ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, Nhật Bản vẫn duy trì lãi suất ở mức thấp nhằm kích thích phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, việc này càng khiến đồng yen suy yếu do với đồng USD, dẫn đến giá cả hàng hóa trong nước không ngừng tăng lên.

Phan An/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm