02/08/2022 19:00 GMT+7 | Văn hoá
So với nhiều tác phẩm viết về khởi nghĩa Yên Bái, dấu ấn của Yên Bái đêm đỏ lửa nằm ở chương viết về chuyện tình giữa Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang trong những ngày tháng đặc biệt nhất của cuộc khởi nghĩa.
1. Vào ngày 28/7 vừa qua, Viện Pháp tại Hà Nội đã phối hợp với Công ty Trường Phương tổ chức buổi tọa đàm ra mắt bản dịch từ nguyên tác La Nuit Rouge De Yen Bai của tác giả người Pháp (bút danh Bốn Mắt) với tựa đề tiếng Việt Yên Bái đêm đỏ lửa. Sách do Trường Phương và NXB Khoa học Xã hội ấn hành.
Buổi tọa đàm có sự xuất hiện của dịch giả Nguyễn Thành Quang - giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, người từng có thời gian nghiên cứu tiến sĩ tại Pháp. Ngoài ra, chương trình còn có sự góp mặt của nhà sử học Dương Trung Quốc và bà Nguyễn Thúy Yên - thạc sĩ ngôn ngữ học, giảng viên tiếng Pháp tại Đại học Bách khoa Hà Nội và ông Phạm Minh Phúc - quyền Giám đốc, Tổng biên tập NXB Khoa học Xã hội.
Cuộc khởi nghĩa Yên Bái cho đến nay đã trải qua gần 1 thế kỷ, nhưng những dấu ấn và bài học của sự kiện lịch sử ấy đối với thế hệ hiện tại vẫn không thể phai mờ. Phong trào đấu tranh ấy đã khiến nhà thơ người Pháp Louis Aragon xúc động mà cảm thán rằng: “Yên Bái, đây là điều nhắc nhở ta rằng không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm cong của đao phủ”.
Đáng nói, cuốn sách cũng ra đời trong thời điểm kỷ niệm 120 năm ngày sinh Nguyễn Thái Học - nhà lãnh đạo của Việt Nam Quốc dân Đảng, người khởi xướng khởi nghĩa Yên Bái.
Đứng ở góc độ trung lập, tác giả đã có những đánh giá khách quan nhất khi phân tích nguyên nhân dẫn đến cuộc nổi dậy bằng vũ trang tại Yên Bái do Việt Nam Quốc dân Đảng tổ chức nhằm đánh chiếm một số tỉnh và thành phố trọng yếu của Bắc kỳ vào đêm mùng 9, rạng sáng mùng 10/2/1930. Tác giả đã đề cập chủ yếu đến những nguyên nhân chủ quan từ phía quân đội Pháp và trách nhiệm của nhà cầm quyền Đông Dương lúc bấy giờ khi để cuộc khởi nghĩa này bùng nổ.
Đặc biệt, để có thể đưa ra những nhận định tổng quan về tình hình Bắc kỳ thời đó, Bốn Mắt đã kết hợp đầu óc quan sát tỉ mỉ, cụ thể cùng tư duy mang tính khoa học của một nhà quân sự để đưa ra những trang viết sắc sảo. Những đánh giá của ông có giá trị bao quát từ vị trí địa lý các vùng miền, tới tâm tính, đặc điểm của con người, cho đến cả những giá trị đạo đức và tinh thần dân tộc.
Đem lại cho độc giả góc nhìn mới về giai đoạn lịch sử đầy biến động của Việt Nam dưới con mắt của một người ở phía bên kia chiến tuyến - một sĩ quan quân đội Pháp từng trải nghiệm và có nhiều kinh nghiệm về chiến tranh - cuốn sách cũng phần nào cho thấy những nhìn nhận đa chiều từ phía người Pháp về cuộc khởi nghĩa của những người Việt Nam yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản trong giai đoạn cuối thập niên 1920.
2. Theo chia sẻ của diễn giả Nguyễn Thúy Yên, độc giả của Yên Bái đêm đỏ lửa nên dành nhiều thời gian vào chương viết về mối tình giữa 2 nhà cách mạng Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang. Thông qua cuốn sách này, người đọc sẽ hiểu thêm về một nhân vật lịch sử đặc biệt mà với nhiều người, vốn chỉ biết tới qua những con đường mang tên Cô Giang ở TP.HCM, Bình Dương, Đà Nẵng hay Bắc Giang - quê hương của bà.
Trong lịch sử, Nguyễn Thị Giang là người yêu, vị hôn thê của Nguyễn Thái Học. Khi người yêu bị hành hình, chính bà đã đến chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng lúc ấy. Diễn giả Nguyễn Thúy Yên cho hay, theo một truyền thuyết, bà và những người khác còn định cướp pháp trường, thế nhưng bất thành. 2 hôm sau ngày hành quyết Nguyễn Thái Học, bà đã dùng súng lục tự sát để tuẫn tiết theo vị hôn phu của mình. Đây có thể là chương đắt nhất trong toàn tác phẩm, bởi đã khiến cho người đọc không khỏi bùi ngùi xót thương trước tình cảm đẹp của 2 nhà cách mạng trong thời chiến.
Như lời chia sẻ tại cuộc tọa đàm, chính diễn giả và những người đồng hành khi biên dịch cuốn sách này cũng không kìm được dòng nước mắt khi đọc trang văn viết về chuyện tình đẹp mà cũng đầy bi thương này.
Như thế bằng tình yêu với Việt Nam, cùng con mắt đầy khách quan, tác giả Bốn Mắt đã khá thành công khi tái hiện cuộc khởi nghĩa Yên Bái và bối cảnh lịch sử đương thời trong cuốn sách Yên Bái đêm đỏ lửa, cũng như để lại ấn tượng về thiên chuyện tình của Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang. Chưa hết, Bốn Mắt cũng lồng ghép vào sách sự ghi nhận đối vớinhững hy sinh của những người An Nam ái quốc vào giai đoạn những năm 30 của thế kỷ 20, để sự kiện này và những người anh hùng đó “không bị ngủ yên trong tấm vải liệm vô tri”.
“Yên Bái, đây là điều nhắc nhở ta rằng không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm cong của đao phủ” - nhà thơ Pháp Louis Aragon. |
Nguyễn Phúc Nam Dương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất