Khi di sản cần "bảo vệ khẩn cấp"

01/12/2022 11:00 GMT+7 | Văn hoá

Một sự trùng hợp thú vị vừa diễn ra vào ngày 29/11: Chỉ ít giờ sau khi hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" kết thúc, trong phiên họp tại Marocco, UNESCO cũng chính thức đưa "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Sự kiện này đánh dấu lần thứ 15 Việt Nam có một di sản văn hóa phi vật thể được công nhận ở cấp thế giới. Và thực tế, niềm vui của chúng ta đang được nối dài: Vài ngày trước đó, 2 hồ sơ khác cũng vừa được UNESCO ghi danh trong hệ thống di sản tư liệu thế giới.

Khi di sản cần "bảo vệ khẩn cấp" - Ảnh 1.

Nghệ nhân chỉnh sửa, hoàn thiện tác phẩm gốm. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Như thế, những tin vui liên tục trên lĩnh vực di sản rõ ràng là minh chứng sống động nhất về vai trò của chúng trong việc góp phần làm nên bản sắc và giá trị của cả một nền văn hóa nói chung. Và điều ấy càng có ý nghĩa trong bối cảnh chúng ta đang bàn tới việc xây dựng và phát huy giá trị hệ giá trị văn hóa Việt Nam như tại hội thảo vừa rồi.

***

Cũng cần nhắc lại, với mấy chữ "cần bảo vệ khẩn cấp", danh hiệu mà Việt Nam vừa nhận được sẽ có những đặc thù riêng. Vắn tắt, theo tiêu chí của UNESCO, đây là loại di sản phi vật thể đang có nguy cơ biến mất. Và để được ghi danh, quốc gia sở hữu di sản phải cam kết thực hiện một kế hoạch bảo vệ đặc biệt với sự tham gia đầy đủ của cộng đồng liên quan.

Với Nghệ thuật làm gốm của người Chăm, các thông tin hiện tại cho thấy di sản này đang đứng trước nguy cơ mai một do số lượng nghệ nhân, người thực hành và học nghề tại các làng gốm ngày càng ít. Thêm vào đó, những biến đổi trong quá trình đô thị hóa cũng góp phần thu hẹp nguồn nguyên liệu, không gian sản xuất và thị trường tiêu thụ của loại sản phẩm thủ công đặc thù này.

Bởi vậy, khi lập hồ sơ đề cử, phía Việt Nam đã nêu chi tiết kế hoạch bảo vệ các giá trị nghề làm gốm của người Chăm trong thời gian 4 năm kể từ 2023. Tại đó, việc đào tạo, tư liệu hóa, giải quyết các vấn đề liên quan nguồn nguyên liệu và tạo sinh kế bền vững cho những người hành nghề đều được đề cập.

Đó là quyết tâm nhưng chắc chắn cũng là một nhiệm vụ không đơn giản - khi đây là lần đầu tiên, chúng ta bảo tồn một di sản thế giới thuộc về loại hình nghề thủ công truyền thống. Sự tôn vinh này mang lại niềm tự hào về "thương hiệu" của gốm Chăm, nhưng đồng thời cũng nhắc chúng ta nhớ rằng, cái đích cuối cùng mà UNESCO đặt ra cho các danh hiệu luôn là yêu cầu đánh thức sự quan tâm để gìn giữ và bảo tồn nó.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm