Khi truyền thông song hành cùng đời thực

25/11/2014 14:03 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Trong Gone Girl, truyền thông toàn nước Mỹ đưa tin sát sao về một người vợ mất tích, người chồng bị tình nghi. Còn trong Mockingjay, truyền thông là phương tiện tuyên truyền duy nhất và vô cùng quan trọng giữa hai phe cánh chính trị.

Đây chính xác là thời đại của truyền thông, khi cả phim tâm lý về hôn nhân lẫn phim hành động giả tưởng đều khắc họa rõ hình ảnh của giới truyền thông trong đó.

Không chỉ đưa tin, giới truyền thông trong các bộ phim còn can thiệp sâu đến nỗi tạo ra những thay đổi bước ngoặt trong cuộc sống của các nhân vật, thậm chí cứu mạng hoặc đẩy cuộc đời họ vào ngõ cụt.

Kẻ nổi loạn, biểu tượng thời trang, ngôi sao truyền hình

Từ những người hoàn toàn là dân thường (đôi vợ chồng Amy và Nick trong Gone Girl), đến người nổi tiếng từ truyền hình thực tế (Katniss trong The Hunger Games), và nhà lãnh đạo chính quyền (vị tống thổng Snow trong The Hunger Games) đều trở thành nhân vật của truyền thông, được theo dõi sát sao và đưa lên thành tin tức.

“Em sẽ là kẻ nổi loạn ăn mặc đẹp nhất trong lịch sử” – đây có lẽ là câu thoại duy nhất gây cười trong The Hunger Games: Mockingjay phần 1, khi chuyên gia thời trang Effie nói với nhân vật chính Katniss, về những trang phục được chuẩn bị để cô đóng phim tuyên truyền. Mockingjay vừa có dịp cuối tuần ra mắt cực kỳ thành công, thu về hơn 200 triệu USD.


Truyền thông, báo chí đã đóng một vai chính trong các bộ phim như "Gone Girl"

Câu thoại đó phản ánh chính xác một đời sống xã hội chịu ảnh hưởng sâu rộng của giới giải trí, trong đó ăn mặc đẹp như ngôi sao được coi là một trong những tiêu chí thành công. Katniss Everdeen (Jennifer Lawrence đóng), trong phim là ngôi sao truyền hình thực tế và biểu tượng của một cuộc nổi dậy, cũng được xây dựng như một biểu tượng thời trang, từ kiểu tóc đến những bộ trang phục được thiết kế riêng tuyệt đẹp.

Để hình ảnh Katniss có hấp lực lớn, quân nổi dậy lập hẳn một ê kíp truyền hình gồm biên tập viên và nhà quay phim, theo sát cô đến những bối cảnh ấn tượng và ghi hình khi cô đang tham chiến, đau đớn, phẫn nộ và phát biểu những lời kêu gọi. Một hình thức truyền hình thực tế rất chân thực và chuyên nghiệp.

Không những thế, cuộc chiến trong Mockingjay phần 1 giữa 2 phe chính quyền và nổi dậy hầu như là cuộc chiến qua truyền thông, cụ thể là truyền hình. Cả 2 bên đều cố gắng lan truyền những thông điệp tuyên truyền của mình đến dân chúng thông qua những đoạn phim quay cảnh thực tế hoặc phỏng vấn. Cả hai đều đặt cược vào tính thuyết phục, lay động của những đoạn phim để thu hút sự ủng hộ của dân chúng hoặc làm họ quy phục.

Con người thật và “con người truyền thông”

Còn trong Gone Girl, mỗi con người có 2 cách tồn tại song song: bản thân họ trong cuộc sống thực và hình tượng của họ khi được đưa lên truyền thông. Mỗi người đều phải chăm chút cho cả 2 cách tồn tại này, thậm chí nhiều khi mức độ quan trọng của “con người truyền thông” còn vượt xa con người thực.

Ban đầu, nhân vật Nick Dunne (Ben Affleck) có hình tượng khá xấu xí trên truyền thông. Anh bị nghi giết vợ, bị chụp ảnh cười toe toét bên cạnh áp phích in ảnh vợ trong buổi họp báo công bố cô mất tích, có biểu hiện là một tên đàn ông lăng nhăng… Ngược lại, nhân vật Amy có hình tượng truyền thông hoàn hảo. Cô xinh đẹp, học thức cao, gia đình danh giá, có vẻ như phải chịu thiệt thòi trong hôn nhân và bị ruồng rẫy khi vừa mang thai…

Cuộc sống thực của cặp vợ chồng này đều phụ thuộc rất nhiều vào “con người truyền thông” của họ. Trong khi Nick khốn đốn vì bị căm ghét trên toàn nước Mỹ, bởi thông tin giật gân về vụ mất tích được truyền thông toàn nước Mỹ đăng tải rộng rãi, thì ngược lại, Amy được yêu quý và nâng niu như một thiên thần bất hạnh.

Báo lá cải lẫn truyền hình tha hồ thêu dệt đủ điều xung quanh cuộc hôn nhân của họ, nhưng điều này không hẳn là bất công mà nằm trong mối liên hệ nhân quả. Hình tượng của Nick và Amy được thêu dệt dựa trên một chuỗi hành động trước đó của họ, hoặc là hệ quả của những việc họ đã vô tình hay cố tình làm.

Báo lá cải hoặc thậm chí truyền thông chính thống có thể đăng những câu chuyện sai sự thật, nhưng không hoàn toàn phi lý, và lại được dư luận ủng hộ. Đó là một hiện thực không mấy tích cực được bộ phim phản ánh rất chân thực.

Người ta tin vào thứ “sự thật” mà họ muốn tin, và khá dễ bị truyền thông lèo lái, dù chính họ không có nhiều thiện cảm với truyền thông.

Đưa truyền thông lên phim không chỉ để khen chê

Nếu nhìn thoáng qua, dễ đi đến nhận xét là các bộ phim nói trên giễu cợt giới truyền thông. Nhưng ngẫm kỹ thì điện ảnh không hề nông cạn như thế. Truyền thông đang tồn tại, hoạt động và tác động sâu rộng đến xã hội này, những tác động ghê gớm cả khi đưa tin đúng hoặc đưa tin sai. 2 bộ phim trên đã rất sòng phẳng khi phản ánh đúng điều đó.

Vượt lên trên việc phiến diện chỉ trích hoặc ca ngợi giới truyền thông, phim ảnh cần phản ánh sinh động những gì truyền thông đang làm với cuộc đời con người, từ người bình thường đến các nhân vật nổi tiếng.

Không chỉ đến The Hunger Games hay Gone Girl mới có, mà giới truyền thông lâu nay vẫn là đối tượng phản ánh quen thuộc của điện ảnh Mỹ. Trong kỳ 2 của loạt bài, Thể thao & Văn hóa sẽ bàn tiếp về truyền thông và hình tượng nhà báo trong các bộ phim khác.

(Còn tiếp)

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm