Khi đội trưởng của AC Milan là một 'kẻ phản bội'

11/11/2024 15:07 GMT+7 | Bóng đá Italy

Rafael Leao chói sáng với cú đúp, Pulisic và Reijnders tiếp tục chơi hay, song Milan vẫn không thể thắng dù ghi được tới 3 bàn vào lưới Cagliari. Tất cả bởi vì Theo Hernandez đã chơi một trận thảm họa.

Với chiếc băng đội trưởng trên cánh tay, Theo nhẽ ra phải là điểm tựa, là tấm gương cho các đồng đội. Vậy mà điều ngược lại xảy ra. Hậu vệ người Pháp mắc lỗi lớn ở cả 3 bàn thua, khiến Milan đánh rơi 2 điểm một cách đáng trách vô cùng.

Kẻ phản bội niềm tin

Milan đã rất chú trọng tăng cường hàng thủ cho mùa giải này. Trung vệ Strahinja Pavlovic và hậu vệ phải Royal Emerson đã đến, tiêu tốn 35 triệu euro. Tiền vệ trụ Youssouf Fofana cũng gia nhập để vá lỗ hổng cố hữu trước cặp trung vệ. Chỉ có vị trí hậu vệ trái của Theo Hernandez là không được bổ sung. Nhiều năm nay, Milan tin tưởng tuyệt đối vào cầu thủ người Pháp, đến nỗi họ cũng không tha thiết tìm một người dự phòng cho anh. Đá tốt hay dở, Theo cũng không phải cạnh tranh với ai hay lo mất chỗ vì ai. Đó có lẽ là nguyên nhân dẫn tới sự sa sút rõ rệt của cầu thủ này. Anh từng là hậu vệ trái hay nhất Serie A, nhưng giờ không thể đem so với những Federico Dimarco, Andrea Cambiaso hay thậm chí cả Nuno Tavares, cầu thủ "hàng thải" của Arsenal đang đứng đầu danh sách kiến tạo với 8 lần.

Theo đã phản bội lại sự tin tưởng đó. Phong độ từ đầu mùa của cầu thủ 27 tuổi là rất kém. Anh mắc lỗi trong cả 2 bàn thua ở trận thua Parma, bị phát hiện chạy chậm hơn cầu thủ anh phải theo kèm tới 9km/h. Ở trận thua Fiorentina, Theo gây penalty, đá hỏng penalty (tự ý tranh quyền với Pulisic) và cuối trận còn nhận thẻ đỏ vì xúc phạm trọng tài. Tất cả là với băng đội trưởng trên tay. Tối thứ Bảy vừa qua cũng thế. Theo phòng ngự hời hợt, đứng sai vị trí và phản ứng chậm chạp trong tất cả các bàn thua Milan phải nhận, thậm chí ở cả bàn thua mà Milan may mắn được cứu bởi VAR. Việc Milan để cho một hậu vệ cánh (Gabriele Zappa) thoải mái tấn công và ghi tới 2 bàn (lần đầu tiên kể từ năm 1986 có một hậu vệ ghi 2 bàn vào lưới Milan trong 1 trận) cho thấy cánh trái Milan cũng chẳng tạo được bất cứ sức ép nào cho đối thủ, điều họ thường làm tốt nhất.

Nếu Theo không cải thiện cả về phong độ và thái độ thi đấu, Milan chắc chắn sẽ phải mua một cầu thủ đủ năng lực để thay thế, hoặc ít nhất là thách thức vị trí với ngôi sao người Pháp.

AC Milan: Khi đội trưởng là một “kẻ phản bội” - Ảnh 1.

Theo Hernandez sa sút nghiêm trọng, trở thành một vấn đề của Milan

Cũng may là còn Leao

Nhưng tất nhiên, Milan thủng lưới 3 bàn không phải chỉ có lỗi của một mình Theo. Toàn bộ hàng thủ của họ đều chơi kém, bao gồm cả tiền vệ trụ Fofana, người "kiến tạo" cho bàn gỡ 2-2 của Cagliari. Cặp trung vệ cùng cao 1m94 hoàn toàn vô hại ở mọi pha bóng bổng, trong khi hai cánh để cho các hậu vệ dâng cao của Cagliari thoải mái tạt bóng và dứt điểm. Đồng ý rằng đội chủ sân Unipol Domus đã có một ngày chơi hay xuất thần, đặc biệt ở khả năng dứt điểm, nhưng chính là Milan đã tự cởi áo của mình cho đối thủ ra đòn.

Cũng may, không phải mọi thứ đều tệ. Trong ngày Theo Hernandez bị nhấn chìm xuống địa ngục, đối tác quen thuộc của anh bên cánh trái của Milan là Rafael Leao lại bay rất cao, tiếp nối phong độ ấn tượng từ trận thắng Real Madrid ở Champions League. Không những ghi bàn lần đầu tiên sau hơn 2 tháng (kể từ trận hòa Lazio 2-2 hôm 30/8), Leao còn ghi cú đúp (lần đầu tiên kể từ tháng 1/2023) và thể hiện thái độ thi đấu rất tích cực. Đó chính là Leao mà Milan đã đi tìm bao lâu nay. Có vẻ những liệu pháp tâm lý mà HLV Paulo Fonseca áp dụng với Leao thời gian qua đã có tác dụng. Thêm vào đó, Tijjani Reijnders tiếp tục tỏa sáng với 1 pha kiến tạo, ghi nhận trận thứ tư liên tiếp anh góp công vào bàn thắng cho Milan, và Christian Pulisic cũng vậy. Hệ thống tấn công của Milan vẫn chơi tốt, nhất là khi họ có cơ hội phản công.

Nhưng Leao chưa bao giờ là một cầu thủ chơi ổn định. Có thể ngay trận tới, anh sẽ lại thay thế vị trí của Theo để nhận điểm thấp nhất đội. Điều Milan cần bây giờ là ngôi sao người Bồ Đào Nha phải chứng tỏ vai trò và đẳng cấp của mình để đưa họ trở lại cuộc đua mà họ đang tụt lại quá sâu, nhất là khi trước mặt họ, ở trận đấu ngay sau kỳ FIFA Days, sẽ là Juventus…

Ngày đáng nhớ của Camarda

Ra sân từ đầu trên sân Cagliari, tiền đạo Francesco Camarda trở thành cầu thủ trẻ thứ 2 đá chính cho Milan trong kỷ nguyên 3 điểm/trận thắng (mùa 1994-95) ở độ tuổi 16 + 244 ngày, chỉ kém kỷ lục của Gianluigi Donnarumma đúng 2 ngày. Tuy nhiên, nếu tính theo đơn vị tháng, Camarda mới là cầu thủ trẻ nhất khi đá chính ở độ tuổi 16 + 7 tháng 29 ngày, so với 16 + 8 tháng của Donnarumma. Tuy nhiên, trong lịch sử, Giuseppe Sacchi (vào ngày 25/10/1942) mới là cầu thủ trẻ nhất đá chính cho Milan ở độ tuổi 16 + 7 tháng 17 ngày.

Dù không ghi được bàn thắng, Camarda cũng chơi khá tròn vai trong trận đá chính đầu tiên. Cầu thủ 16 tuổi đã chạy chỗ tốt để tạo khoảng trống và cơ hội cho Rafa Leao lập công. So với lần ra mắt cách đây gần 1 năm, sức vóc của tiền đạo này cũng đã được cải thiện đáng kể và nếu được thi đấu thường xuyên hơn, ngày anh ghi dấu ấn bên cạnh các đồng đội đàn anh sẽ không còn xa.

Nguyễn Vinh

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm